Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 29)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 29

Chương V: PHÁP LUẬT ĐỜI HỒ

I.Bộ máy nhà nước

Nhà Trần đã đạt những thành tựu xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, phát triển đất nước, đặc biệt là ba lần đánh bại những cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông, lập nên những chiến công oanh liệt hiển hách nhất của thời đại bấy giờ. Nhưng vào đầu thế kỷ 14, nhà Trần bước vào giai đoạn suy vong. Sau chiến thắng, nhà Trần đã cướp đoạt ruộng đất của nông dân để phong tặng cho các vương hầu và các tướng lĩnh có công trong kháng chiến. Nạn cướp đoạt ruộng đất để lập điền trang thái ấp làm cho nông dân điêu đứng. Ngoài ra nông dân còn phải nộp tô, thuế, đi lao dịch, quân dịch nặng nề. Nạn cho vay nặng lãi và chế độ tham nhũng, đục khoét nhân dân của bọn tham quan ô lại như thòng lọng càng thắt chặt vào cổ nhân dân. Trần Khánh Dư, một tướng soái của nhà Trần đã trắng trợn nói: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt nuôi chim ưng thì có gì là lạ”(1). An phủ sứ Hồ Tông Thốc cũng quan niệm: “Một người được ơn vua thì cả nhà được hưởng lộc”. Nhà Trần đã quên lời dặn của Trần Hưng Đạo: “Khoan sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Vua Trần Dụ Tông (1341-1369) lao vào ăn chơi, xa hoa lãng phí, rượu chè cờ bạc triền miên. Tiếp đó là những cuộc chiến tranh với Ai Lao (Lào), Chămpa (Chiêm Thành). Sự suy yếu của đất nước khiến vua Chămpa là Chế Bồng Nga nhiều lần đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa và Thăng Long. Nhà Trần không bảo vệ nổi đất nước. Nông dân càng bất mãn, đói khổ, liên tục khởi nghĩa. Phong trào kéo dài nửa thế kỷ giáng đòn mạnh mẽ làm lung lay sụp đổ chế độ điền trang, thái ấp và vương triều nhà Trần.

Nhân cơ hội đó, Hồ Quý Ly người có quyền thế lớn nhất thời đó đã cướp ngôi nhà Trần và lập ra một triều đại mới: Triều Hồ (1400-1407), đổi quốc hiệu là Đại Ngu.

Lên nắm chính quyền, Hồ Quý Ly đã táo bạo thực hiện một loạt chính sách cải cách để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của nhà nước phong kiến và củng cố địa vị của triều đại mới. Năm 1397, nhà Hồ thực hiện chính sách hạn điền, hạn nô để hạn chế thế lực nhà Trần, xoa dịu sự bất mãn của nông dân. Chính sách phát hành tiền giấy được thi hành từ năm 1396 nhằm tăng thêm ngân quỹ cho nhà nước, thu hồi đồng về để đúc vũ khí. Nhà Hồ vẫn ban hành một tiền đồng nhưng không nhiều. Về văn hóa, giáo dục, Hồ Quý Ly cho chấn chỉnh chế độ thi cử theo hướng thiết thực, coi trọng đề cao chữ Nôm, làm thơ chữ Nôm, dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy cho vua và các cung phi. Nhà Hồ đặc biệt chú ý tăng cường lực lượng quân sự về số lượng, tổ chức, trang bị.

Hồ Quý Ly cũng đã tiến hành cải cách hành chính, cải cách bộ máy nhà nước nhằm tập trung quyền lực cho trung ương.

Năm 1397, Hồ Quý Ly đổi một số lộ xa thành trấn: Thanh Hóa là trấn Thanh Đô, Diễn Châu (Nghệ An) đổi thành trấn Vọng Giang, Quốc Oai đổi thành Quảng Oai v.v... Và nâng một số châu lên thành lộ. Cai trị các trấn có các chức quan là đô hộ, đô thống, tổng quản do các đại thần nắm giữ. Ở các lộ vẫn như cũ, do chánh, phó an phủ sứ đứng đầu. Dưới lộ, châu là phủ, cai trị do chánh, phó trấn phủ sứ. Ở các châu do thống phán và thiên phán cai trị. Ở huyện đặt lệnh úy và chủ bạ; ở cơ sở bỏ đại, tiểu tư xã, và giữ lại giáp như cũ. Ở các trấn, cai trị nặng tính chất quân sự. Nhà Hồ cũng đã đặt bổ sung thêm hệ thống trạm dịch, bảo đảm liên lạc giữa trung ương với địa phương. Ở mỗi lộ có đặt thêm chức liêm phóng sứ, chức quan trông coi bộ máy do thám, mật thám. Tất cả con trai từ hai tuổi đều phải ghi tên vào sổ hộ để đến tuổi tuyển lính.

