Phản ứng của người dân khi Hà Nội thành lập tổ săn bắt chó thả rông

Phần lớn người dân Hà Nội khi được hỏi về việc thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông họ đều ủng hộ. Tuy nhiên, một số ý kiến góp ý phải có kế hoạch rõ ràng để tránh những đối tượng xấu lợi dụng.

Người dân cho rằng việc bắt chó thả rông cần phải làm thường xuyên để tránh tình trạng gây dại, nguy hiểm cho mọi người.

Lo ngại bị lợi dụng

Trước việc UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt việc thành lập đội săn bắt chó thả rông theo đề xuất của Chi cục Thú y Hà Nội nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này. Trong đó, có nhiều ý kiến hoàn toàn ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải đưa ra kế hoạch rõ ràng để tránh bị lợi dụng.

Anh Nam (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) nói, chủ trương này là hoàn toàn cần thiết. Việc chó thả rông ra ngoài đường, không rọ mõm vô cùng nguy hiểm cho người dân nhất là trẻ nhỏ khi bị chó cắn.

Theo anh Nam việc làm này là hoàn toàn cần thiết tuy nhiên cần phải thực hiện lâu dài. Ngoài mong muốn chủ trương này áp dụng rộng rãi cả toàn thành phố thì anh Nam mong người nuôi chó cũng cần có ý thức hơn.

Anh Nam ủng hộ việc thành lập tổ bắt chó thả rông.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng (ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho rằng, việc lập tổ công tác để bắt chó thả rông là một chủ trương tốt, cần phải nhân rộng. Tuy nhiên, quá trình triển khai phải có kế hoạch rõ ràng, cần phải có sự phân biệt nếu không dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

“Có thể công khai đồng phục, có công an đi kèm nếu cần thiết để tránh những trường hợp kẻ trộm cũng hoạt động mà người dân không phân biệt tổ công tác”, chị Hằng nói.

Chó cắn chết người, chủ chó có thể bị phạt tù đến 5 năm?

Luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết theo Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày ngày 09.01.2007 về phòng, chống bệnh dại ở động vật, chủ nuôi chó khi đưa cho ra ngoài nơi cộng cộng phải rọ mõm chó. Trên thực tế có nhiều trường hợp người dân bị chó cắn gây thiệt hại đến sức khỏe, tiền bạc và không ít trường hợp còn nguy hiểm đến cả tính mạng.

Còn luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31.5.2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quy định: Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn khá phổ biến.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Người nào vi phạm quy định trên có thể bị xử lý theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Tuy nhiên có thể thấy, Nghị định có hiệu lực đã gần 01 năm nhưng tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn khá phổ biến.

Theo Luật sư Thanh, trong trường hợp chó không bị rọ mõm cắn người khác ở nơi công cộng, nơi đông người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe (với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên) thì chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 BLHS 2017 với hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra chủ chó còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo Điều 603 Bộ luật dân sự quy định về "Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra".

QUỐC SANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/phan-ung-cua-nguoi-dan-khi-ha-noi-thanh-lap-to-san-bat-cho-tha-rong-644433.ldo