Phản ứng của Việt Nam về việc máy bay do thám Trung Quốc xuất hiện ở Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời về việc hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay do thám Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (14/5), trao đổi với PV Vietnamnet, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Mọi hoạt động của các bên tại 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông", người phát ngôn nhấn mạnh.

Hình ảnh vệ tinh về các máy bay do thám KJ-500, KQ-200 và trực thăng Z-8 Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. - Ảnh: ISI

Hình ảnh vệ tinh về các máy bay do thám KJ-500, KQ-200 và trực thăng Z-8 Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. - Ảnh: ISI

Như Zing.vn đã đưa tin, trước đó, ngày 13/5, hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel công bố ảnh chụp đề ngày 9/5 cho thấy các máy bay do thám KJ-500 và KQ-200, cùng một trực thăng Z-8, ở Đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

ISI cho biết các máy bay này, thuộc loại thu thập tình báo, giám sát và do thám (ISR), được đưa ra khỏi kho chứa và đậu ở bên ngoài “trong kế hoạch tăng sự sẵn sàng của Trung Quốc, có thể do hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực”.

ISI cũng nhận định “sự xuất hiện liên tiếp của những máy bay này, được ISI phát hiện và công bố ngày 20/4, ở Đá Chữ thập cho thấy nơi này đang được Trung Quốc dùng làm căn cứ cho hoạt động do thám máy bay trong khu vực”.

Về thông tin tàu dân binh và tàu cá của Trung Quốc đang tập trung tại Đá Ba Đầu, Én Đất với số lượng lớn, người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng, hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình an ninh và ổn định tại Biển Đông”.

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/phan-ung-cua-viet-nam-ve-viec-may-bay-do-tham-trung-quoc-xuat-hien-o-truong-sa-172108.html