Pháp duy trì thuế kỹ thuật số, đón đòn phản ứng Mỹ

EU có thể ra tay với Mỹ khi Washington định trừng phạt Pháp với thuế kỹ thuật số của Pháp.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire mới đây tuyên bố, Pháp sẽ yêu cầu EU trả đũa Washington nếu nước này bị Mỹ trừng phạt vì thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Chính phủ Pháp đã gửi thông báo tới các công ty Internet đa quốc gia của Mỹ, yêu cầu phải nộp thuế kỹ thuật số ngay trong tháng 12 này.

Chính phủ Pháp đã gửi thông báo tới các công ty Internet đa quốc gia của Mỹ, yêu cầu phải nộp thuế kỹ thuật số ngay trong tháng 12 này.

Trả lời phóng viên sau cuộc họp với các quan chức EU về thuế kỹ thuật số, Bộ trưởng Le Maire khẳng định, nếu Mỹ trừng phạt quyết định của Pháp, nước này sẽ ngay lập tức xin EU trả đũa. Pháp tạm dừng thu thuế kỹ thuật số sang tháng sau trong khi các cuộc đàm phán quốc tế đang diễn ra nhằm viết lại quy định thuế xuyên biên giới trong kỷ nguyên số.

Vào tháng 7, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 1,3 tỷ USD mỹ phẩm, túi xách và hàng hóa khác nhập khẩu từ Pháp để đáp trả thuế kỹ thuật số của Pháp. Dù vậy, quyết định được lùi lại sang tháng 1/2021.

Gần 140 quốc gia tham gia đã đồng ý tiếp tục thảo luận đến giữa năm 2021 sau khi Washington không muốn ký thỏa thuận đa phương trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Vì vậy, Pháp đã tiếp tục kế hoạch và gửi thông báo cho các công ty trong diện nộp thuế. Ông Le Maire cho biết, Pháp có thể thu 400 triệu EUR từ thuế kỹ thuật số trong năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Pháp nhấn mạnh Pháp sẽ rút quy định ngay khi OECD đạt được thỏa thuận về đánh thuế xuyên biên giới trong kỷ nguyên thương mại điện tử, nơi các công ty Internet lớn có thể gặt hái lợi nhuận tại các nước đánh thuế thấp bất kể khách hàng của họ nằm ở đâu.

Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire khẳng định vẫn sẽ đánh thuế kỹ thuật số như đã giải thích với chính phủ Mỹ. Pháp hi vọng thỏa thuận OECD có thể đạt được vào những tháng đầu năm 2021.

Dan Neidle, đối tác của hãng luật Clifford Chance, nghi ngờ Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ không đồng ý với thỏa thuận như vậy, vì nó khiến các doanh nghiệp Mỹ phải nộp nhiều thuế hơn và không có nhiều lợi ích cho Mỹ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phap-duy-tri-thue-ky-thuat-so-don-don-phan-ung-my-3423596/