Phanbook giới thiệu bộ 3 kiệt tác văn chương Pháp qua bản dịch của Bửu Ý

Đây là những loạt tác phẩm từng được ấn hành tại Sài Gòn trước 1975, nay Phanbook giới thiệu trở lại trong một hình thức hoàn toàn mới...

Đứa con đi hoang trở về (Le retour de l’enfant prodigue, 1907) và Vỡ mộng (Isabelle, 1911) của André Gide, Thư gửi một con tin (Lettre à un otage, 1943) của Antoine de Saint-Exupéry là 3 kiệt tác văn chương Pháp qua bản dịch tài hoa của Bửu Ý được xem là những cuốn sách "gối đầu giường" được yêu thích của nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam (ảnh).

Đây là những loạt tác phẩm từng được ấn hành tại Sài Gòn trước 1975, nay Phanbook giới thiệu trở lại trong một hình thức hoàn toàn mới, trang nhã, phù hợp với lối tiếp cận của người đọc hôm nay.

Đứa con đi hoang trở về: Khởi nguồn cảm hứng từ dụ ngôn Đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh Tân ước. Với một sự triển khai đa chiều, André Gide đưa vào đó bốn cuộc đối thoại, như một vở kịch bốn màn, kéo câu chuyện khỏi không gian của bản kinh giáo điều để nối kết với cuộc sống nhân gian vốn dĩ phức tạp.

Qua Ngôi Nhà và khát vọng tự do, chọn lựa phiêu lưu của tuổi trẻ và sự trở về kiếm tìm cứu rỗi nơi một con người đã nếm trải gió bụi lạc lối…

André Gide mở ra các cảnh huống triết lý mà ở đó, có thể mỗi người đọc đều đã từng “nhập vai”.

Vỡ mộng: Mộng và thực, hư cấu và đời thật đã hòa quyện lấy nhau trong đời sống tâm hồn của một thanh niên lý tưởng và đa cảm.

Lâu đài Quartfoutche cổ xưa như chốn Đào nguyên, tách biệt với cõi nhân gian rộn ràng đã đổ bóng xuống nỗi cô độc của chàng Lacase. Ở đó, mùi vị của thứ tình ái viễn mơ, sự theo đuổi đam mê đã tự khắc trỗi dậy và cũng tự khắc tàn phai.

Một không khí “hoang phế gió lộng” của thời thanh xuân được André Gide đưa vào trong cuốn tiểu thuyết truyện lồng trong truyện nhuốm u hoài và quyến rũ.

Thư gửi một con tin: Từng bay trên những sa mạc, biển cả, đô thị, xuyên biên giới các quốc gia, vùng lãnh thổ, cha đẻ của Hoàng tử bé tiếp tục truyền trao nguồn cảm hứng du hành cùng những chiêm niệm về nhân sinh trong tập sách nhỏ này.

Tinh thần tự do, lòng ái quốc, tình bạn, giá trị con người và cả những khuyết tật của văn minh, những biên giới văn hóa được ông trải ra trên các đoản văn đầy thi tính và giàu triết lý.

“Tuyệt đối phải nói với con người”, cuộc đối thoại của Saint-Exupéry với từng người bạn đồng hành của ông – chính là mỗi độc giả cuốn sách này – luôn nhiều nhiệt khí thiêng liêng, vượt lên mọi tranh chấp lý luận.

Dịch giả Bửu Ý tên đầy đủ Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Thừa Thiên - Huế. Ông là chắt nội của nhà thơ Tuy Lý Vương. Ông học Pháp văn tại Huế, từng giữ chức Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Ông tham gia nhiều lĩnh vực xã hội, dạy học, nghiên cứu nghệ thuật, viết văn, dịch sách, đặc biệt là mảng tư liệu và văn học Pháp. Năm 1992, Đại học Paris VII mời ông sang giảng về văn học Pháp.

Năm 2015, dịch giả Bửu Ý được Pháp trao Huân chương Cành cọ hàn lâm cho những đóng góp của ông trong việc quảng bá văn hóa Pháp tại Việt Nam.

T.Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phanbook-gioi-thieu-bo-3-kiet-tac-van-chuong-phap-qua-ban-dich-cua-buu-y-16641.html