Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 3)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 3

Bộ luật sớm nhất của chế độ phong kiến châu Âu là bộ luật Sa-lic của người Pháp, bộ luật Sác-xông của người Anh. Nhìn chung, pháp luật phong kiến bảo vệ đặc quyền kinh tế, đặc quyền bóc lột, bảo vệ địa vị xã hội và danh dự cho tầng lớp quý tộc phong kiến, Pháp luật phong kiến mang tính không thống nhất, tính chất tôn giáo, trừng trị dã man và tàn bạo. Sở dĩ có đặc điểm trên vì pháp luật phong kiến dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp, phân tán và lạc hậu.

Nhưng khi chế độ phong kiến châu Âu thiết lập được nhà nước tập quyền chuyên chế là lúc chế độ đó bước vào thời kỳ suy tàn. Bởi vì trong lòng xã hội đó đã ra đời nền kinh tế tư bản hàng hóa làm tan rã nền kinh tế phong kiến nông nghiệp đóng kín, giai cấp tư sản vốn đối lập với giai cấp phong kiến, là giai cấp mới hùng mạnh về kinh tế, chính trị đã lãnh đạo thị dân, nông dân vốn căm thù chế độ cũ vùng dậy tiến hành các cuộc cách mạng tư sản lật đổ giai cấp phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền.

3. Nhà nước và pháp luật tư sản

Cách mạng tư sản Anh đã mở ra một thời đại mới, thời đại của chế độ tư bản, các nhà nước lần lượt ra đời. Kết quả lớn nhất của cách mạng tư sản Anh (1640 - 1649) đã ra đời nhà nước tư sản dưới hình thức quân chủ nghị viện. Sau cuộc cách mạng tư sản Mỹ (1775 - 1783), nhà nước tư sản Mỹ với hình thức cộng hòa tổng thống ra đời. Cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1794) đã lập nhà nước tư sản Pháp với hình thức cộng hòa lưỡng thể (vừa mang tính chất cộng hòa tổng thống vừa mang tính cộng hòa đại nghị). Cách mạng tư sản Nhật lập ra đời nhà nước tư sản Nhật với hình thức quân chủ nghị viện v.v... Như vậy mới chế độ tư sản cũng có nhiều hình thức nhà nước, chủ yếu là quân chủ nghị viện, cộng hòa tổng thống, cộng hòa đại nghị.

Chế độ tư sản tiến bộ hơn chế độ phong kiến, cho nên pháp luật tư sản cũng vì thế mà tiến bộ hơn. Lần đầu tiên pháp luật tư sản đã đề cập đến quyền của công dân, nêu lên nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền tự do biểu lộ ý chí khi tham gia ký kết hợp đồng. Pháp luật tư sản đã phân ra những ngành luật mới như: Luật Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hành chính, đã điều chỉnh được hầu hết các quan hệ xã hội trong tất cả các lĩnh vực.... Tuy nhiên, do bản chất giai cấp, pháp luật tư sản cũng chỉ là công cụ phục vụ cho giai cấp tư sản, những danh từ bình đẳng cũng chỉ là những danh từ hoa mỹ để lừa bịp nhân dân. Đặc biệt khi chủ nghĩa tư bản phát triển tới giai đoạn độc quyền (1870 -1945) và độc quyền nhà nước (1945 đến nay), thì pháp luật tư sản ngày càng mang tính phản động, phục vụ đắc lực cho các tập đoàn tư sản lũng loạn đoạn độc quyền.

4. Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa

Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng cho những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, để chế độ cộng sản thay thế cho chế độ tư bản. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi (1917) lập ra nhà nước Xô Viết và sau này thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô), mở đầu thời đại mới: lịch sử thể giới hiện đại. Tiếp đó, việc Liên Xô và các nước Đồng minh chiến thắng phe phát xít Đức, Ý, Nhật trong đại chiến thế giới thứ 2 (1939 - 1945) đã tạo điều kiện ra đời hàng loạt nhà nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Các nhà nước xã hội chủ nghĩa chủ yếu có hai hình thức: Cộng hòa Xô Viết và Cộng hòa dân chủ nhân dân. Từ đó pháp luật xã hội chủ nghĩa ra đời. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của đa số nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là công cụ để đàn áp giai cấp bóc lột, nhưng chủ yếu là để xây dựng một xã hội không có người áp bức bóc lột người. Vì thế lần đầu tiên trong lịch sử, pháp luật thể hiện ý chí không phải của thiểu số giai cấp thống trị mà là thể hiện ý chí của đa số nhân dân để phục vụ cho công cuộc xây dựng xã hội mới, bảo vệ tài sản, tính mạng, danh dự, quyền lợi của mọi công dân. Đây chính là thời kỳ mọi công dân thực sự bình đẳng trước pháp luật.

Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa, về bản chất khác xa với ba kiểu nhà nước và pháp luật của chế độ bóc lột. Nhà nước xã hội chủ nghĩa với tính chất nhân dân của nó chỉ còn là “một nửa” nhà nước. Đến khi chủ nghĩa cộng sản chiến thắng trên toàn thế giới, chế độ tư hữu mất đi, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, vật chất và kỹ thuật ở mức độ cao được xác lập, xã hội không còn giai cấp, mọi người tự quản, tự làm việc, tự giác tuân thủ các luật lệ cộng đồng đề ra, không cần nhà nước điều hành cưỡng bức nữa. Khi đó nhà nước và pháp luật sẽ tự tiêu vong

Chương II: NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT

I. Tính giai cấp của pháp luật

Ở phần đầu, chúng ta đã biết pháp luật chỉ xuất hiện khi xã hội xuất hiện chế độ tư hữu, xuất hiện giai cấp và nhà nước. Pháp luật cũng như nhà nước là công cụ của giai cấp thống trị, phục vụ cho một giai cấp nhất định, cho nên pháp luật mang bản chất giai cấp.

Thể hiện tính giai cấp đó, pháp luật trước hết phản ánh ý chí của giai cấp thống trị: ý chí của giai cấp thống trị tức là nguyện vọng, mục đích cùng các phương pháp để duy trì thống trị đối với xã hội. Giai cấp nào cũng có nguyện vọng, cũng có mục đích, nhưng chỉ có giai cấp thống trị nhờ nắm được bộ máy nhà nước đã biến ý chí của riêng giai cấp mình thành ý chí của nhà nước, tức là biến ý chí đó thành pháp luật. Khi đã thành pháp luật, ý chí đó trở thành quy tắc xử sự (hành động) chung bắt buộc đối với tất cả mọi người trong xã hội và được nhà nước bảo đảm, cưỡng bức mọi người thực hiện. Xã hội có nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp, do đó có nhiều loại ý chí, nhưng chỉ có ý chí của giai cấp thống trị mới trở thành ý chí của nhà nước, được nhà nước bảo đảm cho nó thực hiện. Vì thế xã hội dù có nhiều quy phạm, quy tắc của các giai cấp khác nhau nhưng chỉ có một hệ thống pháp luật duy nhất của nhà nước thành hệ thống chung cho toàn thể xã hội.

Tính giai cấp của pháp luật còn thể hiện ở mục đích điều chỉnh của nó đối với các quan hệ xã hội. Tức là pháp luật có nhiệm vụ điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp, các cá nhân trong xã hội, nhằm hướng các quan hệ xã hội đó phát triển theo một “trật tự” phù hợp ý chí, nguyện vọng của giai cấp thống trị để bảo vệ và giữ vững trật tự xã hội, bảo vệ chế độ chính trị hiện hành, bảo vệ địa vị thống trị của giai cấp đang cầm quyền.

Đặc tính chung của pháp luật là mang bản chất giai cấp, nhưng mỗi kiểu pháp luật có nét riêng của nó. Như pháp luật thời chiếm hữu nô lệ, chủ nô công khai quy định quyền sở hữu của chủ nô đối với nô lệ. Nô lệ là tài sản, là công cụ biết nói của chủ nô. Chủ nô có quyền giết, mua bán trao đổi, đánh đập nô lệ. Nô lệ phải lao động khổ sai không hạn định và họ không được hưởng một phần nào của cải họ làm ra. Đó cũng là đặc trưng của chế độ nô lệ. Gọi là chế độ phong kiến vì nó được hình thành bởi sự phân phong ruộng đất từ các hoàng đế cho các quý tộc, lãnh chúa. Các quý tộc lãnh chúa cho những người nông dân lĩnh canh ruộng đất cày cấy và nộp tô cho họ. Chế độ phong kiến tiến bộ hơn chế độ nô lệ ở chỗ người nông dân được tự do thân thể và được hưởng một phần hoa lợi do chính họ làm ra. Tuy nhiên, pháp luật phong kiến công khai quy định đặc quyền của quý tộc phong kiến, quy định các chế tài (hình phạt) hà khắc đối với nông dân.

Pháp luật tư sản dựa trên cơ sở kinh tế hàng hóa nên tiến bộ hơn pháp luật nô lệ và phong kiến. Để che giấu bản chất giai cấp, pháp luật tư sản đã dùng những từ ngữ hoa mỹ như công bằng, bình đẳng để mị dân.

Pháp luật xã hội chủ nghĩa khác với pháp luật nô lệ, phong kiến và tư sản nó đại diện cho ý chí của toàn dân, là công cụ trấn áp của đa số đối với thiểu số nên nó công khai bày tỏ bản chất giai cấp.

(Còn nữa)

CVL

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-3-83372