Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 27)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 27

II.Pháp luật

1.Văn bản pháp luật

Nhà Lý là triều đại đầu tiên đã có pháp luật thành văn dùng làm công cụ cai trị, thống nhất pháp luật cả nước để bảo vệ củng cố chế độ phong kiến. Nhà Trần đã tiến một bước dài trong việc xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, hoạt động pháp chế được đẩy mạnh tăng cường hơn. Về hệ thống pháp luật, nhà Trần có nhiều văn bản, hoàn chỉnh hơn nhà Lý về nội dung, hình thức. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì năm 1230 vua Trần Thái Tông đã định ra thể lệ để làm các sách chép về việc hình. Năm 1341, vua Trần Dụ Tông sai Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), Trương Hán Siêu (?-1354) cùng soạn “Hình thư” và ”Hoàng triều đại điển”, đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt nam vận hành theo pháp luật. Đáng tiếc những bộ luật này cũng như bộ luật thời Lý đã bị quân xâm lược nhà Minh cướp mất.

Nếu như nhà Lý chỉ có một bộ “Hình thư” thì nhà Trần đã xây dựng được nhiều bộ luật quan trọng, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực trong đời sống. Đó là các bộ “Quốc triều thông chế” gồm 20 quyển. “Quốc triều thường lễ” (1230), “Hoàng triều ngọc điệp” (1267), “Hoàng triều Đại điển (1341), “Hình luật thư” (1341), “Công văn cách thức (1290).

Các văn bản pháp luật còn bao gồm chiếu chỉ của các vua Trần, thường là những vấn đề cụ thể trên nhiều lĩnh vực khác nhau gồm hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế, hôn nhân, gia đình:

-Chiếu tháng 7-1230 quy định tiền cước đi đòi các đương sự tham gia tố tụng (như người coi ngục đi bắt giam người).

- Chiếu tháng 1-1244 quy định cách thi hành các luật hình.

- Chiếu tháng 5-1315 cấm các hành vi cáo giác người thân trong gia đình.

- Chiếu tháng 5-1371 quy định về việc xây dựng cung thất.

- Chiếu tháng 3-1398 quy định về kiểm kê, khai báo số ruộng đất, làm giấy khai sinh hoặc cam kết.

-Chiếu tháng 6-1398 quy định hạn điền.

- Chiếu tháng 1-1396 về chỉnh đốn đội ngũ tăng ni

- Chiếu tháng 4-1396 quy định phát hành tiền giấy.

- Chiếu tháng 5-1396 quy định cải các giáo dục địa phương, cách thức thi chọn nhân tài.

- Chiếu tháng 6-1398 quy định hạn điền.

- Chiếu tháng 9-1304 và tháng 1-1237 quy định về việc lăn dấu văn tự hợp đồng.

Hệ thống luật pháp đời Trần đã hình thành rõ nét một số ngành luật. Mặc dù có ảnh hưởng của luật phong kiến Trung Hoa nhưng pháp luật đời Trần đã thể hiện sự sáng tạo, tự chủ và ý thức độc lập dân tộc. Trần Nghệ Tông đã nói: “Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng không theo quy chế của nhà Tống, vì nam bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”(1). Trong hệ thống pháp luật đã quy định tỉ mỉ và chặt chẽ, khắt khe nhưng vẫn chưa xa rời quan điểm nhân trị của Nho giáo.

Pháp chế giữ bản sắc dân tộc thể hiện trong chiếu tháng 10-1374, vua Trần Duệ Tông quy định: “Quân và dân đều không được mặc quần áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của nhà nước “Chiêm Thành”(1).

Nhà Trần đã lập ra những cơ sở cơ quan pháp luật chuyên trách để thực hiện pháp luật như Thẩm hình viện, Tam ti viện giữ chức năng của cơ quan tòa án, kiểm sát. Thẩm hình viện có trách nhiệm xem xét các vụ kiện tụng thành án rồi cùng với Tam ti viện định tội. Ở các địa phương, việc xét xử các án do quan lại địa phương nắm giữ, tiến hành.

