Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 30)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 30

Ở triều đình trung ương, vua là người đứng đầu. Dưới vua là tả, hữu tướng quốc kiêm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự bao gồm các chức: Tam thái, Tam thiếu, Tam tư. Chức sắc đó dành riêng cho tôn thất và các đại công thần. Tiếp theo đó là hai ban văn võ.

Ban văn do chức Đại hành khiển đứng đầu, bao gồm các bộ do Thượng thư điều khiển (thời Lê Thái Tổ chỉ có hai bộ) bộ Lại và bộ Lễ. Cạnh bộ là các cơ quan chuyên trách như: Nội mật viện, Ngũ hành viện, Ngự sử đài.

Ban võ do các Đại tổng quản hoặc Đại đô đốc đứng đầu (chức đại tổng quản bị bãi bỏ ở thời Lê Thánh Tông). Đại tổng quản chỉ huy quân thường trực ở kinh thành và vệ quân ở các đạo. Dưới có các chức võ quan cao cấp khác.

Trải qua các đời Lê Thánh Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân, bộ máy nhà nước càng được hoàn thiện, củng cố. Thời Lê Nghi Dân có 6 bộ: Lại, Lễ, Hình, Hộ, Binh, Công và 6 khoa là: Trung, Hải, Đông, Tây, Nam, Bắc.

Đời vua Lê Thánh Tông đã thay đổi hoàn thiện bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Năm 1464, cả nước có 12 đạo, đứng đầu đạo là hai ty: Đô ty: phụ trách quân đội và Thừa ty: phụ trách hành chính, tư pháp. Dưới đạo là phủ, châu, huyện, xã. Thời kỳ này, nhà vua cũng cho đổi tên gọi các chức quan địa phương:

-An phủ sứ thành Tri phủ

-Trấn phủ sứ thành Đồng tri phủ

-Chuyển vận sứ thành Tri châu

-Xã quan thành xã trưởng.

Riêng Trung đô có một chức quan đặc biệt như: Phủ doãn, Thiếu doãn, Thị trung.

- Năm 1469: Định bản đồ trong cả nước quy định số khu vực hành chính thuộc 12 đạo thừa tuyên.

- Năm 1471, mở bờ cõi phía Nam, Lê Thánh Tông cho đặt thêm Thừa tuyên Quảng Nam, có 3 phủ và 9 huyện. Năm 1471, Lê Thánh Tông đặt thêm ty Hiến sát ở các đạo do các chức Chánh Phó hiến sát sứ cầm đầu.

- Ty hiến sát có nhiệm vụ xét xử kiện tụng và giám sát các công việc trong đạo.

- Chính quyền địa phương thuộc 3 cơ quan: Đô, Thừa, Hiến gọi là Tam ty. Đó là hình thức phân lập quyền bính: binh, chính, hình để thu bớt quyền hành của quan địa phương, tập trung quyền lực về trung ương và hạn chế khuynh hướng phân tán trong xã hội.

- Năm 1490, Lê Thánh Tông quy định lại đơn vị hành chính cấp xã:

+ Đại xã: 500 hộ trở lên.

+ Trung xã: 300 hộ trở lên.

+ Tiểu xã: 100 hộ trở lên.

Tiểu xã do xã trưởng quản lý. Xã trưởng phải là giám sinh, sinh đồ hay “lương gia tử đệ” trên 30 tuổi, biết chữ và có hạnh kiểm.

- Ở trung ương, năm 1465, Lê Thánh Tông đổi 6 bộ thành 6 viện, mỗi viện có một Thượng thư đứng đầu.

- Đổi lại tên các khoa cho phù hợp với viện:

+ Trung thư khoa thành Lại khoa.

+ Hải khoa thành Hộ khoa.

+ Đông khoa thành Lễ khoa.

+ Nam khoa thành Binh khoa.

+ Tây khoa thành Hình khoa.

+ Bắc khoa thành Công khoa.

Sáu viện trông coi công việc trong nước còn lại sáu khoa kiểm sát công việc của sáu viện.

Năm 1466, Lê Thánh Tông lại đổi sáu viện thành sáu bộ và có đặt thêm sáu tự gồm: Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự, Thượng bảo tự.

Ngoài ra còn có ba cơ quan giúp việc nhà vua: Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Đông các viện.

Ở ban võ, Lê Thánh Tông bỏ chức Đại tổng quản mà giao cho Ngũ phủ thống suất quân đội toàn quốc do tả, hữu Đô đốc cầm đầu.

Đứng trên tất cả các cơ quan là các chức quan đứng đầu các triều đình như Bình chương tướng quốc, Tam thái, Tam thiếu.

