Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 15)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 15

Chế độ kinh tế tự nhiên, chủ yếu dựa vào lãnh địa đóng kín bao gồm nông nghiệp và thủ công nghiệp là cơ sở và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cát cứ lãnh thổ, phân quyền về chính trị. Chỉ có kinh tế hàng hóa mới phá tan được kinh tế lãnh địa đóng kín, nối quốc gia thành một thị trường thống nhất. Điều này giải thích vì sao phải chờ đến khi kinh tế tư bản, quan hệ tư bản chủ nghĩa ra đời thì các quốc gia phong kiến châu Âu mới có điều kiện thống nhất.

Chế độ phong kiến châu Âu là chế độ phong kiến điển hình. Ở giai đoạn cát cứ, nét điển hình của nó được biểu lộ mạnh mẽ nhất. Do đó giai đoạn cát cứ lại là giai đoạn phát triển cao nhất của chế độ phong kiến Tây Âu.

3. Thời kỳ chế độ phong kiến tập quyền

Vào thế kỷ 11, nền kinh tế Tây Âu có những bước phát triển, thủ công nghiệp đã trở thành một ngành hoạt động chính của một nhóm người chuyên môn. Như vậy, thủ công nghiệp đã tách khỏi công nghiệp. Cùng với sự phát triển của thủ công nghiệp thì thành thị Tây Âu ra đời. Thành thị là do những người thợ thủ công lập nên ở những ngã ba hay nơi thuận tiện cho việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Ban đầu, chỉ là những công xưởng của họ, sau đó phát triển thành thị trấn, thị tứ và phát triển thành thành thị. Cũng còn một nguồn khác là bọn lãnh chúa, giáo hội khôi phục lại những thành thị có từ thời Hy Lạp, La Mã để cho thương nhân và thợ thủ công thuê. Thành thị trở thành trung tâm sản xuất, giao lưu buôn bán hàng hóa, giao lưu tiền tệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Thành thị cũng là nơi ra đời những tầng lớp mới: thị dân, thợ thủ công, thương nhân, chủ xưởng, chủ ngân hàng, tiền thân của giai cấp tư sản. Thành thị cũng là trung tâm văn hóa khoa học. Chính vào thời kỳ này, đã xuất hiện các trường đại học lớn như Xoóc-bon (Sorbone), Pari của Pháp, Os-phớt (Oxford), Cambrít (cambridge) ở Anh. Thành thị ra đời lớn mạnh đã mâu thuẫn gay gắt với chế độ phong kiến cát cứ. Thị dân, tư sản bị lãnh chúa bóc lột nặng nề, đối xử tàn tệ, sách nhiễu để kiếm tiền và kìm hãm sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Hàng hóa qua lãnh địa nào phải đóng thuế cho quý tộc của lãnh chúa ở đó. Chế độ cát cứ đã trở thành trở ngại kìm hãm sự phát triển của kinh tế thành thị. Do mâu thuẫn, thị dân khi lớn mạnh đã đấu tranh chống lại lãnh chúa phong kiến để giải phóng thành thị. Kết quả là nhiều thành thị đã giành được quyền tự trị. Thành thị được giải phóng đã mang lại quyền tự do bình đẳng, đã thúc đẩy kinh tế công, thương nghiệp phát triển nhanh chóng, thúc đẩy ra đời nền văn hóa giáo dục mới.

Do nhu cầu phát triển kinh tế, thị dân và tư sản có nhu cầu xóa bỏ chế độ phong kiến cát cứ. Chính nền kinh tế hàng hóa của tư sản, thị dân đã làm tan rã kinh tế tự nhiên, đóng kín của lãnh địa. Lãnh chúa, sang giai đoạn này đã bắt đầu cuộc sống xa hoa, cần tiền, cần hàng hóa, buộc phải mở cửa lãnh địa. Enghen đã viết: Trước khi bị những phát đại bác của cách mạng bắn sụp đổ thì các lãnh địa thành quách phong kiến đã bị đồng tiền làm cho rữa nát. Như vậy nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa đã làm tiền đề, nền tảng cho việc xóa bỏ chế độ cát cứ, thống nhất quốc gia, xây dựng chế độ phong kiến tập quyền. Nông dân là những người bị bóc lột áp bức nặng nề cũng có nguyện vọng thống nhất đất nước để hạn chế sự chuyên quyền bóc lột tàn bạo của lãnh chúa.

