Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước (Kỳ 10)

Trân trọng giới thiệu tiếp sách 'Pháp luật các triều đại Việt Nam và các nước' của TS Sử học Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Thanh niên - HN - 2004 ấn hành.

Kỳ 10

Chính sức mạnh kinh tế và đặc biệt là tính dân chủ cao đã làm cho nhân dân Hy Lạp, trong đó thành bang A-ten làm nòng cốt đã đánh bại hai lần xâm lược của quận Ba Tư hùng mạnh. Lần chiến tranh thứ nhất vào năm 490 trước công nguyên, quân đội A-ten đã mai phục ở đèo Ma-ra-tông, tiêu diệt 6.400 quân Ba Tư và diệt 7 chiến thuyền. Một chiến sĩ A-ten tên là Phi-li-pít (Pheidippides) chạy một mạch Ma-ra-tông về A-ten báo tin thắng trận với đoạn đường dài 42km, tới Quảng trường Đại hội nhân dân, chỉ kịp kêu lên: “Chúng ta đã chiến thắng” và anh ngã lăn ra chết. Để ghi nhớ sự kiện này trong đại hội thế vận Olympic năm 1896 ở A-ten, người ta đã đưa vào nội dung thi đấu môn chạy Maratông đường dài hơn 40km.

Lần chiến tranh thứ hai vào năm 480 trước Công nguyên, quân Hy Lạp đã tiêu diệt nhiều chiến thuyền của quân Ba Tư ở Xa-la-min (Salamis). Ở trên bộ, quân Ba Tư cũng đã thất bại nặng nề và âm mưu xâm lược của Ba Tư đối với Hy Lạp hoàn toàn bị phá sản.

Từ năm 431 trước Công nguyên đến 404 trước Công nguyên, Hy Lạp bước vào cuộc nội chiến giữa hai đồng minh: Một do X-pác đứng đầu và đồng minh do A-ten đứng đầu để tranh giành quyền bá chủ Hy Lạp. Sau 27 năm chiến tranh, A-ten hoàn toàn thất bại. Từ đó Hy Lạp bước vào thời kỳ suy yếu. Năm 337 trước Công nguyên Hy Lạp trở thành chư hầu của Ma-kê-đô-ni-a, đến năm 146 trước Công nguyên, Hy Lạp bị La Mã xâm lược.

II.Pháp luật A-ten (Athens)

1. Luật Đơ-ra-công (Dracon)

Nhiều truyền thuyết cho rằng ngay trong thời kỳ đầu vừa mới ra đời nhà nước, Tê-dê (Thesus) đã soạn thảo hiến pháp đầu tiên của Aten nói về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Theo đó, bộ máy nhà nước Aten bao gồm Hội đồng quý tộc, quan chấp chính và Đại hội nhân dân.

Khi vừa mới ra đời, thế lực của quý tộc thị tộc còn rất lớn trong bộ máy nhà nước. Thế lực này lũng đoạn về pháp luật, xét xử độc đoán và tùy tiện. Vì thế nhân dân đã nổi dậy đấu tranh đòi phải có luật thành văn.

Năm 621 trước Công nguyên, Hội đồng quý tộc - thị tộc đã giao cho quan chấp chính Đơ-ra-công khởi thảo và ban hành luật thành văn gọi là “Luật Đơ-ra-công”. Đây là một bộ luật hết sức hà khắc, dù chỉ phạm tội ăn cắp vặt rau, quả cũng bị tử hình. Đây là bộ luật đúc kết tập quán và thể lệ hà khắc từ xưa thành luật để bảo vệ quyền tư hữu tài sản của quý tộc thị tộc. Sau khi ra đời, Bộ luật Đơ-ra-công được khắc lên đá, đặt ở những nơi công cộng để nhân dân đọc mà thi hành và để theo dõi giám sát tòa án xét xử có đúng luật hay không. Sau này Đơ-ra-công thành danh từ để chỉ những Bộ luật hà khắc.

Dù khắc nghiệt, nhưng sự ra đời của Bộ luật Đơ-ra-công đánh dấu một bước tiến bộ trong lịch sử pháp chế của nhà nước A-ten. Nó hạn chế được phần nào sự xét xử tùy tiện độc đoán của quý tộc.

