Phản ứng quốc tế về đảo chính quân sự ở Sudan

Ngày 11/4, nguồn tin ngoại giao cho biết, Mỹ và 5 nước châu Âu đã hối thúc Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề Sudan, sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống nước này Omar al-Bashir.

Cụ thể, 5 thành viên Liên minh châu Âu ở HĐBA gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan đã cùng với Mỹ đưa ra đề xuất trên. Phiên họp kín này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/4 theo giờ Mỹ.

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Sudan tiến hành chuyển giao quyền lực một cách dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị quân đội phế truất.

Người Phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết ông Guterres kêu gọi các bên liên quan “hãy bình tĩnh và hết sức kiềm chế”.

Tổng Thư ký LHQ mong đợi nguyện vọng dân chủ của người dân Sudan sẽ được đáp ứng trong quá trình chuyển giao chế độ.

Cùng ngày, Liên minh châu Phi (AU) cũng lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính tại Sudan lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki khẳng định, việc quân đội tiếp quản chính quyền không phải là cách phản ứng phù hợp với những thách thức mà Sudan đang đối mặt cũng như nguyện vọng của người dân. Ông Faki cho biết, Hội đồng hòa bình và an ninh của AU sẽ nhanh chóng họp để xem xét tình hình và đưa ra các quyết định phù hợp.

Ông Faki kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế tối đa và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân, công dân nước ngoài và tài sản tư nhân, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Người đứng đầu Ủy ban AU cũng đề nghị sớm tổ chức một cuộc đối thoại toàn diện để tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan về dân chủ, một nền quản trị tốt và khôi phục trật tự của Hiến pháp.

Tổng thống Sudan đã chính thức chấm dứt 30 năm cầm quyền trong cuộc đạo chính quân sự này 11/4. (Nguồn: EPA)

Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cùng ngày đã đề nghị Sudan giao Tổng thống bị phế truất Omar al-Bashir cho Tòa án hình sự quốc tế (ICC). AI cũng kêu gọi lãnh đạo quân đội Sudan đảm bảo các quyền tự do dân sự dù một loạt các lệnh giới nghiêm khẩn cấp được áp đặt tại nước này.

Ông Kumi Naidoo, Tổng Thư ký của AI cho biết, Tổng thống Bashir bị truy nã vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Việc bàn giao ông Bashir cho ICC sẽ chứng tỏ cho các nạn nhân thấy rằng, công lý đã được thực thi.

Theo ông Naidoo, Hội đồng chuyển tiếp cần đảm bảo thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để tạo điều kiện chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại quốc gia này, trong đó có tôn trọng quyền tự do ngôn luận.

Cũng trong ngày 11/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng kêu gọi hòa giải dân tộc và thực hiện quá trình chuyển giao hòa bình tại Sudan, sau khi Tổng thống nước này Omar al-Bashir bị quân đội phế truất.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Ankara, ông Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ và Sudan có mối quan hệ sâu sắc và Ankara muốn duy trì điều đó.

Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn Sudan sẽ vượt qua giai đoạn này trên nền tảng hòa giải dân tộc và hòa bình, đồng thời tin tưởng Sudan sẽ bắt đầu hướng tới tiến trình dân chủ bình thường.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan, ông Awad Ibnouf trước đó đã tuyên bố Tổng thống Bashir đã bị bắt giữ và một hội đồng quân sự lâm thời sẽ thay ông điều hành đất nước trong 2 năm.

Trong khi đó, người dân Sudan quyết tâm tiếp tục biểu tình phản đối việc lật đổ chế độ của quân đội.

Ông Bashir trở thành tổng thống sau cuộc đảo chính năm 1989 và là một trong những tổng thống nắm quyền lâu nhất ở Châu Phi. Ông bị Tòa Án Quốc tế truy nã vì bị kết án gây tội ác chiến tranh và diệt chủng.

(theo Aljazeera, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phan-ung-quoc-te-ve-dao-chinh-quan-su-o-sudan-91790.html