Phân viện Thú y miền Trung: Nhiều sản phẩm có ích cho xã hội

Những năm qua, nhờ triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, Phân viện Thú y miền Trung đã phát huy được những thế mạnh về nghiên cứu khoa học, đào tạo gắn liền với sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội.

Nhiều công trình nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn

Phân viện Thú y miền Trung là đơn vị điển hình trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng trong lĩnh vực thú y, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ một đơn vị bao cấp, phân viện đã vượt qua rất nhiều khó khăn để trở thành đơn vị tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là địa chỉ tin cậy của nhiều nhà khoa học và nông dân trên cả nước.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và mục tiêu thi đua, phân viện đã tổ chức cho các tập thể, cá nhân đăng ký các danh hiệu thi đua với các chỉ tiêu cụ thể. Thông qua phong trào thi đua, nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích được công nhận và áp dụng vào thực tiễn hoạt động của đơn vị. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã thực hiện 17 đề tài, dự án các cấp với các nội dung có tính ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất; trong đó có nhiều công trình nghiên cứu đạt giải cao tại hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia. Điển hình như “Quy trình chẩn đoán bệnh sán lá sinh sản ở vịt và phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt” của Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoại và các cộng sự đạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) năm 2018 - 2019. Đây là quy trình mới, hiện đã được áp dụng tại các tỉnh như: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng… và được Cục Thú y công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, được ứng dụng trên toàn quốc. Hay “Quy trình phát hiện vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây bệnh ở tôm bằng kỹ thuật Realtime PCR” của Tiến sĩ Vũ Khắc Hùng và các cộng sự đạt giải ba hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc.

Bên cạnh đó, đơn vị đã có 9 quy trình phòng trị bệnh được áp dụng vào thực tiễn và 6 sản phẩm vắc xin đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ xin phép lưu hành gồm: Giải độc tố Clostridium Perfringens phòng bệnh viêm ruột hoại tử ở bò, dê cừu; tái tổ hợp độc tố PMT phòng bệnh tụ huyết trùng ở heo; phòng bệnh viêm gan ở vịt; vắc xin Gumboro - Newcastle; vắc xin tam liên (tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả heo); vắc xin tứ liên (tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu và dịch tả heo).

Ngoài ra, hiện nay, phân viện đã nghiên cứu thành công và chuyển giao kết quả cho cơ sở sản xuất của phân viện 4 loại vắc xin gồm: Phòng bệnh phù đầu heo do vi khuẩn E.coli gây ra; vắc xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu heo; MycoI.Vac phòng bệnh viêm phổi do Mycoplasma hyopneumoniae gây ra ở heo; vắc xin kép vô hoạt phù đầu và phó thương hàn heo.

 Các kỹ thuật viên thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Các kỹ thuật viên thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Đào tạo gắn với kinh doanh

Ngoài nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phân viện còn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nuôi, các loài thủy sản tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong thú y, chăn nuôi, thủy sản và xử lý môi trường; tham gia đào tạo nguồn nhân lực về thú y… Phân viện đã phối hợp với Trường Đại học Thái Nguyên tổ chức 2 khóa đào tạo Trung cấp Thú y (hệ tại chức) cho 71 học viên; hướng dẫn nhiều sinh viên làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ và đã có 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Mặt khác, phân viện đã và đang hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng ở các nước tiên tiến như: Mỹ, Bỉ, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Ý... đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu sản xuất các loại vắc xin mới. Hiện phân viện có cơ sở vật chất khang trang, được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại dành cho các bộ môn nghiên cứu, phòng chuyên môn, khu chẩn đoán bệnh động vật. Hệ thống phòng thí nghiệm được quản lý hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế và được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chỉ định là Phòng thử nghiệm ngành NN-PTNT. Năm 2016, phân viện đưa vào sử dụng cơ sở sản xuất vắc xin hiện đại với diện tích 2.100m2, đạt yêu cầu “Thực hành tốt sản xuất thuốc” của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO).

Với mục tiêu gắn nhiệm vụ nghiên cứu với sản xuất kinh doanh, hiện có 19 sản phẩm vắc xin, sinh phẩm thú y do phân viện sản xuất đã có mặt hầu khắp các vùng, miền trên cả nước, được người chăn nuôi tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch bệnh và tạo thuận lợi cho người chăn nuôi; trong đó có 3 sản phẩm vắc xin đạt giải Bông lúa vàng Việt Nam. Hàng năm, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của phân viện đạt hơn 70 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 4,1 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được, từ năm 2015 - 2019, phân viện đều đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh… Năm 2017, phân viện vinh dự là 1 trong 15 doanh nghiệp trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ trao Giải vàng chất lượng Quốc gia; 2 công trình được công bố trong cuốn sách vàng Sáng tạo Việt Nam…

Cẩm Vân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202009/tien-toi-dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-khanh-hoa-lan-thu-v-giai-doan-2020-2025-phan-vien-thu-y-mien-trung-nhieu-san-pham-co-ich-cho-xa-hoi-8182600/