2.Nội dung pháp luật

a. Dân sự- hình sự

Luật nhà Trần đề cao việc bảo vệ chế độ tư hữu về tài sản, vì thế đã có nhiều văn bản quy định điều chỉnh các hành vi dân sự. Như là quy định về cách thức giao kết văn khế để buôn bán, vay mượn trao đổi tài sản trong dân, trong đó có quy định việc lăn dấu tay trên các văn tự hợp đồng được coi là một sáng tạo của ngành lập pháp đời Trần.

Luật nhà Trần thừa nhận chế độ tư hữu, trước hết là thừa nhận chế độ tư hữu về ruộng đất, thừa nhận việc mua bán ruộng đất. Năm 1254, Trần Thái Tông ban bố chính sách bán ruộng đất công thành tư. Các chiếu quy định cách làm các văn tự vay mượn, văn khế mua bán ruộng đất, cách làm chúc thư. Tính pháp lý của các văn khế được quy định một cách chặt chẽ. Nhà nước đã quy định kiểu mẫu và thể thức văn khế trong bộ: “Công văn cách thức” ban hành năm 1290 quy định lăn dấu tay và cách thức lăn dấu tay của hai bên hợp đồng và người làm chứng để thể hiện chí tự nguyện hợp đồng của hai bên. Pháp luật còn quy định văn tự hợp đồng: bán đứt hay cầm cố đều phải làm thành 2 bản giống nhau, mỗi bên giữ 1 bản, lăn tay vào văn tự, chúc thư văn khế là một sáng tạo của nhà Trần về phương diện hành chính, pháp luật.

Dù cho phép mua bán ruộng đất nhưng quyền sở hữu tối cao vẫn thuộc nhà vua. Đó là nguyên tắc pháp lý cao nhất không chỉ của nhà Trần mà còn của các nước phong kiến phương Đông.

Để bảo vệ chế độ tư hữu, nhà Trần thừa nhận con cái được kế thừa tài sản. Luật quy định những người có tài sản (chủ yếu là quý tộc quan lại) khi chết thì được để lại cho con cháu của họ.

Cũng để bảo vệ chế độ tư hữu về tài sản, luật nhà Trần cho phép chủ nợ được quyền bắt giam con nợ cho đến khi con nợ trả hết cả gốc và lãi mới tha.

Luật cũng trừng trị nặng tội ăn cắp, việc bồi thường dân sự mang hình phạt rõ nét hơn, bồi thường phải gấp nhiều lần so với tổn thất. Theo “An Nam chí lược” thiết đạo mới sơ phạm, bị đánh 80 trượng và thích lên mặt hai chữ “phạm đạo”, đồ lấy trộm một thường phải đền chín, nếu không đền nổi bắt vợ con mà trừ. Đối với loại tội trộm cắp tuy trừng trị nặng nhưng có phân loại mức độ.

Pháp luật nhà Trần chỉ bảo vệ trật tự phong kiến và phân biệt đẳng cấp trong xã hội, đối xử hà khắc với nhân dân, quy định cấm đoán trong cách ăn mặc, nhà cửa, cấm dân thường xây dựng nhà cửa, ăn mặc như tầng lớp quan lại quý tộc. Pháp luật cấm nô tì lấy con cái tự do, nô tì không được xăm mình như những tầng lớp khác. Pháp luật nghiêm cấm nhân dân chửi mắng quan lại.

Ngược lại pháp luật nhà Trần ưu tiên cho giai cấp thống trị, quan lại được phép buôn bán nô tì hợp pháp. Việc cho phép chuộc tội bằng tiền đã tạo nên sự lộng hành của quý tộc và bọn nhà giàu với dân nghèo.

Ngay cả khi quý tộc phạm tội giết người cũng được xem xét địa vị cao thấp mà tha cho.