2. Những pháp lệnh của các quan chấp chính

Những pháp lệnh của quan chấp chính Xô-lông (Solon): Bộ luật Đơ-ra-công được ban hành nhưng không đề cập đến cải cách xã hội. Trong khi đó, quần chúng yêu cầu phải cải cách giải phóng họ khỏi những món nợ, chia lại ruộng đất và dân chủ hóa nhà nước. Cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiếp diễn. Các quan chấp chính đã ban hành những pháp lệnh để chống lại quý tộc thị tộc, để cải cách xã hội và dân chủ hóa đất nước.

Năm 594 trước Công nguyên, Xô-lông (Solon), một chính khách dân chủ tiến bộ làm quan chấp chính. Ông còn là nhà thơ nổi tiếng chống lại thói tham lam, lộng hành của bọn quý tộc thị tộc. Khi được giao quyền binh, ông kiên quyết cải cách để thỏa mãn nguyện vọng của quần chúng. Xô-lông đã ban hành những pháp lệnh sau đây:

- Pháp lệnh về ruộng đất: Trả lại cho nông dân những thửa ruộng trước đây đã làm vật thế chấp vì không trả được nợ cho quý tộc, đồng thời quy định mức chiếm hữu ruộng đất tối đa.

- Pháp lệnh về nô lệ và nợ: Theo pháp lệnh này những người do nợ bị biến thành nô lệ được trả lại tự do, nghiêm cấm việc lấy bản thân mình hoặc vợ con để trừ nợ, cấm ký kết những văn bản vay nợ, trong đó lấy bản thân người vay nợ làm vật bảo đảm.

- Pháp lệnh về việc chia đẳng cấp: Theo pháp lệnh này, dựa theo tài sản, công dân A-ten được chia thành bốn đẳng cấp có quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau.

Đẳng cấp thứ nhất: Bao gồm những người thu hoạch hàng năm từ 500 mêđim (medimme) lúa mì trở lên (1 mêđim = 52,5 kg) thì được giữ các chức vụ cao nhất như quan chấp chính, được tham gia Hội đồng trưởng lão, gia nhập kỵ binh, đồng thời có nghĩa vụ cung cấp tiền để xây dựng hạm đội và tế lễ.

Đẳng cấp thứ hai: Từ 300 mêđim trở lên được giữ các chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước, trừ chức vụ quan chấp chính và Hội đồng trưởng lão, được tham gia kỵ binh.

Đẳng cấp thứ ba: Gồm những người thu hoạch 200 mêđim trở lên, họ có quyền được vào Hội đồng 400 người (sau là Hội đồng 500 tức là Hội đồng nhân dân), chỉ tham gia vào bộ binh và được mang binh khí hạng nặng.

Đẳng cấp thứ tư: Gồm những người thu nhập dưới 200 mêđim, được tham gia Đại hội nhân dân, chỉ được bầu cử, không được ứng cử vào các chức vụ, trong quân đội họ chỉ được vào bộ binh và mang binh khí nhẹ.

- Pháp lệnh về việc thành lập “Hội đồng 400 người” và “Tòa án nhân dân”. Theo pháo lệnh này lệnh này khi đó A-ten có bốn bộ tộc, mỗi bộ tộc cử 100 đại biểu từ những thuộc đẳng cấp thứ 3 tạo thành Hội đồng 400 người tồn tại song song với Hội đồng trưởng lão. Hội đồng 400 có chức năng giải quyết những công việc hàng ngày giữa hai nhiệm kỳ của Đại hội nhân dân. (Cơ quan này là Hội đồng 500 thời Clix-ten). Còn Hội đồng trưởng lão quản lý chung mọi công việc của đất nước.

Pháp lệnh này cũng đã quy định lập Tòa án tối cao của nhà nước A-ten.

Ngoài ra, Xô-lông còn ban hành pháp lệnh cho phép chuyển nhượng tài sản, cấm xuất khẩu nông phẩm, khuyến khích xuất khẩu rượu nho và dầu ôliu.

Những pháp lệnh của Xô-lông đã tấn công và hạn chế thế lực của quý tộc thị tộc, đem lại nhiều quyền lợi cho nông dân để họ ủng hộ quý tộc công thương trong cuộc đấu tranh để thiết lập nền cộng hòa. Đồng thời những pháp lệnh đó cũng nhằm làm tăng thế lực kinh tế, chính trị cho chủ nô công thương, làm cho tính chất dân chủ của nhà nước A-ten được hoàn thiện thêm một bước.

