Pháp đánh giá NATO: Ông Macron phạm húy

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa nhận xét NATO hiện đang bị 'chết não'. Hàm ý và chủ ý trong phát biểu 'gây sốc' của ông Macron là gì? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Phát biểu của ông Macron nhằm trước hết không phải vào Mỹ mà vào các thành viên khác trong NATO. (Nguồn: US News & World Report)

Vào năm tồn tại thứ 70 và ngay trước cuộc gặp cấp cao thường niên quan trọng năm nay, liên minh quân sự còn lại duy nhất trên thế giới, NATO, bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai nhìn nhận như một bệnh nhân đã chết lâm sàng. Ngay đến cả Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn không dấu diếm sự coi thường NATO thì cũng mới chỉ đi xa đến mức coi liên minh quân sự này có thể không còn cần thiết nữa chứ không nghĩ NATO hiện trong thảm trạng như ông Macron ví von.

Nhìn thẳng sự thật và chủ ý của ông Macron

Ông Macron với nhận xét nói trên đã động chạm đến một trong những điều cấm kỵ xưa nay trong NATO là không được hoài nghi chút nào về sự tồn tại cần thiết của NATO và về sức mạnh của NATO.

Ông Macron đã nói thẳng ra một trong những điều khiến cho nội bộ NATO bị phân hóa lâu nay giữa hai bộ phận thành viên. Một bộ phận thành viên không nghĩ như ông Macron, không muốn nhìn thẳng vào sự thật như ông Macron và không muốn tự vạch áo cho người xem lưng như ông Macron vừa mới làm. Bộ phận thành viên còn lại trong thâm tâm nghĩ như ông Macron, muốn bộc lộ công khai đánh giá của họ như ông Macron nhưng lại không dám nói thẳng ra như ông Macron.

Đành rằng mối quan hệ giữa Pháp và NATO từ xưa đến nay không được hài hòa và bền chặt như giữa các nước thành viên khác với NATO. Năm 1949, Pháp thuộc những nước sáng lập ra NATO nhưng năm 1966 lại quyết định không liên kết quân đội Pháp vào sự điều hành và chỉ huy chung của NATO. Mãi đến năm 2009, Pháp mới thực sự hội nhập quân đội quốc gia vào NATO, tức là mới thật sự bình thường hoàn toàn như những thành viên khác của NATO.

Đánh giá nói trên của ông Macron về NATO không hàm ý Pháp có ý muốn ra khỏi NATO như Anh đã quyết định ra khỏi EU, cũng không báo hiệu liên minh quân sự này sắp đến ngày tàn. Thông điệp của ông Macron đơn thuần chỉ là nếu không được cải cách một cách cơ bản và nhanh chóng về định hướng chiến lược cũng như tổ chức và cơ cấu thì NATO sẽ không tránh khỏi bị lỗi thời hoặc chỉ còn hữu danh vô thực. Kẻ hiện bị “chết não” nếu không được cứu chữa kịp thời thì sẽ chẳng khi nào tỉnh lại và thậm chí còn có thể bị chết hẳn chứ chưa muốn nói đến khả năng có thể bình thường trở lại hoàn toàn và khỏe mạnh được nữa hay không.

Châu Âu phải tự lo cho an ninh của mình

Từ đó có thể thấy việc ông Macron phạm húy là có chủ ý nhiều hơn là ngẫu hứng hay lỡ lời và cả thời điểm cố tình phạm húy này cũng được suy tính, cân nhắc kỹ. Người này dùng phê phán NATO nói chung để khiêu khích các thành viên bộc lộ quan điểm và thể hiện thái độ, để nhận thức lại theo lý trí chứ không phải theo tình cảm vào dịp kỷ niệm 70 năm NATO và để có cuộc tranh luận thực chất về thực trạng hiện tại và tương lai của NATO trong cuộc gặp cấp cao thường niên sắp tới ở Anh.

Ông Macron nhằm trước hết không phải vào Mỹ mà vào các thành viên khác trong NATO. Lý do được người này đưa ra để xác nhận tình trạng chết lâm sàng hiện tại của NATO là sự bất đồng quan điểm trong nội bộ NATO và không có sự phối hợp giữa các thành viên. Hàm ý của ông Macron ở đây là NATO cứ như thế thì châu Âu không thể tiếp tục tin tưởng và dựa cậy được vào NATO nữa và cam kết thể hiện ở Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại tây dương không thể tiếp tục là cốt tủy của tổ chức này được nữa. Vì thế, châu Âu phải tự lo cho an ninh của mình.

Cứ theo cách luận suy ấy, ông Macron nhìn nhận tương lai của NATO là NATO phải chuyển đổi theo hướng không còn là liên minh quân sự của 28 thành viên nữa mà là của các nước châu Âu với Mỹ và Canada, đồng thời cùng tồn tại với liên kết hay liên minh của riêng các nước châu Âu với nhau. Như thế đâu có khác gì thay đổi cơ bản tương quan lực lượng trong NATO cùng với chuẩn bị sẵn sàng sự lựa chọn thay thế cho NATO.

Từ đánh giá này của ông Macron về thực trạng của NATO có thể thấy được ba điều đáng chú ý. Thứ nhất, sự bất đồng điểm, xung khắc lợi ích và bế tắc chiến lược trong nội bộ NATO và đặc biệt giữa Mỹ với các thành viên khác của NATO đã trầm trọng đến mức làm NATO bị khủng hoảng thật sự về vai trò và ảnh hưởng, sức mạnh cũng như cả về lý do mục đích để tiếp tục tồn tại.

Thứ hai, NATO rồi sẽ phải thay đổi cơ bản về mọi phương diện để thích ứng với bối cảnh tình hình mới là Mỹ sẽ giảm cam kết và không còn coi trọng NATO như lâu nay nữa.

Và thứ ba, ông Macron thúc đẩy các nước châu Âu tự chủ hơn về đảm bảo an ninh để bớt phụ thuộc vào Mỹ và để đưa lại cho nước Pháp cơ hội khôi phục vai trò, vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới đã từng có cũng như nổi bật nhất ở châu Âu.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-danh-gia-nato-ong-macron-pham-huy-104178.html