Năm 1471, Lê Thánh Tông ra chỉ dụ: “Hiệu định quan chế” định rõ trách nhiệm các chức quan, bãi bỏ chức tể tướng để tập trung quyền lực vào tay nhà vua.

Bộ máy Nhà nước thời Lê sơ là bộ máy quan liêu, nặng nề, quan chức trong kinh và ngoài các đạo có tới 5.398 viên chức. Quan chức có nhiều đặc quyền đặc lợi, theo thứ bậc cao thấp mà cấp ruộng thế nghiệp, lộc điền, người phục dịch. Theo chức quan mà quy định trang phục, màu sắc quần áo, dân thường không được bắt chước.

Nhà Lê chú ý xây dựng quân đội hùng mạnh. Thời kháng chiến chống Minh, Lê Thái Tổ đã có 35 vạn quân, thực hiện chính sách “ngụ binh, ư nông”, đầu năm 1429, Lê Thái Tổ cho 25 vạn quân về làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn chia làm 5 phiên, cứ 4 phiên thay nhau về làm ruộng, 1 phiên ở lại thường trực. Nếu có chiến tranh mới huy động hết và nhanh chóng tập trung binh lực.

Năm 1466, Lê Thánh Tông chia quân làm 2 loại: Thân binh (cấm binh) để bảo vệ kinh thành và ngoại binh để trấn giữ các xứ. Thời kỳ này cũng xây dựng chế độ tuyển quân chặt chẽ.

II.Pháp luật thời Lê

1.Văn bản pháp luật

Thời nhà Lê là đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền. Cũng như các lĩnh vực khác, hoạt động lập pháp được đẩy mạnh để nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển của chế độ phong kiến. Thế kỷ 15 đánh dấu mốc quan trọng của lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam.

Năm 1428, đất nước được giải phóng khỏi ách thống trị của nhà Minh, Lê Lợi đã huy động một số đại thần soạn luật lệ về kiện tụng, về phân chia ruộng đất, một số quy định về hình phạt, về ân xá. Đến thời Lê Thái Tông (1434-1442) đã xây dựng những nguyên tắc xử các vụ án kiện cáo, định một số điều luật nghiêm cấm việc hối lộ, về những hành động giao thiệp với nước ngoài. Năm 1449, Lê Nhân Tông ban hành 14 điều luật về quyền tư hữu ruộng đất, quy định những nguyên tắc xét xử đối với các hành vi vi phạm quyền tư hữu ruộng đất. Lê Thánh Tông (tại vị 1460-1497) đã đề ra nhiều quy định trấn áp các hành vi chống đối, làm hại đến nền an ninh quốc gia, đe dọa nền thống trị của giai cấp phong kiến, bảo vệ tôn ty trật tự, đạo đức phong kiến.

Sự quan tâm đến lập pháp của các vua nhà Lê đã mang lại những thành quả to lớn. Hệ thống văn bản pháp luật gồm các công trình tiêu biểu như:

- Bộ “Quốc triều hình luật” còn gọi là “Lê triều hình luật” gồm 6 quyển.

- “Luật thư” 6 quyển do Nguyễn Trãi biên soạn (1440-1442).

- “Quốc triều luật lệ” do Phan Phu Tiên biên soạn (năm 1442).

- “Lê triều quan chế” (1471).

- “Thiên Nam dư hạ tập” (1483).

- “Hồng Đức thiện chính thư” (1470-1497)

Trong số đó, bộ “Quốc triều hình luật” được ban hành dưới triều Lê Thánh Tông (1483) niên hiệu Hồng Đức là bộ luật quan trọng bậc nhất như là văn bản pháp lý chủ đạo suốt cả thời Lê (1428-1789), còn gọi là luật Hồng Đức. “Quốc triều hình luật” là đỉnh cao nhất của thành tựu pháp luật Việt Nam so với các triều đại trước và cả về sau này trong phạm vi chế độ phong kiến.

Nguồn luật của “Quốc triều hình luật” là các văn bản pháp luật các đời vua Lê trước đó, đến đời Lê Thánh Tông được san định lại cho hoàn chỉnh.

Về cấu trúc, “Quốc triều hình luật” bao gồm 6 quyển 722 điều.

Phần đầu có 3 đồ biểu quy định về kích thước các hình cụ, tang phục và việc để tang.

Quyển 1 gồm 2 chương:

- Chương Danh lệ: 49 điều.

- Chương Cấm vệ: 47 điều.

Quyển 2 gồm 2 chương:

- Chương Vi chế: 144 điều.

(Còn nữa)
CVL

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-30-83894