Những pháp lệnh của quan chấp chính Clix-ten (Clisthene): Cuộc đấu tranh để thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ ở Aten diễn ra quyết liệt. Thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, thế lực quý tộc thị tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ và chúng đã thủ tiêu hết các quyền dân chủ đã đạt được ở thời Xô-lông. Quần chúng nhân dân đã đưa Clixten lên làm quan chấp chính thứ nhất vào năm 508 trước Công nguyên, ông ban hành một số pháp lệnh để hoàn thiện hơn nữa nhà nước dân chủ A-ten:

-Pháp lệnh chia lại khu vực hành chính: Theo pháp lệnh này, Clix-ten xóa bỏ 4 bộ tộc cũ, chia A-ten thành 10 phân khu nhằm xóa bỏ triệt để thế lực của quý tộc thị tộc.

- Pháp lệnh thành lập Hội đồng 500 và Hội đồng 10 tướng lĩnh: Pháp lệnh quy định cách thức bầu cử, trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng 500 và Hội đồng 10 tướng lĩnh.

- Pháp lệnh trục xuất: Theo đó, những kẻ nguy hiểm đối với nền tự do, dân chủ, có âm mưu độc tài, đảo chính sẽ được Đại hội công dân mở cuộc họp bất thường bỏ phiếu kín thăm dò, người có 6.000 phiếu ghi là có những âm mưu trên thì bị trục xuất khỏi A-ten trong 10 năm, nhưng không bị tịch thu tài sản. Mãn hạn người đó lại trở về A-ten và lại khôi phục quyền công dân.

- Pháp lệnh về việc mở rộng số công dân tự do: Pháp lệnh này cho phép một số kiều dân có công trong quá trình đấu tranh và chống chế độ chuyên quyền được trở thành công dân A-ten và giải phóng một số nô lệ thành công dân tự do.

Những pháp lệnh của E-phi-a-tét và Pê-ri-clet: Đầu thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, thủ lĩnh của phái dân chủ là Ephiantét (Ephialtes) đã ban bố pháp lệnh thu hẹp quyền lực của Hội đồng trưởng lão, toàn bộ quyền lực của Hội đồng này được trao cho các cơ quan dân cử. Hội đồng trưởng lão chỉ có quyền xét xử những vụ án mang tính chất tôn giáo. Theo đó quyền lập pháp thuộc Đại hội nhân dân, quyền tư pháp thuộc Tòa án nhân dân, quyền hành pháp thuộc Hội đồng nhân dân.

Năm 461 trước Công nguyên, E-phi-an-tét bị phái quý tộc thị tộc ám sát . Pê-ri-clét (Perikles) lên thay tiếp tục đường lối của E-phi-an-tét đã ban hành nhiều pháp lệnh triệt để dân chủ hóa nhà nước, hoàn thành công việc quét sạch bọn quý tộc thị tộc khỏi vũ đài chính trị.

- Pháp lệnh bổ nhiệm các chức vụ bằng cách bốc thăm: theo pháp lệnh này, trừ chức tư lệnh, còn tất cả các chức vụ lớn nhỏ đều được bổ nhiệm bằng cách bốc thăm. Cách bầu cử này sẽ tạo cơ hội cho tất cả các công dân không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp đều có thể được đảm nhận các chức vụ nhà nước.

- Pháp lệnh về quy định chức năng của các cơ quan nhà nước về quyền dân chủ của nhân dân. Theo đó cơ quan nhà nước dân chủ A-ten có 4 cơ quan chủ yếu: Đại hội nhân dân, Hội đồng 500 người, Tòa án nhân dân và Hội đồng 10 tướng lĩnh.

- Pháp lệnh về chính sách lương bổng và phúc lợi: Theo chính sách này, lần đầu tiên trong lịch sử, Pê-ri-clét ban hành chế độ trả lương cho các thành viên Hội đồng 500 người, cho quan chấp chính, cho các thành viên của Hội đồng tòa án, cho thủy thủ, binh lính và sĩ quan. Pháp lệnh trả lương nhằm tạo điều kiện cho tầng lớp dưới có thể thoát ly sản xuất, có điều kiện đảm nhận các chức vụ và thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước.

Qua hệ thống văn bản pháp lệnh từ thời Xôlông đến Pê-ri-clet, tính chất dân chủ của pháp luật A-ten ngày càng triệt để, hoàn thiện. Nó trở thành công cụ có hiệu lực để chống lại bọn quý tộc thị tộc, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ.

(Còn nữa)

CVL

TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phap-luat-cac-trieu-dai-viet-nam-va-cac-nuoc-ky-10-83523