Nhà vua là đầu não của trật tự phong kiến, nhưng dưới chế độ phong kiến phân quyền, nhà vua không có quyền hành gì trong toàn bộ vương quốc. Cho nên bản thân hoàng đế càng có nguyện vọng thống nhất đất nước. Thị dân, tư sản đã giúp tiền cho hoàng đế cùng với nông dân và toàn thể nhân dân đã thành lực lượng ủng hộ hoàng đế thống nhất quốc gia.

Sự chuyển biến từ chế độ phong kiến phân quyền sang chế độ phong kiến tập quyền là xu hướng tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của lịch sử. Cuộc đấu tranh giữa một bên là vua, tư sản, thị dân, nông dân với lãnh chúa phong kiến và tăng lữ vì sự nghiệp thống nhất đất nước hết sức gay go, quyết liệt, kéo dài suốt từ thế kỷ 12 đến nhiều thế kỷ sau mới hoàn thành. Nước Pháp, nước Anh chiến thắng các thế lực lãnh chúa, thống nhất đất nước, xây dựng chế độ phong kiến tập quyền vào thế kỷ 15, nước Ý thống nhất vào năm 1861, nước Đức thống nhất vào năm 1870. Chế độ phong kiến Pháp, Anh khi xây dựng được nền chuyên chế tập quyền, khi chính quyền toàn quốc vào tay hoàng đế thì chế độ phong kiến bước vào giai đoạn suy tàn. Vì trong lòng xã hội phong kiến đã xuất hiện những nhân tố kinh tế mới, và những quan hệ sản xuất mới tư bản chủ nghĩa. Những nhân tố này đối lập với kinh tế phong kiến và đang tấn công, làm tan rã kinh tế, quan hệ sản xuất phong kiến. Tương ứng với thành phần kinh tế đó, xã hội phong kiến đã xuất hiện những giai cấp mới, những lực lượng thù địch với giai cấp quý tộc, tăng lữ. Đó là thị dân, thợ thủ công, trí thức thị dân và giai cấp tư sản. Trong số đó, giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất mới, là giai cấp tiên tiến. Họ không chỉ có khả năng lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ cũ mà còn có khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng một xã hội mới, thay thế cho chế độ phong kiến: đó là chế độ tư bản chủ nghĩa. Giai cấp tư sản hùng mạnh, giàu có về kinh tế, tiên tiến về tư tưởng, được tất cả các tầng lớp, các giai cấp thị dân, thợ thủ công, nông dân vốn đã căm thù chế độ phong kiến, ủng hộ, sẽ là lãnh tụ của cách mạng tư sản, lật đổ chế độ phong kiến trong tương lai. Trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giai cấp phong kiến cũng bị tấn công mãnh liệt bởi những trào lưu tư tưởng văn hóa mới của giai cấp tư sản. Khởi đầu là trào lưu văn hóa thành thị thế kỷ 12, trào lưu văn hóa Phục Hưng thế kỷ 15-17 lan tràn khắp các nước Tây Âu. Trào lưu văn hóa Phục Hưng đã đạt được những thành tựu huy hoàng rực rỡ ở tất cả các lĩnh vực văn hóa, hội họa, điêu khắc, khoa học tự nhiên, triết học với nội dung chống chế độ phong kiến, chống giáo hội kịch liệt, đòi tự do bình đẳng cho con người. Phong trào văn hóa Phục Hưng với những thiên tài bất tử như: Đăng-tơ (Dante) người Ý, Xéc-van-tét (M De Cervanter) người Tây ban nha, Sếch-xpia (W.Sherkespeare) người Anh, W. Lê-ô-na-đơ-vanh-xi (Leonarde Da Vinci) người Ý , Mi-ken-lăng-giơ (Michelangelo) người Ý v.v... đã mô tả con người với vẻ đẹp hình thức không một bút pháp thời đại nào có thể sánh được, với vẻ đẹp tâm hồn tràn đầy khát vọng tự do, đã đề cao chủ nghĩa nhân văn tư sản. Văn hóa Phục Hưng là bước chuẩn bị chính trị, tư tưởng, bước dạo đầu cho những cuộc cách mạng tư sản, những cơn bão táp của lịch sử để quét đi rác rưởi của xã hội cũ, khai sinh xã hội mới: Xã hội tư sản.

