Pháp báo động đỏ về đợt nắng nóng kỷ lục kể từ năm 2003

Người dân Pháp sắp phải trải qua một kỳ nghỉ cuối tuần không mấy dễ chịu với tiết trời nóng nực, dự kiến lên đến 40 độ C. 12 tỉnh, thành phố nước Pháp được đặt trong tình trạng báo động đỏ, còn báo động cam đang bao trùm lên 25 tỉnh, thành phố khác trài dài từ phía Tây đến Tây Bắc.

Để đối phó với đợt nắng nóng, người dân cần bổ sung nước thường xuyên, tránh làm việc quá sức ở ngoài trời và theo dõi sức khỏe người thân. (Ảnh: MINH DUY)

Để đối phó với đợt nắng nóng, người dân cần bổ sung nước thường xuyên, tránh làm việc quá sức ở ngoài trời và theo dõi sức khỏe người thân. (Ảnh: MINH DUY)

Nắng nóng kỷ lục lên có thể lên đến 42 độ C

Cái nóng lên đến đỉnh điểm là 42 độ C sẽ tác động không nhỏ tới 18 triệu dân hiện đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố dọc theo bờ Đại Tây Dương. Đây là lần báo động thứ 4 về tình hình thời tiết cực đoan kể từ sau trận nắng nóng lịch sử gây ra 15.000 ca tử vong hồi năm 2003.

Bộ Y tế Pháp đã kích hoạt đường dây nóng miễn phí để giải đáp thắc mắc và chỉ dẫn người dân. Bộ Giáo dục nước này cũng thông báo học sinh và sinh viên tại 12 tỉnh, thành phố ghi nhận báo động đỏ không cần phải tới trường.

Chính quyền một số tỉnh, thành phố cũng khuyến nghị tạm hoãn hoặc hủy bỏ các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội ngoài trời để bảo đảm sức khỏe người dân. Một số cơ sở làm việc, sản xuất, kinh doanh thậm chí buộc phải đóng cửa vài ngày nếu nhiệt độ không gian bên trong quá cao gây nguy hiểm cho người lao động. Nhiều thành phố lớn, nơi tập trung mật độ xây dựng cao và dân số nhiều, đã cho phép kéo dài giờ mở cửa của các không gian công cộng như công viên và sân vườn.

Gió đông nam mang theo không khí khô nóng sẽ khiến nền nhiệt lên cao tới đỉnh điểm vào thứ bảy tới (18/6), dự kiến từ 35-40 độ C tại các tỉnh, thành phố được báo động. Đặc biệt, khu vực từ miền nam của Aquitaine kéo dài đến Berry sẽ phải đối mặt nhiệt độ có thể lên tới từ 40-42 độ C. Cùng với nắng nóng, chất lượng không khí cũng trở nên xấu đi ở vùng thủ đô Ile-de-France, cũng như ở một số khu vực khác, bao gồm Occitanie, Provence-Alpes-Côte d’Azur và Hauts-de-France.

Trong một cuộc phỏng vấn trên FranceInfo.fr, nhà khí hậu học Robert Vautard, Giám đốc Viện Khoa học khí hậu Pierre-Simon-Laplace nhận định: "Nước Pháp hoàn toàn có thể phải đối mặt đợt nóng lên tới 50 độ C", "tuy nhiên, cũng khó nói rõ khi nào sẽ xảy ra tình trạng này". Ông cũng cho biết thêm, "nhiệt độ cao nhất đo được tại Pháp lên tới 46 độ C vào năm 2019, vì vậy không thể loại trừ khả năng trên". Trên thực tế, một trận nóng đã "càn quét" qua khu vực British Columbia với nhiệt độ lên tới gần 50 độ C vào năm 2021, cùng vĩ độ với thủ đô Paris của Pháp.

Nắng nóng và những mối nguy

Cơ chế mồ hôi cho phép cơ thể duy trì thân nhiệt. Khi nhiệt độ tăng nhanh, con người có thể bị “say nóng”. Tình trạng này ở mức độ nặng nhất có thể gây chết người. Người có sức khỏe tốt hoặc người lao động ngoài trời cũng khó tránh tình trạng “say nóng” nếu không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.

Trẻ sơ sinh và những người dễ bị tổn thương như người già, người bị bệnh mãn tính, cần đặc biệt chú ý hơn cả. Gần 20 năm sau đợt nắng nóng của mùa hè năm 2003, khiến 15.000 người thiệt mạng, các viện dưỡng lão đang tiến hành nhiều biện pháp như việc phun, tưới nước hạ nhiệt các công trình, cung cấp thêm đá lạnh trong đồ uống giải khát, tăng cường thời gian hoạt động của các thiết bị quạt, máy lạnh.

Các nhân viên cứu hỏa luôn phải đặt trong tình trạng cảnh giác, đề phòng những đám cháy bùng phát bất chợt. Hôm qua (16/6), một đám cháy đã xảy ra trên diện rộng với 25ha tại tỉnh Aveyron ở miền nam, khiến cho một ngôi làng phải sơ tán.

Người nông dân của tỉnh Deux-Sèvres ở phía tây nam cũng đã được chính quyền địa phương kêu gọi cảnh giác trước nguy cơ cháy trong khi thu hoạch nông sản, sau vụ hỏa hoạn bất ngờ thiêu hủy hàng trăm ha ruộng hôm thứ 4 (15/6) vừa qua.

Đợt nắng nóng này được dự báo sẽ kết thúc vào đêm giữa thứ bảy và chủ nhật, với sự xuất hiện của các cơn dông khiến nhiệt độ có thể giảm xuống 15 độ C. Người dân Pháp sẽ được hưởng tiết trời dễ chịu hơn một chút, trước khi đón nhận trận nắng nóng tiếp theo.

Theo nhiều nhà khoa học, các đợt nắng nóng đến sớm vào tháng 6 trong vòng 30 năm là hệ quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nắng nóng và nỗi lo về năng lượng

Có vẻ như thời điểm này hằng năm tại Pháp, năng lượng chưa bao giờ là mối bận tâm của chính phủ nước này, thậm chí còn xuất khẩu đi các quốc gia khác. Mùa hè năm nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Nhu cầu sử dụng quạt điện và máy lạnh nhằm chống chọi lại những đợt nóng bất thường đang có xu hướng tăng cao, trong bối cảnh mức dự trữ năng lượng của quốc gia châu Âu này không thể bảo đảm.

Nhập khẩu điện là giải pháp trước mắt được tính đến. Theo Cơ quan điều hành mạng lưới truyền tải điện quốc gia Pháp (RTE), nhập khẩu điện năng lượng mặt trời từ Tây Ban Nha hoặc Đức là giải pháp hiệu quả hơn về mặt kinh tế so việc kích hoạt trở lại những nhà máy hạt nhân đang tạm đóng cửa vì lý do kỹ thuật.

Một số quốc gia như Italia và Tây Ban Nha gần đây đã hạn chế mức độ tiêu thụ năng lượng của người dân với những thiết bị điện chống nóng, bên cạnh mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, trong những nỗ lực nhất định, chính phủ Pháp cam kết bảo đảm cung ứng điện sinh hoạt và sản xuất của người dân.

MINH DUY (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/phap-bao-dong-do-ve-dot-nang-nong-ky-luc-ke-tu-nam-2003-701703/