Cuối thời Trần, người phạm tội có thể dùng ruộng để chuộc, kể cả quan và dân. Chiếu tháng 6 năm 1398 đời vua Trần Thuận Tông quy định: “Người nào có nhiều ruộng, nếu có tội thì cho tùy ý được lấy ruộng để chuộc tội, bị giáng chức hay mất chức cũng được làm như vậy”.

Cùng một tội danh nhưng hoàng thân quốc thích thì xử nhẹ hơn quan lại và thường dân. Như Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép phải nhường vợ cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), Trần Liễu nổi loạn, bị bắt. Thủ Độ đòi giết nhưng Trần Thái Tông lấy mình che cho Trần Liễu rồi ban chiếu tha tội. Trần Di Ái làm tay sai cho giặc trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2, phạm tội phản quốc là một trọng tội. Nhưng vì Ái là chú họ của nhà vua nên được tha tội chết. Trần Lão, quý tộc nhà Trần cùng gia nô là Mãnh viết thư nặc danh phỉ báng triều đình. Việc bại lộ, Trần Lão là quý tộc nên được chuộc tội bằng 1000 quan tiền, đồ làm binh, còn Mãnh bị đem ra chợ Đông chịu tội lăng trì.

Pháp luật nhà Trần cũng như pháp luật nhà Lý đều quy kết tội phạm tập thể và trách nhiệm hình sự liên đới. Nhưng đến nhà Trần, phạm vi trách nhiệm mở rộng ra. Nhà Lý chỉ lập 1 bảo 3 nhà, còn nhà Trần lập 1 bảo 10 nhà để kiểm soát tố cáo cùng chịu trách nhiệm. Thậm chí trách nhiệm liên đới còn rộng đến cả một phường, một xã. Sau khi đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3, tháng 5 năm 1289, vua Trần ra lệnh trị tội kẻ hàng giặc, xử tội tập thể dân hai phường Bà Điểm và Băng Hà, với hình phạt làm lang mộc binh, tức là làm lính hầu trong các thang mộc ấp của quý tộc, làm sai sứ hoành (tức nô tì để sai khiến) và suốt đời họ không được thi cử để làm quan.

Dưới triều Trần, những quy phạm về luật hôn nhân gia đình hầu như không thấy có. Để bảo vệ quyền lợi của dòng họ, không muốn có người ngoại tộc len vào, cho nên duy trì hôn nhân đồng tộc, tức là người họ Trần kết hôn với nhau là phổ biến, tảo hôn được thừa nhận. Như năm 1225 Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (1218-1277) khi cả hai mới cùng 7 tuổi (cả hai sinh năm 1218).

Một số quy phạm liên quan đến hôn nhân gia đình được trình bày dưới dạng quy phạm hình luật: như quy định vợ phải tuyệt đối chung thủy với chồng, (theo An Nam chí lược). Sau này cho phép gian phu chuộc tội chết bằng 300 quan tiền. Còn người vợ ngoại tình thì dùng làm tì thiếp và chồng muốn cầm bán cho ai tùy ý(1).

Để bảo vệ gia đình gia trưởng phụ quyền, năm 1315 vua Trần Minh Tông lệnh cho vợ chồng, con cái gia nô trong một nhà không được kiện cáo nhau.

Nhà Trần còn có hoàng pháp để bảo đảm sự trung hiếu ngay trong dòng họ. Noi theo tập quán triều Lý, triều Trần quy định cứ đến ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày hội đền Đồng Cổ, ngày đó các quan phải làm lễ tuyên thệ “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Ai vắng mặt ngày đó bị đánh phạt 50 trượng.

(Còn nữa)

CVL

--------------------------------

(1) Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, trang 153.

(1) Ngô Phan Quang, Phan Đăng Thành. Mấy vấn đề quản lý nhà nước và củng cố pháp quyền trong lịch sử Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.152.

(1)Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, trang 290.

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-27-83850