Pháp - Iran với Hội nghị G7: Dẫu khó vẫn cố vớt vát

Sự xuất hiện của Bộ trưởng ngoại giao Iran Javad Zarif tại Biarritz, nơi diễn ra Hội nghị G7 được cho là sáng kiến của Pháp và đã gây 'bất ngờ'. Hãy thử giải mã động thái này và thông điệp đối với diễn biến tại Vùng Vịnh hiện nay? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Pháp là một trong ba thành viên EU tham gia JCPOA và EU có lợi ích trong việc thuyết phục Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này. (Biếm họa của Shadi Ghanim trên The National)

Bất ngờ tại Biarritz

Mỹ thì không nhưng những thành viên còn lại của nhóm G7 tham dự Hội nghị G7 thường niên năm nay tổ chức tại Biarritz (Pháp) bị bất ngờ bởi việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời bộ trưởng ngoại giao Iran Javad Zarif tới Biarritz. Ngay trước hội nghị này, ông Macron đã gặp ông Zarif ở thủ đô Paris của nước Pháp. Ở Biarritz, ông Zarif đã gặp Bộ trưởng ngoại giao Pháp và ông Macron, lưu lại tại đó chỉ có 3 giờ đồng hồ. Như thế đủ để thấy điều đáng được chú ý đến nhất ở sự kiện này là ông Zarif được mời đến nơi đang diễn ra hội nghị cấp cao thường niên của G7 và vào thời điểm đang diễn ra sự kiện lớn kia của G7.

Trước khi ông Zarif đến Biarritz, ông Macron đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ Donald Trump mà đương nhiên có bàn thảo về Iran và các thành viên của nhóm G7 đã dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề liên quan đến Iran như số phận của Thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), căng thẳng và đối địch giữa Mỹ và Iran, các biện pháp của Mỹ trừng phạt Iran.....

Qua đó có thể thấy việc mời ông Zarif đến Biarritz tuy là ý tưởng của ông Macron nhưng được sự chấp nhận và hậu thuẫn của các thành viên tham dự hội nghị, kể cả ông Trump. Mà cội nguồn của ý tưởng này của ông Macron lại là đề nghị mới đây nhất của Iran là nếu các bên khác tham gia ký kết JCPOA năm 2015 - Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - đảm bảo cho Iran xuất khẩu hàng ngày một lượng tối thiểu dầu lửa, cụ thể là 700.000 thùng (1 thùng = 159 lít) và sau đấy tăng lên đến 1,5 triệu thùng, thanh toán bằng tiền mặt thì Iran sẽ sẵn sàng thương thảo về việc cứu vãn JCPOA.

Chủ đích của ông Macron

Ông Macron thực hiện động thái ngoại giao bất ngờ này nhằm những mục đích sau.

Thứ nhất, ông Macron muốn gây dựng vai trò trung gian hòa giải cho nước Pháp và coi đó là một trong những biện pháp đắc dụng để khôi phục vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới cho nước Pháp. Hiện tại có luôn 2 cơ hội cho ông Macron thực hiện tham vọng này là trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran cũng như giữa Nga và Ukraine. Chẳng phải người này luôn tranh thủ cả ông Trump lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin và duy trì tiếp xúc với lãnh đạo Iran và Ukraine hay sao? Không có thành viên nào khác trong nhóm G7 hiện có được tiền đề thuận lợi như ông Macron để thực thi sứ mệnh ngoại giao trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran cũng như giữa Nga và Ukraine. Làm việc này, ông Macron chẳng có gì để mất trong khi nếu thành công thì lại được rất nhiều.

Thứ hai, Pháp là một trong ba thành viên EU tham gia ký kết JCPOA và EU có lợi ích trong việc thuyết phục Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này. Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và lại đối địch quyết liệt với Iran thì việc duy trì được hiệu lực của JCPOA rất khó khăn. Nhưng dẫu có khó khăn đến mấy thì EU vẫn phải cố cứu vãn hoặc ít nhất thì cũng phải cố vớt vát như có thể được và trong khó hiện mới ló ý tưởng xem xét đề nghị mới của Iran.

Tại hội nghị cấp cao năm nay của G7, ông Macron không được ông Trump đồng ý để có thể nhân danh G7 chuyển thông điệp của nhóm G7 cho Iran, nhưng cũng đã thành công khi G7 nhất trí ở Biarritz về hai định hướng chính sách chung đối với Iran là không để cho Iran có vũ khí hạt nhân và giải quyết vấn đề này bằng đàm phán.

Việc mời ông Zarif đến Biarritz chính là biểu hiện ra bên ngoài của thông điệp mà hội nghị này của G7 phát đi là G7, trong đó có cả Mỹ, đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc giữa Mỹ và Iran bằng con đường ngoại giao và khích lệ Iran thiện chí và sẵn sàng hơn nữa giải quyết mối bất hòa này bằng đối thoại và đàm phán.

Ông Zarif đến Biarritz mặc dù không được mời tham dự hội nghị của G7 cho thấy Iran tận dụng mọi cơ hội có được để phân hóa các nước khác với Mỹ, để buộc các nước khác phải đảm bảo lợi ích chính đáng của Iran khi Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA. Nhưng qua đó cũng còn có thể thấy phía Iran cũng đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề không phải bằng mọi giá nhưng càng nhanh càng tốt mà chắc chẳn bởi những lý do xác đáng và nhu cầu thiết thực.

Thông điệp cho Vùng Vịnh

Rõ ràng là tuy biểu hiện ra bên ngoài vẫn rất găng và không khoan nhượng với nhau, thậm chí sẵn sàng tiếp tục “chơi sát ván” với nhau, nhưng trong thực chất thì cả Mỹ và Iran đều đã nhận thấy bắt đầu phải tìm cớ và tìm cách thích hợp đi vào hòa dịu và hòa giải mà bên nào cũng giữ được thể diện và không bị coi là yếu thế hay thất thế. Khi xưa, Mỹ và Iran cần khuôn khổ diễn đàn đa phương để ngồi cùng bàn đàm phán với nhau. Hiện tại có khác khi chính ông Trump không dưới vài lần tuyên bố sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran và khuôn khổ diễn đàn đàm phán đa phương vẫn còn rất thích hợp và hữu ích.

Xem ra, rất có thể giải pháp tạm thời sẽ là Iran được đảm bảo xuất khẩu hàng ngày khối lượng dầu lửa nhất định đổi lấy việc Iran tiếp tục tuân thủ JCPOA trong thời gian nhất định để hạ hỏa cuộc đối địch giữa Mỹ và Iran, loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra đụng độ quân sự ở vùng Vịnh, đảm bảo an ninh và an toàn cho tầu thuyền qua lại vùng Vịnh và để các bên liên quan có thời gian cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đang đặt ra.

Nếu được như thế thì hiện tại thật sự rất đáng nỗ lực để vớt vát dẫu khó khăn đến mấy bởi vớt vát được sẽ giúp duy trì được cơ hội cứu vãn và từ đó có thể mở lối đi đến thỏa thuận về giải pháp mới.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-iran-voi-hoi-nghi-g7-dau-kho-van-co-vot-vat-100044.html