Phản ứng của Trung Quốc khi Nhật mua tên lửa tàng hình

Sau khi cả Nhật và nhà sản xuất Kongsberg xác nhận về thương vụ tên lửa JSM, truyền thông Trung Quốc đã có bình luận về quyết định mua sắm của Tokyo.

Trang Defence-blog dẫn tuyên bố của Công ty Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy đã xác nhận việc bán tên lửa JSM cho phi đội máy bay chiến đấu F-35 của Nhật Bản. Cụ thể, Kongsberg đã ký hợp đồng với Nhật Bản để cung cấp các tên lửa JSM.

"Đây là một bước đột phá quốc tế quan trọng thể hiện tầm cao mới của sự hợp tác giữa chính quyền Na Uy, Cơ sở Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy và ngành công nghiệp Na Uy với khách hàng", CEO của KONGSBERG Geir Haoy cho biết.

Tên lửa JSM tấn công mục tiêu.

Tên lửa JSM tấn công mục tiêu.

Trong khi đó, đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, cùng với việc mua JSM có tầm bắn tối đa lên tới 500km để trang bị cho máy bay chiến đấu F35A, nước này còn tiếp tục tăng cường sức tấn công đường không bằng việc mua tên lửa tầm xa LRASM do Mỹ chế tạo với tầm bắn 900km trang bị cho phi đội F-15J.

Phản ứng với việc Nhật chính thức mua tên lửa JSM, hãng Tân Hoa xã đã bày tỏ những quan ngại rằng những bước đi của Tokyo sẽ trái ngược với Hiến pháp hòa bình và làm đảo lộn trật tự thế giới thời hậu chiến.

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2019, với mức chi tiêu quốc phòng tăng cao chưa từng có tiền lệ, lên đến 45,93 tỷ USD, tăng năm thứ sáu liên tiếp dưới thời chính quyền Thủ tướng Abe.

Theo kế hoạch, số ngân sách này được dùng để mua sắm trang thiết bị quân sự hiện đại, gồm chiến đấu cơ F-35A, V-22 Ospreys, hệ thống tên lửa đánh chặn thế hệ mới SM- 3 Block 2A do Nhật Bản và Mỹ hợp tác sản xuất, tên lửa tàng hình JSM do Na Uy sản xuất với tầm bắn khoảng 500km.

Giới chức quốc phòng cho biết Nhật Bản cũng quyết định triển khai 2 hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis do Mỹ sản xuất, với giá khoảng 885 triệu USD mỗi hệ thống.

Ngoài ra, thông tấn Trung Quốc bày tỏ quan ngại đặc biệt với việc Nhật Bản nâng cấp tàu khu trục Izumo thành tàu sân bay, nâng cao đáng kể năng lực tấn công của nước này.

Hãng tin Trung Quốc dẫn lời giới quan sát cho rằng khoản ngân sách khổng lồ cũng như việc gia tăng số lượng vũ khí hiện đại nhất đã vượt quá nhu cầu của một nước chỉ duy trì lực lượng quân sự ở mức có khả năng phòng vệ theo quy định của Hiến pháp và đảo lộn trật tự thế giới.

Clip tên lửa JSM phá hủy mục tiêu

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/phan-ung-cua-trung-quoc-khi-nhat-mua-ten-lua-tang-hinh-3376156/