Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 4

II. Tính xã hội của pháp luật

Ngoài bản chất giai cấp, pháp luật nhìn chung còn mang tính chất xã hội. Pháp luật dù là thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, nhưng ở mức độ khác nhau nó còn thể hiện ý chí của các giai cấp khác nhau trong xã hội. Hơn nữa, pháp luật lại do nhà nước, với tư cách là đại diện cho toàn bộ xã hội ban hành ngoài việc chủ yếu phục vụ giai cấp thống trị còn phải phù hợp và phục vụ ít nhiều cho các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Ví dụ như pháp luật tư sản tiến bộ trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh (1640 - 1870), pháp luật xã hội chủ nghĩa mang đậm tính xã hội khi đó đại diện cho ý chí của toàn thể xã hội. Như vậy, pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính giai cấp, vừa mang tính xã hội. Hai thuộc tính này có quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, tính giai cấp, bản chất giai cấp của pháp luật vẫn là chủ yếu.

Vậy pháp luật là gì? Pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện. Pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, có nhiệm vụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, các hành vi vi phạm tới các quan hệ đó đều bị nhà nước trừng trị. Nếu nói hình tượng, xã hội là dòng sông thì pháp luật là đôi bờ để giữ cho nước chảy đúng dòng của nó.

1.Pháp luật và kinh tế

Pháp luật cũng là một hiện tượng xã hội nên nó quan hệ chặt chẽ với các hiện tượng xã hội. Mối quan hệ này cũng là một trong các nội dung làm sáng tỏ bản chất giai cấp và xã hội của pháp luật.

Trước hết là mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế. Pháp luật tuy có tính độc lập tương đối nhưng lại phụ thuộc vào kinh tế. Nội dung của pháp luật là do các quan hệ kinh tế xã hội quyết định. Chế độ kinh tế là cơ sở sản sinh ra pháp luật, nên khi kinh tế thay đổi thì pháp luật cũng thay đổi. Ví dụ khi chế độ kinh tế phong kiến thay thế cho chế độ kinh tế nô lệ thì pháp luật phong kiến cũng thay thế pháp luật nô lệ. Kinh tế phong kiến mất đi, tư sản tư bản ra đời thì pháp luật phong kiến cũng mất đi, nhường chỗ cho pháp luật tư sản. Tương tự như vậy, kinh tế tư bản chuyển thành kinh tế xã hội chủ nghĩa thì pháp luật của chủ nghĩa xã hội cũng thay thế cho pháp luật tư sản. Ngay trong một chế độ kinh tế nhưng giai đoạn sau phát triển hơn giai đoạn trước thì pháp luật của chế độ đó cũng phải điều chỉnh, phải san định lại cho phù hợp với giai đoạn hiện thời.

Pháp luật phụ thuộc kinh tế, lấy kinh tế làm cơ sở, nhưng khi ra đời pháp luật với tư cách là một hiện tượng kiến trúc thượng tầng lại có tác động đối với kinh tế, xã hội. Pháp luật là tấm gương phản ánh trình độ kinh tế xã hội đương thời. Khi pháp luật tiến bộ thì thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, ngược lại khi pháp luật phản động, lỗi thời thì nó kìm hãm sự phát triển của kinh tế xã hội. Các quyết định tiến bộ hay phản động của pháp luật cũng như của các hiện tượng kiến trúc thượng tầng là do giai cấp cầm quyền còn tiến bộ hay phản động.

2.Pháp luật và chính trị

Pháp luật còn có quan hệ với chính trị. Pháp luật ra đời nhằm phục vụ chính trị, đạt được mục đích chính trị của giai cấp cầm quyền. Pháp luật là một hình thức cụ thể hóa chính trị, chuyển tải đường lối, chính sách. Đường lối chính sách của giai cấp thống trị luôn giữ vai trò chủ đạo đối với pháp luật trong việc định ra nguyên tắc xây dựng và thực hiện pháp luật. Ví dụ: Các chính sách kinh tế là biểu hiện tập trung nhất của chính trị, được cụ thể hóa trong pháp luật, thành quy định chung cho toàn xã hội. Pháp luật còn phản ánh mối quan hệ các giai cấp, các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp chính là vấn đề chính trị đã được chuyển tải, phản ánh trong luật pháp.

