Pháp dùng hải âu chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp

Các nhà khoa học Pháp đã thử nghiệm và đề xuất gắn máy dò trên cơ thể chim hải âu để phát hiện và ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp trên biển.

Hải âu mang máy dò sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp - Ảnh: Nat Geo image Collection

Hải âu mang máy dò sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp - Ảnh: Nat Geo image Collection

Theo Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà sinh thái học Pháp từ Trung tâm nghiên cứu sinh học ở Chizé (Centre d'études biologiques de Chizé - CEBC) đã phát triển một phương pháp sử dụng hải âu được trang bị máy dò nhỏ xíu để phát hiện tàu cá trong đại dương mà thuyền trưởng tắt đèn hiệu để đánh bắt cá trong khu vực cấm.

Theo quy định, tất cả các tàu có chiều dài hơn 20m phải có đèn hiệu liên tục truyền dữ liệu vệ tinh về vị trí, tốc độ và hướng di chuyển của tàu. Trước hết, điều này được thực hiện để ngăn va chạm trên biển, vì dữ liệu vệ tinh cung cấp cho thuyền trưởng một bức tranh hoàn chỉnh hơn về không gian xung quanh so với radar tàu. Nhưng dữ liệu vệ tinh cũng cho phép xác định xem tàu có vào khu vực nơi đánh bắt hải sản bất hợp pháp hay không. Tuy nhiên, thuyền trưởng thường tắt đèn hiệu.

Nhà nghiên cứu Henri Weimerskirch và các đồng nghiệp ở CEBC của ông đã quyết định sử dụng hải âu để theo dõi các tàu cá. Những con chim này có thể vượt qua hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn km trong chuyến bay và phát hiện một tàu đánh cá ở khoảng cách lên tới 30km. Các nhà khoa học đã tạo ra các máy dò nhỏ chỉ nặng 65 gram, có thể phát hiện tín hiệu radar của tàu mà thuyền trưởng của tàu không tắt để tránh va chạm với các tàu khác. Các thiết bị mà hải âu mang trên người truyền tín hiệu này đến vệ tinh.

Từ tháng 12.2018 đến tháng 6.2019, Henri Weimerskirch và các đồng nghiệp đã triển khai máy dò nhỏ trên 169 con hải âu từ các đảo Crozet ở phía Nam Ấn Độ Dương. Trong thời gian này, chim đã gặp 353 tàu. Tọa độ của các tàu được truyền qua vệ tinh đến phòng thí nghiệm, thường là trong vòng chưa đầy 2 giờ. Nếu chúng không trùng với bản đồ vị trí của các tàu có đèn hiệu hoạt động, các nhà khoa học hiểu rằng đèn hiệu đã bị vô hiệu hóa trên tàu. Kết quả, 26% tàu đã tắt đèn hiệu trong vùng đặc quyền kinh tế của các đảo Crozet (cách bờ biển 200 hải lý), mặc dù việc sử dụng đèn hiệu ở khu vực này là bắt buộc.

Nhược điểm của phương pháp mới là hải âu có thể phát hiện các tàu như vậy, nhưng không thể theo dõi chuyển động của chúng trên khoảng cách quá xa. Nhưng tuần tra đại dương bằng hải âu trong mọi trường hợp sẽ giúp xác định các khu vực nơi đánh bắt đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ hơn.

Các máy dò nhỏ đeo trên chim hải âu sẽ được triển khai lại vào tháng 3 và tháng 4 năm nay tại khu vực các đảo Prince Edward ở phía Nam Ấn Độ Dương để phát hiện các vụ đánh bắt cá bất hợp pháp. Chúng cũng sẽ được sử dụng để giúp các dịch vụ đánh cá của New Zealand nghiên cứu sự nguy hiểm của tàu cá đối với hải âu. Các nhà nghiên cứu cũng đang phát triển các máy dò nhỏ hơn, họ dự định cài đặt trên các loài chim khác và thậm chí, có thể trên rùa biển.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/phap-dung-hai-au-chong-danh-bat-hai-san-bat-hop-phap-131029.html