Phản ứng sau tiêm chủng, khi nào cần đưa trẻ đi cấp cứu?

Theo dõi phát hiện các phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ rất quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả phòng bệnh cao. Cấp cứu kịp thời giúp trẻ tránh gặp những tình huống xấu có thể xảy ra.

Ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở độ tuổi chưa đủ ngôn ngữ để biểu đạt các mong muốn, nhu cầu cá nhân, việc theo dõi và chăm sóc trẻ 24h sau tiêm, hay còn gọi là theo dõi phát hiện các phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ rất quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả phòng bệnh cao.

Phản ứng thông thường sau tiêm chủng là các biểu hiện nhẹ và có thể tự khỏi, thường xảy ra sau khi sử dụng vắc-xin, bao gồm các triệu chứng tại chỗ như: Mẩn ngứa, đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm; triệu chứng toàn thân như sốt dưới 39 độ C và một số triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn).

Thế nhưng, nếu trẻ có các phản ứng nặng sau khi tiêm vắc-xin, cần đưa đi cấp cứu lập tức.

Các dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu sau tiêm chủng

Sốc phản vệ sau tiêm chủng

Ở trẻ em, sốc phản vệ sau tiêm chủng là phản ứng nguy hiểm nhất sau khi tiêm vắc-xin, có nguy cơ gây tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Biểu hiện của sốc phản vệ sau tiêm chủng là cơn suy tuần hoàn cấp với các triệu chứng: tụt huyết áp, mệt nhiều, lừ đừ, lạnh tay chân, thanh quản có biểu hiện phù nề, khó thở cấp tính, huyết áp bị tụt hoặc kẹt, bị khó thở, co thắt thanh quản, co rút cơ thành bụng hay tiêu chảy, da xanh.

Khi thấy trẻ có phản ứng sốc phản vệ sau tiêm chủng, cần đưa bé đi cấp cứu ngay lập tức. Ảnh minh họa.

Khi thấy trẻ có phản ứng sốc phản vệ sau tiêm chủng, cần đưa bé đi cấp cứu ngay lập tức. Ảnh minh họa.

Sốt cao

Sốt cao trên 38,5 độ C. Sốt cao có thể gặp sau tiêm bất cứ một loại vắc-xin nào. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C phải cho trẻ dung thuốc hạ sốt. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc hạ sốt có thể sử dụng phù hợp cho trẻ em, trong đó các thuốc có chứa dược chất Paracetamol là thông dụng và an toàn nhất. Sau khi dùng thuốc hạ sốt 1 giờ nếu nhiệt độ không hạ phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Co giật

Thường là những cơn co giật toàn thân không kèm theo dấu hiệu và triệu chứng tại chỗ, có thể có sốt hoặc không. Có khoảng 0,6% trẻ sau khi tiêm phòng ho gà sẽ có biểu hiện sốt cao kèm theo co giật và phần lớn những bé này đều có tiền sử co giật, động kinh. Thông thường, những bé bị động kinh thường được xếp vào danh sách "chống chỉ định" tiêm phòng ho gà.

Mời độc giả theo dõi video "Hậu quả khôn lường khi trẻ nghiện game online". Nguồn: VTV24.

Khóc thét kéo dài, kích thích

Triệu chứng này thường gặp ở khoảng 3% trẻ em từ 3 - 6 tháng tuổi sau khi tiêm vắc- xin có biểu hiện rên la, quấy khóc. Các triệu chứng này thường dịu đi sau 1 ngày. Trong trường hợp trẻ quấy khóc kéo dài hơn 3 giờ liền cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất và có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thuốc đến thần kinh và hầu hết những trường hợp này sẽ không gây biến chứng nguy hiểm.

Phản ứng quá mẫn cấp tính

Thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm chủng với một hoặc nhiều triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản, phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp phản ứng nặng cần cho người bệnh thở oxy và xử trí tương tự sốc phản vệ.

Thảo Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/phan-ung-sau-tiem-chung-khi-nao-can-dua-tre-di-cap-cuu-1447417.html