Pháo tự hành cỡ nòng lớn nhất thế giới 'lột xác, tái ngũ'

Kinh nghiệm Syria cho thấy vai trò không thể thiếu của pháo hạng nặng khi tấn công các công trình kiên cố ở chiều sâu phòng ngự

Ra đời

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả hai khối NATO và Warsaw đều ý thức được rằng, chiến tranh hạt nhân tổng lực là tự sát, vì vậy, xác suất xảy ra thấp; trong khi đó, nhiều khả năng hơn là “chiến tranh hạt nhân hạn chế” với việc sử dụng ở quy mô nhỏ vũ khí hạt nhân chiến thật. Vũ khí phù hợp nhất cho loại hình chiến tranh này là các hệ thống pháo binh trang bị cho cấp sư đoàn, quân đoàn, các hệ thống tên lửa chiến thuật và pháo không giật. Các hệ thống chiến đấu đầu tiên được trang bị đạn hạt nhân của Liên Xô là cối tự hành 2B1 và pháo tự hành 2A3, tuy nhiên, chúng rất cồng kềnh và không đáp ứng các yêu cầu về tính cơ động.

Vào cuối những năm 1960, tại Liên Xô, các hệ thống pháo tự hành mới đáp ứng yêu cầu chính là tầm bắn tối đa không dưới 25km, đã bắt đầu xuất hiện. Việc lựa chọn cỡ nòng tối ưu và khung gầm được thực hiện bởi Học viện pháo binh mang tên Kalinin. Theo kết quả nghiên cứu lúc đó, việc lắp đặt súng hở là tối ưu, và quyết định phát triển một khung gầm mới có sự thống nhất lớn nhất với xe tăng của Liên Xô. 2S7 Pion (Hoa mẫu đơn) ra đời nhằm thay thế các pháo tầm xa 203mm B-4 và B-4M và biên chế cho các Lữ đoàn pháo binh thuộc Lực lượng dự trữ của Bộ Tư lệnh Tối cao.

2S7M trên thao trường; Nguồn: militaryarms.ru

2S7M trên thao trường; Nguồn: militaryarms.ru

2S7 Pion (định danh NATO M-1975 - giống như cối 2S4 Tyulpan) là loại pháo tự hành, được thiết kế - chế tạo tại nhà máy Kirov (Leningrad) dựa trên khung gầm của xe tăng T-80, gắn pháo 2A44 có cỡ nòng lớn nhất thế giới (203mm) được kết nối với các thiết bị giảm giật thủy lực, chính thức có trong biên chế quân đội Liên Xô từ năm 1975. 2S7 dùng để trấn áp hậu phương địch, phá hủy các cơ sở quan trọng và vũ khí hạt nhân ở độ sâu chiến thuật lên tới 47km. Ước tính đã có hơn một ngàn khẩu 2S7 được sản xuất.

Hệ thống 2S7 có chiều dài thân 10,5m, rộng 3,38m, cao 3m, nặng 46 tấn, xe được trang bị động cơ diesel 750 mã lực, đạt tốc độ 51km/h, tầm hoạt động 500km. Do kích cỡ đạn pháo 203mm khá lớn, nên 2S7 chỉ mang theo được 4 viên đạn, cần có xe tiếp đạn. Kíp pháo thủ của 2S7 gồm 14 người, trong đó 7 người ngồi trên xe chiến đấu (gắn pháo) và 7 người ngồi trên xe hộ tống - tiếp đạn, thời gian chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu 9-10 phút, thời gian thu hồi 3-5 phút.

Được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, 2S7 có khả năng bắn nhiều loại đầu đạn gồm đầu đạn nổ phân mảnh, đạn hóa học và đạn hạt nhân. 2S7 có thể bắn đạn nổ mảnh nặng 110kg, chứa 17,8kg thuốc nổ, tầm bắn 37,5km; với loại đạn tăng tầm (gắn động cơ) nặng 103kg, chứa 13,8kg thuốc nổ, tầm bắn lên đến 47,5km. Đề phòng trường hợp động cơ chính bị hỏng, 2S7 được trang bị thêm hệ thống năng lượng dự trữ công suất 24 mã lực dùng khi cần thiết.

2S7 từng có trong trang bị của Nga, Angola, Azerbaijan, Georgia, Uzbekistan, Ukraine, Belarus, Bungaria, Ba Lan, Tiệp Khắc (Czech). Hạn chế duy nhất được các chuyên gia phương Tây chỉ ra là việc lắp đặt súng mở, không cho phép bảo vệ kíp xe khi làm việc khỏi các mảnh đạn pháo hoặc hỏa lực của kẻ thù. Cải thiện sâu 2S7 sẽ được thực hiện bằng cách tạo ra các đạn dẫn đường như “Cмельчак” (Daredevil” - Kẻ liều mạng), tầm bắn có thể lên tới 120km, cũng như cải thiện điều kiện làm việc của kíp pháo tự hành.

“Lột xác”…

Quá trình hiện đại hóa 2S7 theo tiêu chuẩn 2S7M (còn được gọi là Malka hoặc Pion-M) được thực hiện tại nhà máy Uralvagonzavod. Về tổng thể, khung xe vẫn giữ nguyên, nhưng các chi tiết khung gầm được nâng cấp hoàn thiện khả năng cơ động và tác chiến: mỗi bên thân xe, có 7 con lăn được gia cố bằng hệ thống giảm xóc thủy lực; động cơ B-46-1 được thay bằng V-84B (có thể sử dụng cả nhiên liệu diesel, dầu hỏa và xăng); hộp số, cơ cấu truyền động và các tổ máy cung cấp năng lượng được thay thế nhằm tạo khả năng việt dã cao trên địa hình phức tạp, tuổi thọ tăng lên 8.000-10.000km.