Như vậy khi hoàng đế Pháp, Anh thống nhất được đất nước, quyền lực bao trùm toàn lãnh thổ thì chế độ đó đã và đang bị các nhân tố mới làm tan rã và trong tương lai, con đường của hoàng đế Anh, Pháp là con đường bước lên máy chém.

Nhà nước tập quyền phong kiến Pháp: Quá trình đấu tranh thống nhất nước Pháp, bắt đầu từ thế kỷ 12, các vua Pháp đã phải đấu tranh đè bẹp thế lực của các lãnh chúa, giành lại quyền lực về tay trung ương. Mặt khác, nước Pháp phải tiến hành chiến tranh một trăm năm (1337 - 1453) với nước Anh để thu hồi phần lãnh thổ miền Tây nước Pháp bị vua Anh chiếm đoạt. Đồng thời, lại phải tiến hành một loạt các cuộc cải cách để xây dựng bộ máy nhà nước chuyên chế tập quyền, trong đó quyết định nhất là cải cách của Ri-sơ-li-ơ dưới thời Lu-i 13 nửa đầu thế kỷ 17 là cực kỳ quan trọng, nhằm hoàn chỉnh nhà nước chuyên chế Pháp.

Vua Pháp là người đứng đầu bộ máy nhà nước, nắm tất cả các quyền lực, tài sản, tự do và tính mệnh của nhân dân. Vua là tên địa chủ, phong kiến lớn nhất. Không có sự phân biệt giữa tài sản của nhà nước và tài sản của nhà vua. Sau này dưới triều đại Lu-i 16 cầm quyền từ 1774 đến năm 1792, một mình gia đình nhà vua đã dùng một năm hết 1/12 tổng thu nhập quốc dân, đến mức một đại thần phải thốt lên: “Triều đình là mồ chôn quốc gia”. Vào thế kỷ 17 nền chuyên chế Pháp phát triển đến đỉnh cao. Nhà vua nắm hết quyền lực, không chịu một sự kiểm soát của cơ quan nào. Vua có quyền quyết định mọi công việc đối nội, đối ngoại, bổ nhiệm hoặc cách chức đại thần, quan lại, quyền hủy bỏ các đạo luật, quyền trừng phạt hay ân xá. Như Lui 16 thường coi ý chí của y là pháp luật, quyền lực của nhà vua là do trời ban cho để trị nước. Nhà thờ Cơ đốc giáo cũng là nhiệm vụ thần thánh hóa nhà vua, khuyên nhủ thần dân phục tùng và trung thành với nền quân chủ. Mọi hành vi, cử chỉ của vua đều có lễ nghi trang trọng. Vua kiểm soát toàn bộ các địa phương. Chế độ tự quản thành phố không được thừa nhận. Cơ quan đại diện ba đẳng cấp không còn hoạt động. Thần quyền Cơ đốc giáo đã trở thành công cụ đắc lực của nhà vua.

Giúp việc cho nhà vua có bộ máy hành pháp gọi là Hội đồng nhà vua do vua bổ nhiệm và có quyền bãi miễn. Hội đồng này bao gồm bốn viện bí thư quốc gia (quốc vụ khanh) đứng đầu là viên bộ trưởng như bộ trưởng năm 1624 là Ri-sơ-li-ơ, nhà cải cách tài năng, chính khách này đã khai sáng ra chủ nghĩa thực dân Pháp. Mỗi viên bí thư của Hội đồng nhà vua được phân công phụ trách công việc ở một vùng kiêm luôn công việc đối ngoại với nước láng giềng giáp biên giới Pháp ở vùng đó. Hội đồng nhà vua là một cơ quan mới lập từ đầu thế kỷ 17, còn thời Phơ-răng-xoa I (1515 - 1547) chưa có mà chỉ có vua, dưới là các thượng thư phụ trách về nội vụ, tài chính, tư pháp và ngoại giao.

