Pháp luật phải đi vào cuộc sống

Đầu tháng 2 vừa qua, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Vinasun “tố” Grab nhiều nội dung nên họ đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho ngừng ngay việc thí điểm của GrabTaxi.

Hãng Vinasun khẳng định: GrabTaxi đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Việc khởi kiện của Vinasun không chỉ vì lợi ích của hãng này mà còn vì lợi ích của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Theo phía Grab, đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do đó, Vinasun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện.

Tóm lại có 3 điểm Grab phản bác: 1. Phải có chứng cứ; 2. Cáo buộc Grab thực hiện không đúng đề án 24 thí điểm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thì đây là thẩm quyền của Bộ GTVT; 3. Đối với cáo buộc rằng Grab vi phạm pháp luật về khuyến mại, cũng không thuộc thẩm quyền xem xét của cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Công thương...

Mặc dù đã “lôi nhau” ra tòa phân xử bằng “cơ chế” luật pháp đã là văn minh; tuy nhiên Vinasun lẫn Grab vẫn còn lầm lẫn giữa quyền năng xét xử KNHC của các cơ quan chuyên môn, quản lý Nhà nước.

Ngay cả Vinasun nếu thấy “đề án 24” không ổn thì họ có quyền kiện cơ quan xây dựng đề án ra TAHC chứ không thể “lôi” Bộ này vào phân xử theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Chuyện thứ hai, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mới đây mở phiên tòa xét xử phúc thẩm về việc “Khiếu kiện hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lí đất đai”.

Người khởi kiện là bà Phạm Thị Đê (xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình); người bị kiện là ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Phiên xử phúc thẩm căn cứ trên đơn kháng cáo bản án hành chính sơ thẩm số 15/2017 của TAND tỉnh Quảng Bình xét xử ngày 18/8/2017 của bà Phạm Thị Đê.

Bà này cho rằng theo qui định tại khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành QĐ số 2046 sai thẩm quyền, gây thiệt hại cho bà trong việc tranh chấp đất đai.

Vì thế, bà Đê đã có đơn khiếu kiện gửi TAND tỉnh, yêu cầu hủy bỏ quyết định của chủ tịch tỉnh. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/8/2017, TAND tỉnh Quảng Bình đã bác đơn khởi kiện của bà Đê khiến “con kiến” phải kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định, việc Tòa án cấp sơ thẩm bác đơn yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Đê là không đúng. Nội dung kháng cáo của bà Đê là có cơ sở.

Theo đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị Đê, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm; Hủy Quyết định số 2046 của UBND tỉnh về việc giải quyết khiếu nại (lần 2).

Cùng với đó, HĐXX yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nộp 300.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm.

Đây là hai vụ việc khá hay, nó cho thấy pháp luật đã và đang đi vào cuộc sống, người dân tham gia vào tố tụng cần phải biết pháp luật và cứ khởi kiện quan đi, nếu họ ban hành quyết định sai luật pháp, gây thiệt hại cho tổ chức hoặc cá nhân.

T.T

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/phap-luat-phai-di-vao-cuoc-song-d65588.html