Phan Văn Vĩnh kháng cáo, Nguyễn Văn Dương chấp nhận mọi mức án

Một ngày sau khi TAND tỉnh Phú Thọ tuyên mức án 9 năm tù giam về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' đối với cựu Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh, luật sư của ông Vĩnh cho biết thân chủ của bà sẽ kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.

Phan Văn Vĩnh sẽ kháng cáo

Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang – một trong những luật sư bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh – cho biết, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát sẽ có đơn kháng cáo. Luật sư Trang còn cho biết ông Vĩnh sẽ nộp đơn kháng cáo vào ngày cuối cùng của thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày TAND tỉnh Phú Thọ tuyên bản án sơ thẩm.

So với mức án do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ đề nghị, bản án sơ thẩm do Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên đối với hai bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là cao hơn đáng kể.

Hai cựu tướng Công an cùng phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khung hình phạt đối với tội danh này là từ 5-10 năm tù theo điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017.

Theo đó, Phan Văn Vĩnh bị tuyên 9 năm tù (Viện Kiểm sát đề nghị từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù). Nguyễn Thanh Hóa bị tuyên mức án kịch khung 10 năm tù (trước đó Viện Kiểm sát đề nghị từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù).

Nguyễn Văn Dương chấp nhận mọi mức án

Trong khi đó, mức án được tuyên đối với hai bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương lại thấp hơn đáng kể so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát.

Nguyễn Văn Dương bị tuyên 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 5 năm tù về tội Rửa tiền (trước đó Viện Kiểm sát đề nghị tuyên 8-9 năm tù đối với tội Tổ chức đánh bạc, 3-4 năm tù đối với tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt chung từ 11-13 năm tù).

Theo Luật sư Trần Hồng Phúc (Luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Dương), mức Nguyễn Văn Dương có phần khiêm khắc trong tổng quan vụ án này. Đó là mức án có sự phân biệt và cách biệt hoàn toàn với nhiều bị cáo cùng hành vi, cùng tội danh trong vụ án. So với các vụ án khác xét xử về tội Tổ chức đánh bạc và Rửa riền thì mức án này càng thể hiện tính chất răn đe, phòng ngừa chung.

Ngay sau khi tuyên án, Nguyễn Văn Dương đã có đơn gửi Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ khẳng định không kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.

Điều này không bất ngờ bởi trong quá trình xét xử, sau khi Nguyễn Thanh Hóa nói rằng Nguyễn Văn Dương đã “ngộ nhận” CNC là công ty bình phong của Cục C50, Nguyễn Văn Dương đã có ý kiến đề nghị HĐXX coi CNC “như một doanh nghiệp bình thường như bao doanh nghiệp khác”.

Cho dù điều đó sẽ gây bất lợi cho Dương, nhưng bị cáo khẳng định luôn trước tòa sẽ chấp nhận mọi mức án và sẽ không kháng cáo. Như vậy, Nguyễn Văn Dương đã chứng minh tuyên bố của mình ngay sau khi HĐXX tuyên bản án sơ thẩm.

Trước tòa, Dương đã xin nhận thay và chịu toàn bộ trách nhiệm về hành vi phạm tội của các cán bộ, nhân viên công ty CNC. Bản thân Dương nhận thấy hậu quả xã hội quá nặng nề đối với uy tín của ngành công an nên bị cáo cũng cảm thấy có lỗi rất lớn với ngành Công an qua vụ án này.

Cùng đồng phạm với Nguyễn Văn Dương trong cả hai tội danh, Phan Sào Nam bị tuyên 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền, tổng hợp cả hai tội danh là 5 năm tù (trước đó Viện Kiểm sát đề nghị 3-4 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc; 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hợp hai tội danh từ 6-7 năm tù).

Luật sư Giang Hồng Thanh (luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam) cho rằng bản án dành cho Phan Sào Nam là phù hợp. Bản thân Nam luôn có gắng thành khẩn đến mức tối đa để mong nhận được sự khoan hồng.

“Qua bản án này, bản thân luật sư cũng nghĩ rằng Nam đã nhận thấy được sự khoan hồng và sự nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với những người biết thành khẩn, biết thừa nhận sai phạm của mình và nộp lại tất cả những tài sản thu lời bất chính”, luật sư Giang Hồng Thanh nói.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phan-van-vinh-khang-cao-nguyen-van-duong-chap-nhan-moi-muc-an-post283613.info