Pháp cảnh báo nguy cơ đất nước Liban sụp đổ

Ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Pháp cảnh báo các lực lượng chính trị ở Liban về nguy cơ quốc gia Trung Đông này sụp đổ nếu không nhanh chóng thành lập một chính phủ.

Phát biểu tại một buổi họp báo thường kỳ ở thủ đô Paris, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll nêu rõ: "Tại thời điểm mang tính quyết định này trong lịch sử Liban, các lực lượng chính trị Liban đối mặt với sự lựa chọn giữa sự phục hồi và sự sụp đổ đất nước. Đó là một trách nhiệm nặng nề đối với người dân Liban".

Bà von der Muhll nhấn mạnh Pháp kêu gọi các phe phái ở Liban "ngay lập tức đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ mới do Thủ tướng Moustapha Adib lãnh đạo và chính phủ này sau đó sẽ phải triển khai những cải cách cần thiết".

Tình nguyện viên phân phát thực phẩm cho người dân ngày 7/8/2020 sau vụ nổ tại khu cảng ở Beirut, Liban. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tình nguyện viên phân phát thực phẩm cho người dân ngày 7/8/2020 sau vụ nổ tại khu cảng ở Beirut, Liban. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến hơn 190 người thiệt mạng và khoảng 6.000 người bị thương hôm 4/8 vừa qua, Chính phủ Liban do Thủ tướng Hassan Diab đứng đầu đã từ chức. Ngày 31/8, Tổng thống Liban Michel Aoun đã chính thức bổ nhiệm Đại sứ tại Đức Mustapha Adib giữ chức Thủ tướng thay thế ông Hassan Diab.

Ông Adib chủ trương thành lập bộ máy chính phủ nhỏ gọn với các thành viên có chuyên môn trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, do quan điểm bất đồng giữa các phe phái chính trị, đến nay ông Adib vẫn chưa thành lập được nội các mới. Giới quan sát nhận định các nỗ lực của ông Adib vấp phải những trở ngại từ Amal và Hezbollah - hai nhóm Hồi giáo dòng Shiite chính trong mô hình chia sẻ quyền lực ở Liban. Mô hình này được áp dụng theo hiệp định Taef năm 1989 kết thúc cuộc nội chiến 1997-1990, dựa trên việc phân chia quyền lực giữa các sắc tộc, trong đó Tổng thống là tín đồ Công giáo Maronite, Thủ tướng là người Hồi giáo dòng Sunni, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite. Trong cơ quan lập pháp Liban có 18 sắc tộc tôn giáo chính thức được thừa nhận và 128 ghế nghị sĩ được chia đều giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đứng ra làm trung gian dàn xếp giữa các lực lượng chính trị tại quốc gia Trung Đông này, theo đó ông Macron đã hối thúc các bên thông qua những cải cách cần thiết nhằm khôi phục đất nước Liban vốn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và các tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phap-canh-bao-nguy-co-dat-nuoc-liban-sup-do-20200923111418821.htm