3.Pháp luật và đạo đức

Pháp luật còn có quan hệ với đạo đức. Đạo đức là gì? Là quan điểm của giai cấp, các tầng lớp, các cá nhân về cái thiện, cái ác, cái nhân nghĩa, cái tàn bạo, cái tốt, cái xấu. Các giai cấp, các tầng lớp, các cá nhân do điều kiện hoàn cảnh sinh sống khác nhau nên quan niệm về đạo đức cũng khác nhau. Do đó, trong xã hội có nhiều quy phạm đạo đức. Giai cấp thống trị do ưu thế nắm được nhà nước và tư liệu sản xuất nên đã biến quy phạm đạo đức của họ thành quy phạm pháp luật, buộc các giai cấp và tầng lớp bị trị phải tuân theo. Như vậy, pháp luật phản ánh đạo đức của giai cấp cầm quyền. Ví dụ: Quan niệm đạo đức của phong kiến Trung Quốc được nêu lên thành ba mối quan hệ chủ yếu (tam cương) : Vua - tôi, cha- con, chồng - vợ. Trong quan hệ đó, bầy tôi phải phục tùng tuyệt đối với vua, con phải có hiếu với cha mẹ, vợ phải phục tùng chồng. Quy phạm đạo đức chính trị này được giai cấp phong kiến nâng lên thành quy phạm pháp luật. Vi phạm điều đó không chỉ là vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật và bị trừng trị nghiêm khắc. Pháp luật không chỉ chịu ảnh hưởng của đạo đức mà còn tác động tới đạo đức. Ví dụ, pháp luật có khả năng bảo vệ các quy phạm đạo đức, có khả năng cải tạo con người quy về với đạo đức.

4.Pháp luật và nhà nước

Pháp luật có liên quan mật thiết với nhà nước, có nhà nước mới có pháp luật. Nhà nước và pháp luật đều có chung nguồn gốc phát sinh là chế độ tư hữu, khi xã hội phân thành các giai cấp khác nhau về quyền lợi và địa vị. Pháp luật chỉ tồn tại, phát sinh có hiệu lực khi dựa trên sức mạnh quyền lực của nhà nước. Ngược lại nhà nước không thể tồn tại và phát huy quyền lực nếu thiếu pháp luật. Quyền lực chính trị của nhà nước chỉ được triển khai trên cơ sở pháp luật. Cho nên không thể nói pháp luật đứng trên nhà nước hay nhà nước đứng trên pháp luật. Pháp luật do nhà nước ban hành nhưng khi đã công bố công khai thì nó có sức mạnh buộc chính ngay nhà nước phải chấp hành và tôn trọng.

Chính vì được nhà nước ban hành nên pháp luật có thêm đặc trưng nữa là tính quyền lực, và nó được thực hiện bằng quyền lực nhà nước. Các quy phạm không phải là quy phạm pháp luật như đạo đức, phong tục tập quán v.v... chỉ được thực hiện bằng dư luận và trên bình diện hẹp. Quy phạm pháp luật có tác động đối với tất cả mọi người và trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra pháp luật còn có tính quy phạm. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự (hành vi hành động hoặc không hành động), là những khuôn mẫu được xác định cụ thể. Đó là những khuôn khổ xử sự được pháp luật cho phép. Vượt quá giới hạn pháp luật cho phép là trái luật, là vi phạm pháp luật, những điều quy định đó được gọi là quy phạm pháp luật. Nếu không có quy phạm pháp luật thì không thể quy kết một hành động nào đó có trái luật hay không.

Pháp luật còn có đặc trưng là có tính ý chí vì pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị, nó không phải là cảm tính mà nó là tư duy chủ động tự giác của các nhà tư tưởng, các luật gia và các chính khách.

Ngoài ra pháp luật còn có tính xã hội. Nó phản ánh nhu cầu khách quan của xã hội, tác động tới mọi quan hệ xã hội, hướng xã hội phát triển theo trật tự mà nhà nước định ra.

5.Vai trò của pháp luật

Nói đến vai trò của pháp luật tức là nói đến tác dụng của nó đối với kinh tế, chính trị và xã hội.

