Pháo phản lực HIMARS Mỹ đã giúp Ukraine ghìm chân quân Nga như thế nào?

Với 16 tổ hợp pháo phản lực HIMARS cùng hàng ngàn đạn rocket tầm xa M31 được Mỹ viện trợ, Ukraine đang khiến quân đội Nga gặp không ít rắc rối cả về hậu cần lẫn khả năng chiến đấu trên chiến trường Ukraine.

Rõ ràng pháo phản lực HIMARS đã có màn thể hiện xuất sắc trên chiến trường Ukraine, kể từ khi nhận loại vũ khí này, cục diện chiến trường đã có phần thay đổi có lợi cho phía Kiev.

Đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, lực lượng tăng thiết giáp của Nga bị thiệt hại nặng nề , điều này buộc Moscow thay đổi phương án bằng cách rút thiết giáp từ các nơi khác và tập trung vào chiến trường miền Đông.

Tại khu vực Donbass, với ưu thế pháo binh vượt trội, Nga đã khiến cho Ukraine gặp thiệt hại và phải triệt thoái khỏi nhiều khu vực tại miền Đông nước này.

Có những thời điểm pháo binh Nga khai hỏa với cường độ 60.000 - 80.000 quả đạn mỗi ngày, trong khi pháo binh Ukraine chỉ có thể bắn tối đa bằng 1/10 số đó.

Nhưng cục diện chiến trường đã thay đổi ngay khi Kiev nhận pháo phản lực HIMARS từ Washington, có loại vũ khí này, Ukraine đã làm suy yếu năng lực pháo binh của Nga.

Tấn công vào kho đạn pháo và sở chỉ huy quân Nga là ưu tiên hàng đầu của pháo HIMARS Ukraine, ước tính đã có tới 40% kho đạn pháo cùng hàng chục căn cứ chỉ huy quan trọng của Nga tại Ukraine đã bị phá hủy.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 7 đã tuyên bố các tổ hợp pháo phản lực HIMARS mà Washington viện trợ cho Kiev đang thay đổi cục diện xung đột giữa Ukraine và Nga.

Ngoài kho đạn và sở chỉ huy quân Nga, pháo HIMASR cũng được sử dụng để tập kích những cây cầu trọng yếu ở thành phố Kherson, nơi quân Ukraine đang tổ chức phản công quyết liệt.

HIMARS là hệ thống pháo phản lực hạng nặng có thể bắn liên tiếp 6 rocket dẫn đường độ chính xác cao.

Khi sử dụng đạn M31 mang đầu đạn nổ mạnh đa dụng nặng 90 kg, HIMARS có tầm bắn 80 km, xa hơn các loại pháo phản lực của Nga, vì vậy nó tránh được đòn phản pháo của đối phương.

Ngoài ra HIMARS cũng có thể khai hỏa tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên đến 300 km.

Mỹ hiện chưa xác nhận cung cấp cho Ukraine loại tên lửa này, do lo ngại chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, khiến khủng hoảng leo thang.

Tầm bắn xa của đạn rocket M31 cùng với cơ chế dẫn đường bằng GPS, pháo HIMARS có thể nhắm mục tiêu chính xác hơn rất nhiều so với pháo phản lực của Nga hiện có.

Theo ông Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews, Scotland, Ukraine bắt đầu sử dụng pháo HIMARS từ cuối tháng 6 và đã ngay lập tức loại vũ khí này phát huy hiệu quả.

HIMARS ban đầu được triển khai để nhắm vào các mục tiêu cố định và sở chỉ huy lực lượng Nga, thay vì đội hình di động.

"Nó đã được sử dụng trên khắp mặt trận ở miền đông Ukraine, tấn công vào các kho đạn phía sau chiến tuyến của Nga khoảng 50 km", ông Phillips O'Brien nói.

Tuy nhiên, giáo sư O'Brien cũng nói thêm rằng Ukraine giờ đây có thể đã bắt đầu sử dụng pháo HIMARS để nhắm thẳng vào đội hình bộ binh Nga trong các doanh trại và sở chỉ huy.

Kiev đã tuyên bố một cuộc tập kích tầm xa bằng pháo HIMARS vào căn cứ của Nga thành phố Lysychansk, tỉnh Lugansk, vụ tấn công đã khiến ít nhất 100 binh sĩ đối phương thiệt vong.

Một cuộc tấn công khác của quân đội Ukraine bằng pháo HIMARS vào trụ sở của nhóm lính đánh thuê Wagner đang hỗ trợ quân Nga ở Popasna, tỉnh Lugansk cũng khiến 100 thành viên của nhóm này thiệt mạng.

Hiện Moscow không bình luận về thông tin các vụ tập kích bằng pháo HIMARS khiến họ tổn thất nặng kể trên.

Mỹ xác nhận đã chuyển 16 hệ thống HIMARS tới Ukraine như một phần của gói hỗ trợ an ninh trị giá 9 tỷ USD. Nước này cũng đã chuyển khoảng 3.000 quả đạn rocket tầm xa M31 cũng như số lượng lớn các loại đạn rocket khác dùng cho hệ thống pháo này.

