Pháp: Chính phủ nhượng bộ 'Áo giáp vàng'

Phong trào biểu tình phản đối của những người mặc áo giáp bảo hộ màu vàng chanh, tự xưng là phong trào 'Áo giáp vàng' (gilets jaunes) đang khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn không ngon ngủ không yên. Bạo lực bùng phát vào những ngày cuối tuần đầu tháng 12 đã biến khu vực Khải hoàn môn ở Paris thành một 'bãi chiến trường' tan hoang.

Ngày 5-12, sau 3 tuần đối mặt làn sóng biểu tình phản đối của phong trào “Áo giáp vàng”, Chính phủ Pháp đã phải nhượng bộ. Trong thông báo phát đi chiều 5-12, Chính phủ Pháp tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong năm 2019, trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự phản đối của công chúng.

Một ngày trước đó, Chính phủ Pháp cũng thông báo việc “đóng băng” thuế sinh thái và dự tính sẽ không áp dụng loại thuế này trong năm 2019. Bộ trưởng Sinh thái Francois de Rugy cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Macron nhằm bảo đảm thuế sinh thái sẽ không áp dụng trong năm 2019.

Tuy nhiên, những người biểu tình tỏ vẻ chưa hài lòng với thông báo “không tăng thuế nhiên liệu” của chính phủ. Họ cho rằng động thái này không đủ và được đưa ra quá chậm, không đáp ứng được nguyện vọng chung của người dân lao động Pháp. Họ cáo buộc sắc thế đánh lên tài sản của người thu nhập cao (ISF) chính là “tội ác chính trị” của Tổng thống Macron.

Tổng thống Macron rất quan tâm đến mối bận tâm của người dân xung quanh các loại thuế đang được áp ở mức quá cao. Ông cho rằng Chính phủ Pháp cần phải làm cho người dân thấy được việc hủy bỏ các sắc thuế trong năm 2019 là hành động nghiêm túc của chính phủ, không nên để người dân nghĩ rằng việc không áp dụng thuế sinh thái hay thuế tài sản chỉ là một “chiêu” của chính phủ nhằm hoãn binh, xoa dịu dư luận nhất thời để rồi sẽ lại áp dụng các sắc thuế này vào một thời điểm nào đó. Một khi người dân vẫn còn nghi ngại, chưa tin tưởng vào các quyết định của chính phủ thì vẫn sẽ còn những cuộc biểu tình phản đối của “Áo giáp vàng”.

Phong trào “Áo giáp vàng” xuất phát từ tháng 5 do một phụ nữ tên là Priscillia Ludosky phát động. Ludosky sống ở vùng ngoại ô phía đông nam Paris, mua bán mỹ phẩm trên mạng Internet. Một ngày kia, Ludosky nhận thấy giá nhiên liệu quá cao so với mặt bằng chung châu Âu, bà viết một “thư thỉnh nguyện” kêu gọi chính phủ giảm giá xăng dầu và đăng lên mạng Internet.

Người biểu tình ở Khải hoàn môn (Paris).

Trong thư, Ludosky phân tích các chi tiết các thành phần chi phí cấu thành giá nhiên liệu, cho thấy các loại thuế đã chiếm đến một nửa giá thành (khoảng 1,41 euro/lít). Trong vài tháng, không ai quan tâm đến bức thư thỉnh nguyện của bà Ludosky, cho đến tháng 10, nó được một tài xế xe tải đường dài tên Eric Drouet tình cờ phát hiện và chú ý bởi các loại thuế bà Ludosky liệt kê ra.

Drouet sau đó chuyển thư của bà Ludosky cho các đồng nghiệp, bạn bè trên Facebook cùng xem, ký tên và nó dần thu hút được khá đông người tham gia ký tên. Báo chí bắt đầu viết về bức thư thỉnh nguyện như một hiện tượng đáng quan tâm. Ngay lập tức số lượng người quan tâm, đọc bức thư và ký tên thỉnh nguyện tăng vọt từ 700 người lên 200.000 người. Tính đến ngày 5-12, số lượt người tham gia ký tên thỉnh nguyện trên bức thư của bà Ludosky đã vượt hơn 1,15 triệu.

Các cuộc biểu tình tuy được đánh giá là “không lớn lắm” nhưng bộc phát không chỉ ở thủ đô Paris mà còn ở nhiều nơi trên toàn nước Pháp. Bắt đầu từ ngày 17-11, khoảng 300.000 người khoác “Áo giáp vàng” xuống đường biểu tình trên cả nước để phản đối việc chính phủ dự kiến tăng giá nhiên liệu trong kế hoạch tài khóa năm 2019. Biểu tình cứ thế kéo dài và đặc biệt nghiêm trọng vào những ngày cuối tuần, khi công nhân và những người làm thuê được nghỉ làm và tham gia biểu tình.

Từ việc phản đối mức thuế nhiên liệu cao ban đầu, những người biểu tình “Áo giáp vàng” đã mở rộng ra nhiều vấn đề khác, không chỉ phát sinh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Macron mà đã tích tụ từ nhiều năm trước. Họ cho rằng các loại thuế quá cao của Chính phủ Pháp qua nhiều năm đã làm thu hẹp các khoản thu nhập và chi tiêu hằng ngày của họ.

Nhiều người ta thán rằng từ chỗ có thể tham gia các hoạt động vui chơi giải trí vào những dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, họ đã phải cắt bỏ hết, thậm chí còn xoay xở khó khăn trong việc chi tiêu sinh hoạt hằng ngày.

Theo thống kê, trong năm 2016, trung bình một người lao động Pháp có thể mang về nhà khoảng 1.700 euro/tháng và điều này có nghĩa là khoảng một nửa người Pháp thu nhập ít hơn. Thu nhập không tăng nhưng chi phí liên tục tăng do thuế tăng là nguyên nhân gây khó khăn cho đời sống người dân, khiến họ bộc phát bằng hành động biểu tình phản đối.

Sau 3 tuần lễ biểu tình dẫn đến bạo động, đã có hàng trăm người bị bắt giữ do hành động quá khích. Những màn đốt phá cửa hàng, đập phá xe cộ, vẽ bậy lên tường nhà của người biểu tình đã gây ra một số thiệt hại nhất định về vật chất. Riêng rại khu vực Khải hoàn môn ở Paris, chi phí cho việc dọn dẹp “bãi chiến trường”, làm sạch cảnh quan và khắc phục hư hại đã lên đến hàng triệu euro.

Chi phí tuy không lớn nhưng điều quan trọng là các cuộc biểu tình “Áo giáp vàng” đã bộc lộ thái độ không đồng tình của người dân đối với các chính sách cầm quyền của Tổng thống Macron. Từ sự hăm hở buổi ban đầu đến nay mới hơn một năm đã trở thành phản đối trong bực dọc, thể hiện một sự thất vọng vì thực tế không như kỳ vọng ban đầu. Điều đó thể hiện rõ nhất ở tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Macron xuống thấp kỷ lục, còn 23%.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/phap-chinh-phu-nhuong-bo-ao-giap-vang-523919/