Vào đầu thế kỷ 17, Ri-sơ-li-ơ cũng đã lập ra cơ quan mật vụ và cơ quan cảnh sát. Cảnh sát và mật vụ khắp nơi theo dõi thần dân, ai có tư tưởng chống đối chế độ sẽ bị tống giam vào ngục.

Trước đó, từ thời Lu-i 9 (1226 - 1270) đã tiến hành cải cách tòa án để giành lại quyền tư pháp cho tòa án vương triều. Đã lập Tòa án vương triều ở trung ương và các địa phương để xét xử các vụ án lãnh chúa vi phạm quyền lực của nhà vua, giải quyết các đơn khiếu kiện của nhân dân đối với tòa án địa phương và lãnh chúa. Quan lại của tòa án vương triều là những luật gia chuyên nghiên cứu luật La Mã cổ đại để ứng dụng bảo vệ quyền lực nhà vua, bảo vệ chế độ phong kiến tập quyền. Đến thời Phơ-răng-xoa I (Francos) 1515 - 1547 đã lập thêm Hội đồng tư pháp làm nhiệm vụ công bố và thi hành các sắc lệnh của nhà vua. Các tòa án tối cao và tòa Pari phải phục vụ nhà vua vô điều kiện.

Quốc gia thống nhất thể hiện ở đơn vị hành chính địa phương, vì đơn vị hành chính các cấp là bộ máy triển khai thực hiện quyền lực của nhà nước trung ương. Thời Lu-i 9, đơn vị hành chính cao nhất là quận. Nhà vua bổ nhiệm quận trưởng cai trị. Quận trưởng được ăn lương và theo định kỳ phải gửi báo cáo cho triều đình về tình hình của quận. Quận trưởng có thể bị chuyển từ quận này sang quận khác.

Ở thời vua Lu-i 11 (1461 - 1483) lại chia nước Pháp thành các tỉnh, nhà vua cử tỉnh trưởng tới cai trị theo một chính sách thống nhất, xử án theo một pháp luật thống nhất của trung ương.

Để làm chỗ dựa cho chế độ chuyên chế, nhà nước đã xây dựng quân đội hùng mạnh. Với cải cách của Ri-sơ-li-ơ, quân đội Pháp đặc biệt hùng mạnh ở đầu thế kỷ 17, bộ binh Pháp thời này đã có tới 15 vạn quân, Pháp cũng có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Theo cải cách của Ri-sơ-li-ơ, các cấp chỉ huy quân đội của Pháp đặt dưới sự giám sát của các thanh tra quân đội. Ông chú ý xây dựng cơ quan hậu cần ngân sách cho quân đội và xây dựng trường đào tạo sĩ quan hải quân Pháp.

Trong bộ máy nhà nước Pháp, có một cơ quan khác thường trong bộ máy nhà nước chuyên chế, đó là Hội nghị đại biểu ba đẳng cấp do Phi-líp 4 thành lập từ năm 1032. Theo sự phân chia đẳng cấp xã hội Pháp, đẳng cấp thứ nhất là quý tộc tăng lữ làm nhiệm vụ tôn giáo, tinh thần, đẳng cấp thứ hai là quý tộc phong kiến đa số là quý tộc quân sự, có nhiệm vụ bảo vệ nhà nước, đẳng cấp thứ ba gồm giai cấp tư sản và tất cả nhân dân lao động, dân nghèo có nhiệm vụ đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước. Nguồn gốc của cơ quan này là do hoàng đế đã dựa vào nhân dân để thống nhất đất nước cho nên phải cho họ một cơ quan trong hệ thống chính trị. Càng về sau, cơ quan này càng bị hạn chế về chức năng. Cho đến thế kỷ 17 - 18, nó chỉ còn làm mỗi nhiệm vụ biểu quyết đồng ý khi nhà vua đòi tăng thuế, cơ quan này là nơi phản ánh và tập trung mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp của Pháp. Chính tại Hội nghị 3 đẳng cấp này là nơi châm ngòi cho cuộc đại cách mạng tư sản Pháp 1789 - 1794, lật đổ chế độ phong kiến của dòng họ Buốc bông (Bourbon), đưa Lu-i 16 lên máy chém.

(Còn nữa)
CVL

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-15-83628