Pháp luật có vai trò to lớn đối với nhà nước. Pháp luật là cơ sở củng cố quyền lực nhà nước. Nhà nước không thể tồn tại nếu thiếu pháp luật, sự cần thiết của pháp luật là ở chính ngay nhu cầu của nhà nước. Nhà nước là bộ máy phức tạp, trong bộ máy đó cần phải xác định rõ mối quan hệ giữa các cơ quan, phân định chức năng quyền lực, trách nhiệm phải có phương pháp tổ chức điều hành bộ máy đó cho có hiệu quả, hoạt động đồng bộ. Muốn như vậy phải dựa trên những nguyên tắc quy định của pháp luật. Điều này được thể hiện trong ngành luật nhà nước, còn gọi là Luật Hiến pháp - ngành luật quy định về tổ chức nhà nước. Pháp luật còn quy định quyền hạn nhiệm vụ cho các cán bộ, viên chức nhà nước. Pháp luật có tác dụng hạn chế sự làm quyền, hoặc bệnh quan liêu, tham nhũng vốn là căn bệnh khó tránh của bộ máy nhà nước.

Pháp luật có vai trò lớn trong việc quản lý kinh tế xã hội. Nhà nước của một giai cấp nhưng nó là đại diện chính thức cho toàn xã hội, nên nhà nước có nhiệm vụ quản lý kinh tế xã hội. Pháp luật là phương tiện quan trọng nhất để nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

Pháp luật triển khai chính sách của nhà nước nên trên quy mô toàn quốc, nhờ pháp luật, nhà nước mới thực hiện được quyền kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của các tổ chức, cơ quan, nhân viên và mọi công dân. Nhà nước không thể trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế mà chỉ dùng pháp luật để quản lý ở tầm vĩ mô bằng phương pháp hành chính kinh tế, dựa vào văn bản pháp luật nhà nước mới có thể phát huy hiệu lực của mình trong tổ chức quản lý xã hội, kinh tế.

Quá trình phát triển của kinh tế xã hội sẽ nảy sinh những quan hệ mới, pháp luật trước đó sẽ không đầy đủ. Nhà nước phải đề ra pháp luật mới để điều chỉnh kịp thời. Như vậy pháp luật định hướng, xác lập những quy định mới, tuy nhiên sự thay đổi chỉ là một vài bộ phận của hệ thống pháp luật, vì pháp luật có tính ổn định tương đối.

Nếu như pháp luật của một quốc gia tiến bộ, phản ánh lợi ích dân tộc, được toàn dân ủng hộ thì pháp luật làm cho trật tự xã hội ổn định. Ổn định chính trị xã hội trong nước sẽ làm cơ sở cho bang giao quốc tế, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước khác. Sự bang giao này được thể hiện bằng các hiệp ước, điều ước quốc tế và tập hợp lại trong ngành luật quốc tế. Nhà nước nào cũng phải có văn bản hay pháp luật quy định và điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến chủ thể là người nước ngoài có hợp tác với các chủ thể trong nước. Những quy phạm này cũng thuộc ngành luật quốc tế và thuộc phần tư pháp quốc tế.

6.Hình thức của pháp luật

Hình thức pháp luật là sự biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật, là phương thức đang tồn tại thực tế của pháp luật mà chúng ta nhận biết được bằng cách đọc và nghe.

Hình thức pháp luật bao gồm hình thức bên trong và hình thức bên ngoài.

- Hình thức bên ngoài của pháp luật:

Hình thức bên ngoài của pháp luật còn gọi là nguồn của pháp luật bao gồm: tập quán pháp, tiền lệ pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

Tập quán pháp là những tập quán được lưu truyền trong xã hội nhưng phù hợp với giai cấp thống trị nên được nhà nước thừa nhận, nâng lên thành những quy phạm pháp luật có tính bắt buộc chung với tất cả mọi người và được nhà nước bảo đảm cưỡng bức thực hiện. Pháp luật của chế độ nô lệ và phong kiến sử dụng nhiều tập quán pháp. Ví dụ: bộ luật Hăm- mu- Ra- bi của vương quốc Babylon, bộ luật Manu của Ấn Độ, bộ luật Sa-lic của vương quốc phong kiến Phơ-răng phần lớn từ phong tục tập quán nhiều đời được đúc kết, san định lại thành luật.

Tiền lệ pháp là các quyết định giải quyết vụ việc của tòa án, của cơ quan hành chính và sau đó được nhà nước thừa nhận là khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc tương tự xảy ra. Cũng như tập quán pháp, tiền lệ pháp chỉ phổ biến ở pháp luật nô lệ và phong kiến.
(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-4-83393