'Phantom Thread': 'Ngựa đen' của mùa giải Oscar 2018

Là ứng cử viên đến muộn, ít tiếng tăm và không được kỳ vọng mấy tại cuộc đua năm nay, thế nhưng Phantom Thread đã giành được 6 đề cử ở các hạng mục quan trọng.

Thuật ngữ 'ngựa đen' (dark horse) dùng để chỉ những nhân tố ngoài dự đoán, gây bất ngờ trong cuộc tranh giải

Trong lúc điện ảnh thế giới theo đuổi những chủ đề đao to búa lớn, đạo diễn Paul Thomas Anderson lại quay về thập niên 1950, dẫn dắt người xem vào thế giới thời trang haute couture trong xưởng may nhỏ giữa nước Anh. Reynolds Woodcock (Daniel Day-Lewis) là một nhà thiết kế tài ba có những yêu cầu khắt khe về công việc và những đòi hỏi oái oăm trong sinh hoạt hằng ngày. Cứ ngỡ cuộc đời của Woodcock sẽ đều đặn trôi qua như vậy, cho đến ngày nọ, định mệnh đưa ông gặp nàng Alma (Vicky Krieps) - người sẽ trở thành nàng thơ và vợ của ông. Thế nhưng hành trình yêu đương của họ lại không phải là con đường trải đầy hoa hồng.

Thế giới thời trang haute couture đòi hỏi mắt thẩm mỹ, tính kỷ luật và sự chính xác của nhà thiết kế

Phantom Thread, đúng như sự tối nghĩa của cái tên (tạm dịch: Bóng ma sợi chỉ), là một bộ phim nhiều cạm bẫy. Thoạt nhìn, nội dung phim dường như diễn tả mối quan hệ phức tạp giữa tình yêu và hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Một mặt, tình yêu khơi nguồn cảm hứng, dẫn đến thăng hoa trong sáng tạo. Mặt khác, những cung bậc cảm xúc thất thường của tình yêu đôi lúc không thể dung hòa với cái tôi quá lớn của người nghệ sĩ, đe dọa phá vỡ quy tắc mà họ đặt ra cho riêng mình. Tình yêu có thể cứu rỗi nhưng đồng thời tiềm tàng khả năng hủy hoại bất cứ ai, không loại trừ những con người kỷ luật nhất, tài năng nhất.

Những bộ váy lộng lẫy giúp bộ phim được đề cử tại hạng mục Thiết kế trang phục

Thế nhưng càng xem, khán giả lại càng nhận ra mối quan hệ của cặp đôi trong phim có cái gì cực đoan, lạnh lùng và vô cùng bất thường. Sự bất thường này không bộc lộ trực diện mà ẩn dưới bề mặt sâu kín, khó phát hiện hơn. Chuyện tình yêu trong Phantom Thread không lạ kỳ như The Shape of Water, cũng chẳng trái ngang như Call Me By Your Name, chỉ là giữa một người đàn ông và một người đàn bà như biết bao cặp đôi trên thế giới này. Đồng thời, đó cũng là mối quan hệ mà Reynolds Woodcock sẵn sàng đay nghiến người tình khi không biết giữ im lặng trên bàn ăn, khi nấu món măng tây không như ý ông muốn, hay Alma có thể ngang nhiên hái những cây nấm độc để làm món ăn cho người mình yêu mà không thấy tội lỗi, cô kiên quyết không gọi bác sĩ mà chỉ mong ông gặp vấn đề sức khỏe, phải bỏ dở công việc để có thời gian dành cho cô.

Mối tình giữa nhà thiết kế tài ba Reynolds Woodcock và nàng thơ Alma ẩn chứa nhiều xung đột vô hình

Chi tiết nấm độc trong phim làm ta nhớ ngay đến The Beguiled của đạo diễn Sofia Coppola, cũng là tác phẩm điện ảnh khai thác mặt tối đằng sau mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Cũng như The Beguiled, Phantom Thread thu nhỏ câu chuyện trong một tòa nhà kín đáo với những váy áo diễm lệ, mọi tình tiết trong phim đều trôi chậm rãi trên nền nhạc du dương, từng cử động của các diễn viên đều toát lên vẻ duyên dáng, hài hòa như những điệu vũ. Đến cuối cùng, Reynolds Woodcock chấp nhận gánh chịu căn bệnh - lời nguyền mang tên Tình Yêu, ông biết mình hết thuốc chữa nhưng vẫn chấp nhận điều đó.

Tài tử Daniel Day-Lewis dường như được "đo ni đóng giày" cho vai diễn trong Phantom Thread. Nam diễn viên từng đoạt ba giải Oscar luôn mềm mỏng, khéo léo và đặt mọi thứ trong tầm kiểm soát. Ngay cả những yêu sách hay lối nói gay gắt của nhân vật này cũng cho ta thấy rõ đây là sự khó tính của một nghệ sĩ đã quen với công việc đòi hỏi sự tinh tế, chứ không phải sự khắt khe của một chính trị gia (như Gary Oldman đã thể hiện trong Darkest Hour) hay của một kẻ phàm phu. Nữ diễn viên Lesley Manville vào vai Cyril, chị gái của Reynolds Woodcock, cũng có màn thể hiện tuyệt vời giúp cô nhận được đề cử tại hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Đứng giữa hai nhân vật này, Vicky Krieps lép vế hơn hẳn. Cô không thể hiện được nét quyến rũ tươi trẻ cần phải có ở nhân vật Alma và lắm lúc bị đuối thấy rõ dù đây là nhân vật "đinh" của bộ phim.

Daniel Day-Lewis từng ba lần ẵm tượng vàng Oscar với vai diễn trong My Left Foot (1989), There Will Be Blood (2007) và Lincoln (2012)

Dù vậy, Phantom Thread không phải bộ phim quá đỉnh cao. Mọi thứ đều chỉ dừng ở mức vừa phải: lãng mạn vừa phải, đen tối vừa phải, xung đột tâm lý vừa phải. Dường như có một lằn ranh nào đó mà đạo diễn Paul Thomas Anderson không dám mạo hiểm vượt qua, nên cuối cùng Phantom Thread trở thành một tác phẩm an toàn, an phận, dễ quên. Mối quan hệ đầy bất trắc giữa đàn ông và đàn bà vốn là mô-típ được khai thác nhiều trong dòng phim thương mại, tình yêu giữa nghệ sĩ - nàng thơ lại là chủ đề ưa thích của các nhà làm phim nghệ thuật. Như vậy, Phantom Thread lửng lơ ở giữa lằn ranh thương mại và nghệ thuật chứ không thuộc hẳn về bên nào. Diễn xuất gượng gạo của Vicky Krieps cũng khiến bộ phim bớt thuyết phục hơn rất nhiều.

Nhìn chung, Phantom Thread vẫn là nhân tố bất ngờ của mùa giải năm nay. Không bàn chuyện thời sự chính trị, không có những yếu tố lạ kỳ thu hút, nhiều khán giả hẳn sẽ quan tâm xem bộ phim này sẽ "gặt hái" quả ngọt hay ra về tay trắng tại đêm chung kết sắp tới. Đến thời điểm hiện tại, Phantom Thread nhận được đánh giá 91% trên Rotten Tomatoes và 7,9/10 trên IMDb.

Mai Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/phantom-thread-ngua-den-cua-mua-giai-oscar-2018-936036.html