'Pháo đài bay' B-1B tới Na Uy, Mỹ và NATO muốn ngăn Nga tại Bắc Cực

Mỹ đã cử 4 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer tới căn cứ Orland của Na Uy để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dài hạn đầu tiên ở đây. Giới quan sát cho rằng hành động này cho thấy Mỹ và NATO đang muốn kiềm chế Nga tại Bắc Cực, nơi được cho là có trữ lượng khoáng sản khổng lồ.

Không quân Mỹ cho biết biên đội 4 oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer thuộc Không đoàn ném bom số 7 xuất phát từ căn cứ Dyess, bang Texas và đáp xuống sân bay quân sự Orland của Na Uy hôm 22-2.

"Đây là lần đầu máy bay ném bom chiến lược Mỹ làm nhiệm vụ trên đất Na Uy. Kể từ năm 2018, những sứ mệnh oanh tạc cơ như vậy đã giúp các tổ lái làm quen với môi trường tác chiến, cũng là cơ hội để Mỹ tăng cường phối hợp với các đồng minh NATO và đối tác trong khu vực", thông cáo của không quân Mỹ có đoạn viết.

Biên đội B-1B sẽ tham gia nhiều nội dung huấn luyện và diễn tập, bao gồm ứng phó với các khủng hoảng toàn cầu. "Huấn luyện với phía Na Uy giúp chúng tôi hoàn thiện năng lực phòng thủ và răn đe, đồng thời tăng cường ổn định khu vực", tướng Jeff Harrigian, tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu (USAFE), cho hay.

Mỹ những năm gần đây nỗ lực mở rộng số địa điểm phục vụ hoạt động của oanh tạc cơ tại châu Âu. Với việc căn cứ Orland nằm cách vòng Bắc Cực hơn 480 km, đợt triển khai oanh tạc cơ B-1B tại đây là tín hiệu cho thấy không quân Mỹ tăng cường phối hợp hoạt động với NATO và đối tác khác ở gần biên giới phía tây bắc Nga, đồng thời tăng hiện diện ở vùng Bắc Cực và ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Nga.

Không quân Mỹ hồi tháng 7-2020 công bố Chiến lược Bắc Cực mới, kêu gọi tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm "đối phó mối đe dọa từ Nga". Bắc Cực được nhận định là điểm nóng tiềm tàng trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến nỗ lực cạnh tranh nhằm giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên trong khu vực và các tuyến hàng hải mới hình thành khi băng tan.

Các oanh tạc cơ Mỹ hoạt động tại khu vực Bắc Cực thường xuất phát từ căn cứ Fairford ở Anh hoặc cất cánh từ Mỹ và bay không dừng tới đây. Việc triển khai oanh tạc cơ B-1B tới Na Uy cho thấy Mỹ đang tăng cường phối hợp với đồng minh NATO và đối tác khác ở khu vực gần biên giới tây bắc Nga, đồng thời tăng hiện diện ở Bắc Cực và gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn tới Moscow.

Pháo đài bay B-1B Lancer

Pháo đài bay B-1B Lancer

B-1B Lancer là phi cơ tàng hình cánh cụp cánh xòe, có khả năng di chuyển với tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh ở độ cao dưới 1.000m. Những chiếc B-1B ra đời nhằm thay thế vai trò phi cơ ném bom chiến lược của pháo đài bay B-52. Tùy từng điều kiện hoạt động, cánh của B-1B Lancer có khả năng duỗi thẳng hoặc xếp chéo, giúp máy bay trở nên linh hoạt hơn trong tác chiến. Ngoài ra loại máy bay này mang trong mình khả năng tàng hình nhẹ khi sử dụng công nghệ sơn hấp thụ sóng radar.

B-1B Lancer hiện là chiếc máy bay có tải trọng bom đạn lớn nhất thế giới, chúng có thể mang 84 bom Mk-82, 24 bom thông minh GBU-31 JDAM, 48 bom thông minh GBU-38 JDAM, 12 bom lượn AGM-154 JSOW (còn gọi là vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm), hoặc 24 tên lửa AGM-158 JASSM tầm bắn 370km. Tổng tải trọng vũ khí của B-1B lên đến 57 tấn.

Lần đầu thực chiến của B-1B Lancer là trong chiến dịch Cáo sa mạc, tiếp đến B-1B Lancer sau đó đã dội bom vào đối phương trong chiến tranh Afghanistan, Iraq và mới đây nhất là Syria. Hiện tại quân đội Mỹ vẫn tiếp tục duy trì sự hoạt động của đội ngũ máy bay B-1B gồm 67 chiếc. Chúng đang đóng vai trò là lực lượng máy bay ném bom chiến lược và là lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/info-phao-dai-bay-b-1b-toi-na-uy-my-va-nato-muon-ngan-nga-tai-bac-cuc-post458923.antd