Hồi giữa tháng 7, quân đội Ukraine đã triển khai HIMARS để bắn phá các cây cầu bắc qua sông Dnipro nối thành phố Kherson với vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền nam mà Nga đang kiểm soát.

Điều này đã cắt đi tuyến tiếp tế hậu cần quan trọng của Nga. Giới chức phương Tây ước tính Nga điều động khoảng 25.000 quân ở trong và xung quanh Kherson.

"Người Nga đổ quân vào Kherson để cố gắng bảo vệ nó, các cuộc tấn công bằng pháo HIMARS khiến nỗ lực tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở thành phố trở nên khó khăn hơn", giáo sư O'Brien cho biết.

Theo ước tính của Mỹ, đến giữa tháng 8, lực lượng Ukraine đã phá hủy hơn 100 mục tiêu có giá trị cao của Nga bằng pháo HIMARS.

"Pháo HIMARS đã mang đến cho quân đội Ukraine một chiến lược mới là bào mòn nguồn lực của Nga cho đến khi họ không thể chịu đựng được nữa, làm cạn kiệt dự trữ đạn và khiến đối phương dần suy yếu", giáo sư O'Brien cho biết thêm.

"Việc chuyển pháo HIMARS cho Ukraine có ý nghĩa rất quan trọng. Nó thay đổi khá nhiều tình hình chiến trường và thực sự cho thấy rằng viện trợ của phương Tây đối với Ukraine không phải chỉ là trên giấy hay tượng trưng", ông George Barros, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Mỹ, nhận xét.

"Pháo phản lực HIMARS đã mang lại cho Ukraine khả năng thay đổi hoàn toàn động lực và hướng đi của cuộc chiến", Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, đánh giá.

Ông Ben Hodges nhận xét, pháo phản lực tầm xa HIMARS đã loại bỏ hầu như mọi lợi thế về quân số cũng như hỏa lực pháo binh của Nga trước Ukraine.

"Bạn không cần phải bắn ra hàng trăm viên đạn pháo để đạt được hiệu quả như một rocket khai hỏa từ HIMARS. Tôi cho rằng hiệu quả tác chiến mà Ukraine đang đạt được là vượt trội so với Nga", ông Ben Hodges nói.

"HIMARS và các vũ khí tầm xa khác đã mang lại cho Ukraine khả năng tấn công những mục tiêu mà người Nga vốn cho là an toàn".

"Hàng nghìn khẩu pháo của Nga trên tiền tuyến vẫn cần được tiếp đạn, vì thế, để tránh hỏa lực từ HIMARS, Moscow chỉ có thể chuyển các kho đạn đến một khoảng cách nhất định, không quá xa so với chiến trường".

"Giờ đây, các xe tải Nga vừa phải chở nặng, vừa phải di chuyển quãng đường xa hơn. Nga đã mất khoảng 1.000 xe tải quân sự trong chiến dịch của mình. Kết quả là số lượng pháo và tên lửa mà Nga khai hỏa đã giảm đáng kể", ông Ben Hodges kết luận.

Theo tiến sĩ William LaPlante, quan chức phụ trách mua sắm vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, điểm gây ấn tượng của pháo phản lực HIMARS không nằm ở công nghệ tinh vi mà đến từ cách sử dụng đơn giản.

"Chỉ cần ba người vận hành là có thể điều khiển toàn bộ tổ hợp. Họ có thể làm chủ chúng chỉ sau một tuần làm quen. Chúng đáng tin cậy và ngay cả những người lính Ukraine 18 tuổi cũng sử dụng được", ông nói.

Những tổ hợp HIMARS mà Ukraine đang sở hữu đã phát huy hiệu quả lớn đến mức Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã ra lệnh cho các lực lượng dốc toàn lực tìm kiếm và tiêu diệt loại vũ khí này khi chúng được phương Tây chuyển giao cho Ukraine.

Quân đội Nga nhiều lần tuyên bố đã phá hủy một số bệ phóng và khoảng 100 đạn rocket của pháo HIMARS, nhưng không đưa ra bằng chứng xác thực. Trong khi phía Ukraine và Mỹ liên tiếp bác bỏ điều này.

Bộ Quốc phòng Ukraine thừa nhận đã chế tạo nhiều mô hình HIMARS bằng gỗ để đánh lừa máy bay trinh sát Nga, khiến đối phương thực hiện những cuộc tập kích vào mục tiêu giả.

"Người Nga có vẻ không giỏi trong việc chống lại pháo phản lực HIMARS, vi họ không thể điều khiển máy bay một cách an toàn qua các khu vực chiến sự, nên họ rất khó phát hiện ra chúng từ trên không", giáo sư O'Brien nói.

Vị giáo sư này giải thích: "Rất khó bắn trả HIMARS sau khi chúng khai hỏa, một phần bởi tầm bắn của pháo ngoài tầm phản pháo của Nga, mặt khác chiến thuật của Ukraine là cơ động, ngay sau khi bắn họ đội pháo thủ liền cơ động gần như ngay lập tức với vận tốc gần 90 km/h".

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phao-phan-luc-himars-my-da-giup-ukraine-ghim-chan-quan-nga-nhu-the-nao-post516143.antd