Pháp giúp đường sắt cao tốc: Bài học thảm họa Trung Quốc

Chọn công nghệ Nhật hay Pháp cũng phải phù hợp với khí hậu, điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.

Công nghệ Pháp hay Nhật?

Thông tin Tập đoàn Engie (Pháp) ngỏ ý muốn tìm kiếm cơ hội, hợp tác phát triển công nghệ đường sắt cao tốc tại Việt Nam được cho là mở ra cơ hội lựa chọn mới cho ngành đường sắt trong nước.

Trước đó, vấn đề lựa chọn công nghệ của Nhật hay Pháp cũng khiến Bộ GTVT khá bối rối, theo đó, bộ này đã tổ chức tọa đàm mời các chuyên gia đầu ngành để xin thêm ý kiến góp ý.

Tàu Shinkansen của Nhật Bản đang sử dụng công nghệ động lực phân tán. Ảnh: CNN.

Góp ý cho việc này, TS Trần Đình Bá đánh giá, nếu so sánh về công nghệ đường sắt thì Pháp là nước châu Âu có nền văn minh đường sắt sớm, về kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật đường sắt của Pháp hơn hẳn Nhật.

Vị TS cho biết, Pháp có khoảng 100.000km đường sắt quốc gia, 100% khổ 1.435 m tiên tiến hiện đại cho cả đường sắt quốc gia kết nối mạng quốc tế và đường sắt cao tốc siêu tốc 300- 350km/h công nghệ TGV.

Còn Nhật Bản là quốc gia có nền công nghệ đường sắt lạc hậu với khoảng 20.000km đường sắt Quốc gia khổ hẹp 1.067 – chiếm 93% tổng chiều dài đường sắt quốc nội.

Chỉ có khoảng 1.600km đường sắt cao tốc công nghệ Shikansen tốc độ 300km/h, không kết nối mạng quốc tế.

Tuy nhiên, TS Trần Đình Bá cho rằng, vấn đề lựa chọn công nghệ của nước nào lại tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là công nghệ lựa chọn phải phù hợp với khí hậu, điều kiện kinh tế xã hội nước ta.

Do đó, vị chuyên gia cảnh báo, việc lựa chọn công nghệ cho đường sắt tốc độ cao phải cần đến kiến thức công nghệ và sự sáng suốt để không rơi vào “Ma trận đường sắt”.

"Tham vọng đường sắt cao tốc ở VN có từ năm 2004 song cho đến nay trắng tay vì chưa lựa chọn đúng công nghệ đường sắt mà Việt Nam cần có.

Sai lầm nghiêm trọng của bộ GTVT là nghe theo tư vấn JICA, kiên cố hóa toàn bộ hệ thống đường sắt quốc gia lạc hậu khổ 1m để chạy theo công nghệ Shikansen, nên hoàn toàn thất bại", TS Trần Đình Bá chỉ rõ.

Cũng theo vị chuyên gia, sự thất bại trong triển khai thực hiện dự án đường sắt cao tốc thời gian qua còn có tác động của nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là do, khí hậu Nhiệt đới gió mùa Việt Nam không đảm bảo an toàn cho tốc độ tử thần 300km/h .

Thứ hai, Việt Nam chưa có điện hạt nhân.

Thứ ba, nền tài chính Việt Nam chưa đáp ứng vì 1.500km đường sắt cao tốc phải cần tới 100 tỷ USD. Đây là vấn đề khó khăn, khi JICA dự báo chỉ chi khoảng 58 tỷ USD.

Thứ tư, 98% hoạt động của đường sắt cao tốc được điều hành bằng tự động hóa, trong khi nền công nghệ của Việt Nam chưa thể đáp ứng được.

Thứ năm, đường sắt cao tốc chỉ chở được hành khách, không chở được hàng hóa nên không kinh tế, trong khi Việt Nam cần có đường sắt hiện đại, chiến lược chở được hành khách và hàng hóa.

Do đó, TS Trần Đình Bá cho rằng, khi quyết định lựa chọn công nghệ của nước nào để phát triển đường sắt cao tốc tại Việt Nam thì Bộ GTVT cần phải đặc biệt lưu ý tới những tồn tại nói trên.

Pháp muốn giúp làm đường sắt cao tốc: Đừng mắc lỗi nữa

Điều cốt tử là...

Bên cạnh đó, việc thực hiện ký kết hợp đồng cũng phải giao cho người rất am hiểu về công nghệ đường sắt để xác định được công nghệ đường sắt cần mua là công nghệ nào?

Dẫn chứng từ sự cố xảy ra tại Trung Quốc, đó là cái giá nước này phải trả cho thảm họa Ôn Châu 2010, tương tự Đài Loan cũng vậy, do đó, ông cảnh báo Việt Nam phải thận trọng khi chạy theo một giấc mơ quá xa rời thực tế.

"Đừng rơi vào hội chứng choáng ngợp mà sắm thứ “đồ chơi quý tộc” vừa tốn kém vừa lãng phí.

Phải hiểu rằng đường sắt cao tốc hay đường sắt tốc độ cao là “Cỗ xe ngựa dành cho quý tộc“. Nó chỉ phù hợp với các nước giàu có như Pháp, Nhật, Đức, vì thế, không nên cố đấm ăn xôi, cố chạy theo tham vọng nếu biết trước không có hiệu quả", TS Trần Đình Bá nhấn mạnh.

Theo vị TS, điều cốt tử hiện nay là phải nhận thức rõ ràng hơn vai trò của đường sắt quốc gia, nỗ lực tự lực, tự cường, mở rộng, hiện đại đường sắt quốc gia khổ 1m tốc độ thấp sang đường sắt quốc gia khổ 1.435m tốc độ cao 150-200 km/h, kết hợp vừa hàng vừa chở khách.

TS Trần Đình Bá cho rằng, với hướng như vậy, Việt Nam sẽ thủ tiêu được hệ thống đường sắt khổ hẹp 1m lạc hậu để có 100% đường sắt quốc gia khổ 1.435m hiện đại, có thể hòa mạng quốc tế, sánh vai với các cường quốc đường sắt trên thế giới.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/phap-giup-duong-sat-cao-toc-bai-hoc-tham-hoa-trung-quoc-3367968/