Phản ứng chưa công bằng với cô giáo

Vụ việc giáo viên treo học sinh lên cửa số bị cư dân mạng phản ứng có phần không công bằng với cô giáo. Đáng lẽ, chúng ta cần xem một bộ phim từ đầu đến cuối trước khi bình luận nhưng cộng đồng chỉ xem một bức ảnh chụp trong 'bộ phim' (học trò bị cột và treo lên). Họ mạnh mẽ biểu lộ sự phản đối là chưa công bằng và chưa từ tâm với cô giáo cũng như với học sinh khác.

Trên đây là ý kiến của TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE) về vụ việc học sinh 4 tuổi, Trường Mầm non B Trực Đại, huyện Trực Ninh, Nam Định bị giáo viên buộc dây vào áo, “treo” lên cửa sổ.

Theo TS Nam, vụ việc giáo viên treo học sinh lên cửa số bị cư dân mạng phản ứng có phần không công bằng với cô giáo.

Đáng lẽ, chúng ta cần xem một bộ phim từ đầu đến cuối trước khi bình luận nhưng cộng đồng chỉ xem một bức ảnh chụp trong “bộ phim” (học trò bị cột và treo lên). Họ mạnh mẽ biểu lộ sự phản đối là chưa công bằng và chưa từ tâm với cô giáo cũng như với học sinh khác.

TS Trần Thành Nam: "Vụ việc giáo viên treo học sinh lên cửa số bị cư dân mạng phản ứng có phần không công bằng với cô giáo".

TS Nam cho rằng, thử tưởng tượng, “bộ phim” bắt đầu bằng những hành động quậy phá, gây rối toàn bộ lớp học của em học sinh đang có tổn thương về trí tuệ khiến cả lớp không thể học được, giáo viên không thể dạy được.

Giáo viên đã dùng mọi “chiến lược” mình biết để quản lý hành vi nhưng không xong đơn giản vì năng lực trí tuệ của em thấp hơn các bạn cùng trang lứa.

Vì quyền lợi của những học sinh còn lại trong lớp, cô buộc phải giới hạn hành vi của em học sinh này. Cô nghĩ rằng buộc em lại trong tầm mắt sẽ an toàn hơn so với việc để em tự do ra ngoài lớp đồng thời hạn chế được những hành vi gây rối để có thể tiếp tục lớp học.

Bạn cũng có thể hình dung cô giáo trước khi nhận học sinh vào lớp đã lường trước những tình huống khó khăn cho bản thân như thế này, nhưng vì tình yêu thương với em học sinh nên bỏ qua những khó khăn và lời khuyên của đồng nghiệp để nhận học sinh có khuyết tật nhận thức vào lớp.

“Nếu tất cả bối cảnh là như vậy, liệu bạn còn giữ nguyên những bình luận thiên lệch về cô giáo hay không?

Cá nhân tôi tin rằng, cô giáo đã làm hết khả năng trong giới hạn hiểu biết của mình để hoàn thành nhiệm vụ của người giảng viên, vì quyền lợi lớn nhất của số đông học sinh thay vì chỉ tập trung vào một học sinh đặc biệt”, TS Nam chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, chúng ta có thể kỳ vọng cô giáo hành động khác đi nhưng nên nhớ rằng, các giáo viên của chúng ta không có kỹ năng để dạy học sinh hòa nhập.

Tiến sĩ Tùng Lâm: "Việc cho các cháu học hòa nhập phải có điều kiện, không được tùy tiện".

Những lớp có học sinh hòa nhập, thông thường sẽ phải có những giáo viên dạy kèm một - một cho học sinh có vấn đề nhưng trong bối cảnh cụ thể, cô giáo của chúng ta không có điều kiện được hỗ trợ.

Chúng ta bất bình cho một học sinh bị giáo viên buộc lên cửa sổ, chỉ trích người giáo viên đó là có từ tâm, có chữ “nhân”. Tuy nhiên, đó chỉ là chữ nhân nhỏ “tiểu nhân” mà thôi.

“Người giáo viên trong tình huống này vì quyền được học của những học sinh còn lại, vì thực hiện nhiệm vụ của mình, vì muốn đảm bảo sự an toàn của học sinh có khuyết tật trí tuệ bằng cách giữ em trong tầm mắt của mình đã quyết định hành động như vậy.

Hành động này dẫu không được hoàn hảo trong đánh giá của người khác nhưng bắt nguồn từ lòng từ tâm và chữ “đại nhân”.

Và tôi cũng mong có chữ “đại nhân” trong những lời bình luận về tình huống này, ở những người đang đóng vai trò phản biện xã hội, để người giáo viên nhận được những góp ý chân thành, công bằng và sáng suốt”, TS Nam mong muốn.

Hình ảnh cháu bé bị buộc dây treo lên cửa sổ

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội cho rằng, sở dĩ sự việc xảy ra như vậy, là do nhà trường và giáo viên còn quá thiếu kĩ năng.

Theo TS Tùng Lâm, việc cho các cháu học hòa nhập phải có điều kiện, không được tùy tiện.

Thứ nhất, tốt nhất cần có giáo viên chuyên biệt. Nếu không, giáo viên bình thường thì cần được huấn luyện các kĩ năng sơ bộ để biết cách xử lý.

Đối với những trẻ được hòa nhập, cũng cần có điều kiện. Sau khi có xử lý chuyên biệt, mới đưa trẻ đó vào hòa nhâp. “Việc đưa tất cả các trẻ này vào học hòa nhập ngay lập tức là không đúng, nhất hòa nhập đại trà lại càng không được”, TS Lâm khẳng định.

Cũng theo thầy giáo này, chẳng hạn, có thể đưa trẻ chuyên biệt đến chơi với các bạn bình thường một lát rồi thôi. Khi các cháu đã phát triển ở mức độ nào đó, mới đưa trẻ vào hòa nhập cùng các bạn, không thể “thả nổi” như vậy.

Câu chuyện ở Nam Định vừa qua, nhà trường làm chưa khoa học, bắt giáo viên tùy tiện dạy học sinh chuyên biệt là chưa đúng. Một khi đã nhận, nhà trường phải biết cách dạy các cháu.

“Tôi thấy điều đáng trách ở đây, nhà trường chưa báo cáo đến cơ quan cấp cao hơn về việc trường mình có trẻ chuyên biệt. Để sau đó, Phòng Giáo dục địa phương có cách thức hướng dẫn các trường làm. Nếu không, phải huy động xã hội hóa để thành lập các nhóm trẻ chuyên biệt.

Trong tình huống này, giáo viên và nhà trường đều chưa hiểu rõ tính quan trọng của vấn đề, nên xử sự tình huống khi “bí” (do cháu có biểu hiện phá phách) chưa đúng. Vì thế theo tôi, cũng nên thông cảm cho các cô, bởi nguyên nhân là do thiếu kinh nghiệm chứ không phải ác ý”, TS Lâm nói.

Một điều mà chuyên gia tâm lý này cũng đặt ra, hiện ở các địa phương còn rất thiếu các lớp học, hoặc thiếu giáo viên cho trẻ chuyên biệt. Do đó việc này, cũng là bài học để các nhà trường có cách thức phù hợp

Theo dantri

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/phan-ung-chua-cong-bang-voi-co-giao-3967322-l.html