Phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Qua thảo luận, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đã đạt được của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; nhấn mạnh đó là thành quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để tiếp tục duy trì những thành tựu nói trên và bảo đảm tính bền vững của phát triển kinh tế, các ý kiến đề nghị phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho những năm sau; đánh giá thực trạng, tác động của khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế; phân tích tổng thu nhập quốc gia để có đánh giá đầy đủ về nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ hơn các yếu tố tác động tới tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc tăng; có nhận định cụ thể về yếu tố mặt hàng đóng góp tích cực vào xuất khẩu…

Về bối cảnh thế giới và khu vực, năm 2020 được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, đây là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương các cấp vào năm 2021. Do đó, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các mục tiêu tổng quát; một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về y tế, giáo dục-đào tạo, nội dung về triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Góp ý vào những nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, thời gian gần đây, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và có nhiều khó khăn, song kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tích cực là điều hết sức đáng mừng.

Để duy trì đà phát triển kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, cơ quan chuyên môn cần phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực tế trên thế giới, từ đó phát huy nội lực cũng như ý chí, khát vọng của người Việt Nam. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội; có chủ trương, giải pháp cụ thể kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường có diễn biến xấu, gây nguy hại cho sức khỏe hiện nay; đồng thời, thực hiện nghiêm túc, phát huy hơn nữa hiệu quả, hiệu lực những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải lại quan tâm đến đạo đức, văn hóa xã hội, nhấn mạnh đây chính là “của để dành” của bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra cho thấy tình hình đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần có đánh giá nghiêm túc, sâu sắc về vấn đề này để giúp cho xã hội phát triển tốt, bền vững hơn.

Để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong năm tới, các bộ, ngành cần cụ thể hóa những giải pháp nhằm tìm ra phương hướng phát triển, trong đó xử lý tốt tình trạng thuế còn tồn đọng nhằm làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Đồng thời, phải tận dụng những cơ hội mang lại từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, ký kết; chủ động ứng phó với rủi ro, thách thức khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Kết luận buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, những năm gần đây, tình hình thế giới tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nên năm 2019, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả quan trọng, thu nhập bình quân tăng, tín nhiệm tài chính trên thế giới được nâng lên rõ rệt; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên, quốc phòng, an ninh được bảo đảm...

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với những tồn tại, hạn chế mà Chính phủ đã nêu. Đó là, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến nhưng chưa thực sự mạnh mẽ; công tác xóa đói, giảm nghèo chưa được giải quyết căn cơ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tình hình an ninh trật tự vẫn diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương...

Để giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu các bộ, ngành cần khắc phục tình trạng chậm trễ trong khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước; có giải pháp chống thất thu, tránh làm mất vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; thực hiện tốt những chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo đảm nguồn kinh phí dự phòng, đưa tình hình thu chi ngân sách đi vào nền nếp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng cường dự báo, cảnh báo sớm; tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, điều chỉnh chính sách đầu tư phù hợp để tận dụng cơ hội từ các hiệp định này...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/phan-tich-ro-dong-luc-chat-luong-cua-tang-truong-597368