Phản ứng của các nước khi Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông

Thế giới lập tức có những phản ứng 'trái chiều' trước Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà Mỹ chính thức công bố ngày 28/1 (giờ địa phương).

Ngày 28/1 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà ông gọi là “đề xuất chi tiết và thực tế nhất”, “bước tiến lịch sử”, giúp giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Israel và Palestine. Thế giới lập tức có những phản ứng “trái chiều”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Điểm “gây tranh cãi nhiều nhất” trong mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố đó chính là việc công nhận chủ quyền các khu định cư tại các vùng đất chiếm đóng cho phía Israel. Theo ông, kế hoạch này vẫn tập trung vào giải pháp 2 nhà nước với một số khu vực ở Đông Jerusalem vẫn là thủ đô tương lai của Palestine, song sẽ cần phải vẽ lại đường biên giới tại khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Phản ứng trước kế hoạch này của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi ngày hôm qua là 1 dấu mốc lịch sử quan trọng:

“Chúng tôi sẽ nhớ đến ngày 28/1/2020. Bởi vì vào ngày này, Tổng thống Donald Trump đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu vực ở Judea và Samaria – những nơi có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của chúng tôi và là trung tâm di sản của chúng tôi. Và cũng chính ngày này, Tổng thống Mỹ đã tạo nên một tương lai rực rỡ cho người Israel, người Palestine và khu vực bằng cách đưa ra một con đường thực tế cho một nền hòa bình lâu dài”.

Thủ tướng Israel hy vọng Palestine và các nước Arab nên chấp thuận giải pháp do Mỹ đề ra, đảm bảo 1 Nhà nước Palestine trong tương lai, với các khu vực Đông Jerusalem là thủ đô, chung sống “hòa bình” với Israel.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ngay lập tức bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, khẳng định Jerusalem không phải để bán, các quyền lợi chính đáng của người Palestine không thể đem ra mặc cả:

“Tôi muốn nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu rằng Jerusalem không phải để bán, tất cả các quyền lợi của chúng tôi không phải để bán, không phải để mặc cả. Kế hoạch của bạn, âm mưu này sẽ không thành công”.

Nhiều đảng phái chính trị và người dân Palestine cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch hòa bình của Mỹ, cho rằng đây là 1 tuyên bố “hung hăng”, tao ra sự tức giận cho người dân khu vực; là 1 món quà của 1 kẻ ăn trộm dành cho 1 tên trộm khác.

Còn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thì khẳng định, cơ quan này sẽ đứng ra làm trung gian để giải quyết các bất đồng giữa Israel và Palestine, dựa theo luật pháp quốc tế, các Nghị quyết trước đây và giải pháp 2 Nhà nước dựa trên đường biên giới có trước năm 1967. Đây cũng là quan điểm mà Bộ Ngoại giao Jordan lên tiếng ủng hộ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng đã chỉ trích kế hoạch này của Mỹ, cảnh báo đây là “cơn ác mộng” với khu vực và thế giới. Còn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, kế hoạch là hành động thôn tính, đánh cắp đất đai vốn thuộc về Palestine, giết chết Giải pháp 2 Nhà nước trước đây.

Trong khi, Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi cả Israel và Palestine nên xem xét cẩn thận thỏa thuận hòa bình mà Mỹ vừa công bố, hi vọng 2 bên sớm nối lại đàm phán và duy trì các kênh đối thoại mở. Còn Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thì nhận định, kế hoạch của Mỹ là 1 đề xuất nghiêm túc, đồng thời cũng kêu gọi Israel và Palestine sớm trở lại đàm phán./.

Đình Nam/VOV1 (tổng hợp)
Theo Reuters, Tân Hoa xã

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phan-ung-cua-cac-nuoc-khi-my-cong-bo-ke-hoach-hoa-binh-trung-dong-1004171.vov