Pháp chuẩn bị ứng phó đợt cao điểm dịch sắp tới

Ngày 28-3, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho rằng cuộc chiến chống bệnh dịch Covid-19 mới chỉ bắt đầu và hai tuần đầu tiên của tháng 4 tới sẽ có rất nhiều khó khăn. Dù vậy, Chính phủ tin rằng, với hàng loạt biện pháp ứng phó và sự quyết tâm của cả nước, cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay sẽ sớm được khổng chế.

Sáng 28-3, hai bệnh nhân ốm nặng được chuyển bằng trực thăng từ Pháp sang Đức điều trị. Ảnh Le Monde - AFP.

Sáng 28-3, hai bệnh nhân ốm nặng được chuyển bằng trực thăng từ Pháp sang Đức điều trị. Ảnh Le Monde - AFP.

Nước Pháp sắp bước vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh vì vậy Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Pháp đã tổ chức cuộc họp báo vào chiều ngày 28-3 nhằm thông báo về các biện pháp ứng phó sắp tới. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết, ưu tiên hiện nay là dồn sức khống chế dịch bệnh và hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người lao động vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay.

Thủ tướng Pháp nhấn mạnh rằng Chính phủ đã hành động quyết liệt, đưa ra các biện pháp ứng phó cần thiết để chặn đà lây lan của bệnh dịch. Theo ông, cách tốt nhất để tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế và sớm khống chế dịch bệnh là mọi người phải tuân thủ triệt để các biện pháp hạn chế di chuyển mới được kéo dài tới 15-4.

Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết, ngay từ trước khi dịch bùng phát, Chính phủ đã đưa ra các biệt pháp mạnh để tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện. Trong những ngày gần đây, các bệnh viện công và tư đều được huy động tối đa để chuẩn bị 10 nghìn giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 cùng với sự tham gia tình nguyện của hơn một nghìn bác sĩ về hưu và sinh viên trường y. Mục tiêu sắp tới là có từ 14-15 nghìn giường hồi sức trên toàn quốc để kịp thời tiếp nhận bệnh nhân.

Ông Olivier Véran thông báo rằng năm triệu bộ xét nghiệm nhanh đã được đặt để có thể thực hiện 30 nghìn xét nghiệm/ngày, rồi sẽ tăng lên 50 nghìn vào cuối tháng 4 và tới 50 nghìn vào tháng 5 và hơn 100 nghìn vào tháng 6. Mục đích là để phát hiện sớm người nhiễm và điều trị kịp thời những trường hợp bị bệnh nặng. Hiện Pháp chỉ thực hiện được hơn 10 nghìn xét nghiệm/ngày. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ký hợp đồng mua hơn một tỷ khẩu trang để đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện nay ở mức 40 triệu chiếc/ngày.

Đề cập đến vấn đề điều trị, Bộ trưởng Y tế cho biết, Pháp và các nước EU đang tiến 13 dự án thử nghiệm nghiệm lâm sàng đối với một số loại thuốc, trong đó có thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine. Công tác nghiên cứu vẫn tiếp diễn để xác định hiệu quả chính xác trước khi đưa vào điều trị đại trà.

Bà Karine Lacombe, Trưởng Khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Saint-Antoine (Paris) để cập đến sự nguy hiểm của virus corona. Đó là dễ lây lan từ một sang nhiều người khác, dễ lây hơn nhiều so với dịch cúm vì chưa có vaccine phòng ngừa. Corona cũng là một loại virus truyền nhiễm trước khi người mắc có triệu chứng. Đây là lý do tại sao rất khó cách ly kịp thời đối với người nhiễm virus corona trước khi họ làm lây nhiễm sang người khác. Bà cũng cho biết không thể thống kê chính xác tỷ lệ tử vong ở Pháp vì có những trường hợp bị nhiễm, không được xét nghiệm, rồi tử vong mà không có triệu chứng.

Theo báo cáo chính thức do Bộ Y tế Pháp công bố tối 28-3, số người tử vong do dịch Covid-19 ở nước này tiếp tục tăng cao, thêm 319 ca so với một ngày trước. Có 4.611 ca nhiễm mới được phát hiện và thêm 1.888 người phải nhập viện. Hiện có 4.273 người cần chăm sóc y tế đặc biệt. Tổng số nhiễm và tử vong ở Pháp là 37.575 và 2.314. Vùng thủ đô Île-de-France là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất trong đó có 6.523 người phải nhập viện và 1.570 người được chăm sóc đặc biệt.

Số ca tử vong ở Pháp được được công bố hằng ngày chỉ căn cứ theo thống kê từ các bệnh viện. Vì vậy, Bộ Y tế Pháp cho biết, từ tuần tới, một hệ thống giám sát mới sẽ bắt đầu hoạt động để thu thập số liệu tổng hợp từ các bệnh viện, gia đình, phòng khám tư.

KHẢI HOÀN

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43824502-phap-chuan-bi-ung-pho-dot-cao-diem-dich-sap-toi.html