2S7M trong một lần thử nghiệm

2S7M còn được lắp đặt thêm các thiết bị liên lạc nội bộ, thiết bị liên lạc vệ tinh, trạm phát sóng, tổ hợp giám sát, hệ thống bảo vệ chống vũ khí xạ - sinh - hóa (NBC), thiết bị thu nhận và xử lý dữ liệu nhằm tăng khả năng sống sót cũng như nâng cao hiệu quả tác chiến, kíp xe giảm xuống còn 6 người. Thời gian chuyển từ chế độ hành quân sang chiến đấu của 2S7M giảm từ 10 xuống 7 phút. Cơ số đạn tăng từ 4 viên lên 8 viên, cơ cấu nạp đạn mới cho phép nạp đạn khi nòng pháo ở bất cứ vị trí nào. Tốc độ bắn của Malka lên tới 2,5 viên mỗi phút, thay vì chỉ 1,5 viên mỗi phút như trên biến thể gốc 2S7.

Về hỏa lực, ngoài có thể dùng chung các loại đạn với 2S7, có 3 loại đạn pháo hạt nhân 203mm được phát triển riêng cho Malka để phá hủy các mục tiêu như công sự, điểm trú quân, sở chỉ huy, kho tàng... của đối phương ở phía sau chiến tuyến, nằm sâu trong khu vực phòng ngự với tầm bắn lên tới 55,5km. 2S7M bắt đầu được sản xuất loạt vào năm 1986. 2S7 và 2S7M chưa từng được Quân đội Liên Xô đưa vào thực chiến, hiện tại quân đội Nga vẫn đang niêm cất khoảng 300 khẩu 2S7 và 2S7M.

… và “tái ngũ”

Một quan điểm phổ biến là trong thời đại tên lửa có độ chính xác cao và máy bay chiến đấu hiện đại, các loại pháo cỡ nòng lớn đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, kinh nghiệm các cuộc xung đột vũ trang trong mấy thập kỷ qua, đặc biệt là chiến tranh Syria chỉ ra rằng, pháo binh có đóng góp quan trọng vào chiến thắng chung trong chiến dịch chống khủng bố; gần một nửa tổn thất của các nhóm khủng bố là do hỏa lực của các hệ thống cỡ nòng lớn và pháo phản lực bắn loạt; các loại pháo tự hành cỡ nòng 152mm không phải lúc nào cũng hiệu quả trong khi pháo hạng nặng không thể thiếu khi có nhiệm vụ tấn công các công trình kiên cố.

2S7M trong một cuộc diễn tập; Nguồn: ppt-history.ru

Mới đây, 12 hệ thống pháo tự hành 2S7M Malka vừa được Nga gọi “tái ngũ” đã qua thử nghiệm khai hỏa tấn công kẻ thù giả định ở khoảng cách 30km, theo tọa độ được máy bay không người lái Orlan-10 cung cấp. Biến thể hiện đại hóa Malka đang phục vụ trong Quân đội Nga khác hoàn toàn so với phiên bản được sản xuất những năm 1985-1986 nhờ được điện tử hóa. Để nâng cao độ chính xác, Malka được kết nối với hệ thống điều khiển tự động của Lực lượng Mặt đất và sẽ được chỉ định mục tiêu bởi các vệ tinh, máy bay không người lái, phi cơ và các nhóm trinh sát của lực lượng tác chiến đặc nhiệm hoạt động ở hậu phương địch.

Hệ thống trao đổi thông tin theo thời gian thực giữa các bộ phận chỉ thị mục tiêu và các khẩu đội pháo tăng cường đáng kể độ chính xác của việc tác xạ. Các phiên bản nâng cấp của Malka sẽ đóng vai trò bắn tỉa tầm xa có khả năng phá hủy các mục tiêu được bảo vệ tốt nhất. So với bom có điều khiển KAB-500 hay tên lửa hành trình Kalibr, đạn pháo 203mm có giá thành rẻ hơn nhiều và hiện Nga vẫn còn số lượng lớn loại đạn này từ thời Chiến tranh Lạnh.

Việc tái biên chế các loại vũ khí “khủng” thời Liên Xô nhưng được nâng cấp nằm trong chiến lược tái cân bằng sức mạnh của quân đội Nga trước các đối thủ, là giải pháp ngắn hạn trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang bị phương Tây cấm vận và chi tiêu quốc phòng đang bị cắt giảm. Việc gọi “tái ngũ” và triển khai 2S7M được Nga lý giải nhằm mục đích phòng thủ, và theo các chuyên gia quân sự, Nga sẽ bố trí chúng tại biên giới tiếp giáp với Nhật Bản và Ukraine - những điểm nóng của Nga trong tranh chấp lãnh thổ. Đây sẽ là một trong những vũ khí giúp Nga duy trì sức mạnh trong trường hợp xảy ra xung đột./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phao-tu-hanh-co-nong-lon-nhat-the-gioi-lot-xac-tai-ngu-987749.vov