II.Pháp luật

Hồ Quý Ly và triều Hồ đều quan tâm đến việc sử dụng pháp luật để làm công cụ xây dựng chế độ mới. Triều Hồ đã ban hành một số luật kinh tế, xã hội, ban hành chính sách “hạn điền”, “hạn nô” nhằm hạn chế sự cướp đoạt ruộng đất của bọn quý tộc nhà Trần đối với nông dân. Nhà Hồ phát hành tiền giấy. Cho nên pháp luật Hồ nghiêm khắc trừng phạt tội làm bạc giả, tội hành nghề mê tín dị đoan, tội cờ bạc, tội nấu rượu lậu. Nhà nước tặng thưởng cho người có công. Thay đổi chế độ tô thuế, thi cử để lựa chọn nhân tài. Hồ Quý Ly cố gắng cải cách bộ máy hành chính nhằm củng cố lại bộ máy quá rệu rã cuối đời Trần. Năm 1401, nhà Hồ cho làm bộ Luật: “Đại Ngu quan chế hình luật”. Đến nay bộ luật này không còn, chỉ còn được nhắc đến tên trong “cương mục”. Hồ Quý Ly và triều Hồ đã tiến hành những cải cách táo bạo. Nhưng những cải cách đó bị bọn quý tộc bảo thủ nhà Trần kiên quyết chống lại để bảo vệ quyền lợi của chúng. Chính sách cải cách của nhà Hồ có hạn chế bớt thế lực họ Trần, nhưng lại làm lợi riêng cho họ Hồ nhiều hơn là lợi ích quốc gia. Vì vậy, khi bị quân Minh tấn công, nhà Hồ sụp đổ và thất bại nhanh chóng.

Chương VI: PHÁP LUẬT THỜI HẬU LÊ

I.Bộ máy nhà nước

Năm 1368, nhà Nguyên ở Trung Quốc bị Chu Nguyên Chương lật đổ và nhà Minh được thiết lập. Tháng 11-1406, 20 vạn quân Minh tràn vào xâm lược nước ta. Nhà Hồ do trước đó chỉ thực hiện những chính sách mang lại quyền lợi cho dòng họ làm mất lòng dân, không đoàn kết được toàn dân kháng chiến nên sau khi thành Đa Bang thất thủ, quân đội nhà Hồ tan rã nhanh chóng. Tháng 6-1407, thái thượng hoàng Hồ Quý Ly và toàn bộ vua tôi triều đình Hồ bị giặc bắt. Tướng giặc, Trương Phụ đã chiếm được 48 phủ, châu, 168 huyện, 3.129.500 hộ, 112 con voi, 420 con ngựa, 33.750 con trâu bò, 8.865 chiếc thuyền(1).

Sau khi chiếm được nước ta, nhà Minh thủ tiêu nền độc lập dân tộc, thủ tiêu bộ máy nhà nước cũ, đổi nước ta thành quận Giao Chỉ. Bộ máy tối cao ở quận chia làm 3 cơ quan gọi là ty do các viên quan người Trung Quốc đứng đầu đó là:

- Ty Bố chính (Thừ tuyên bố chính sứ ty): phụ trách hành chính, tài chính

- Ty tư sát (Đề hình án sát ty): phụ trách tư pháp

- Đô chỉ huy sứ ty: trông coi việc binh.

Giặc Minh tiến hành vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân dân ta một cách tàn bạo, tàn phá cướp bóc nền văn hóa của ta, thi hành chính sách đồng hóa triệt để.

Với truyền thống quật cường của dân tộc, nhân dân ta không chịu khuất phục, đã đứng dậy khởi nghĩa dưới ngọn cờ của người anh hùng dân tộc Lê Lợi ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) quyết tâm cứu nước. Sau 10 năm kháng chiến (1416-1427), cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi. Vương triều Hậu Lê được kiến lập đưa nước ta vào một thời kỳ mới. Thời kỳ phát triển rực rỡ của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.

Về kinh tế, thời kỳ này đã xóa bỏ chế độ điền trang, thái ấp thời Lý, Trần, thay vào đó bằng chế độ lộc điền. Với lộc điền ruộng đất chỉ được cấp tạm thời, quan lại chỉ được hưởng lộc điền. Nhà Lê còn thực hiện chế độ quân điền theo đó tất cả những người dân đều được khẩu phần ruộng đất ở làng xã. Chế độ quân điền một mặt bảo tồn công xã, nhưng lại biến công xã thành cơ sở để nhà nước bóc lột, nông dân thành tá điền, phải nộp tô thuế, lao dịch, đi lính cho nhà nước. Nho giáo thành địa vị thống trị, trở thành hệ tư tưởng chính thống của nhà nước. Đất nước Đại Việt thời Lê sơ đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sử học và các bộ môn khoa học khác.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, xưng là Lê Thái Tổ, đặt quốc hiệu là Đại Việt và chia nước thành 5 đạo:

- Đông đạo, gồm các lộ: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách thượng, Nam Sách hạ, An Bang.

- Bắc đạo gồm các trấn và lộ: Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Giang.

- Tây đạo gồm các trấn: Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa.

- Nam đạo gồm các lộ: Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương, Thiên Trường.

- Hải Tây đạo gồm các lộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa.

Đứng đầu các đạo là Hành khiển, bên cạnh có Tổng quản phụ trách quân sự.

Dưới đạo là trấn, lộ, phủ, huyện, châu. Cai trị trấn có Trấn phủ sứ, Tuyên úy sứ; ở lộ có An phủ sứ, Tổng quản trông coi. Ở phủ có Tri phủ, Đồng tri phủ; ở huyện có Chuyển vận sứ. Ở châu có Phòng ngự sứ, Chiêu thảo sứ. Vùng thiểu số, miền núi có Tri châu và Đại tri châu cai quản.

Đơn vị hành chính cơ sở là xã. Năm 1428, Lê Thái Tổ chia xã làm 3 loại: 100 hộ trở lên gọi là đại xã, do 3 người cai quản; 50 hộ trở lên là trung xã, có 2 người cai quản; 10 hộ trở lên gọi là tiểu xã, có 1 người cai quản.

(Còn nữa)

CVL

---------------------------

(1)Lịch sử Việt Nam, Nxb. khoa học xã hội. H, 1971, tr.226.

(1)Vũ Thị Phụng: Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Hà Nội, 1993, trang 80.

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-29-83878