Phân tích những nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thực hành trách nhiệm xã hội

ThS. Nguyễn Minh Cảnh (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ)

Tóm tắt:

Nghiên cứu phân tích những nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thực hành trách nhiệm xã hội. Tác giả đã tiến hành sử dụng số liệu thu thập từ 120 DN kết hợp với mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy tương quan. Kết quả cho thấy, có 3 nhân tố thúc đẩy bao gồm: Hiệu quả kinh tế, chính sách pháp luật và đạo đức kinh doanh. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các hàm ý làm cơ sở cho các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách thúc đẩy DN thực hiện CSR trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Từ khóa: Nhân tố thúc đẩy trách nhiệm xã hội, phân tích nhân tố khám phá, doanh nghiệp.

1. Giới thiệu

Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp là một chủ đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm bởi các nhà nghiên cứu khoa học, các DN, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu ý thức CSR của một số DN đã gây hậu quả nặng nề cho môi trường tự nhiên, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội (Nguyen & Luu, 2008). Ví dụ điển hình là Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh mỗi ngày bơm hàng ngàn mét khối nước thải xuống sông Ðồng Nai.

Trong khi đó, người tiêu dùng và các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, lợi ích cộng đồng, quyền lợi của người lao động. Những DN không thực hiện CSR có thể sẽ không còn cơ hội để tiếp cận thị trường (Chau & Nguyen, 2013). Đồng thời, việc gỡ bỏ các hàng rào thuế quan hay luật môi trường, luật lao động được ban hành và sửa đổi đã khiến các DN phải thực hiện nghĩa vụ một cách nghiêm túc và đầy đủ. Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề CSR một cách đúng mức. Việc thực hành CSR vừa mang lại lợi ích cho DN, vừa mang lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt là còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, của quốc gia và hỗ trợ thực hiện tốt hơn pháp luật lao động và luật môi trường. Do đó, giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp thực hành CSR là một vấn đề cấp thiết cần được quan tâm và tìm hiểu.

Đã có các nghiên cứu với nhiều hướng tiếp cận khác nhau đi sâu vào phân tích và tìm ra động thực để các DN tham gia vào các hoạt động liên quan đến CSR, như: Nghiên cứu của Solomon & Lewis (2002); Graaftland & Ven (2006); Mankelow & Quazi (2007); Minoja & Zollo (2012); Clappison (2012). Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu tập trung làm rõ động lực thực hiện CSR của các DN ở nước ngoài. Ở Việt Nam, chỉ có nghiên cứu của Chau & Nguyen (2013) đã phân tích các nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thành phố Cần Thơ thực hành CSR.

Bài viết nhằm phân tích động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thực hiện các hoạt động liên quan đến CSR. Trên cơ sở đó, đề xuất các hàm ý làm cơ sở cho các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách thúc đẩy DN thực hiện CSR.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Bài viết dựa trên cấu trúc kim tự tháp của Caroll (2009) để làm cơ sở đưa ra mô hình các nhân tố cơ bản thúc đẩy hoạt động CSR của các DN. Mô hình này đưa ra 4 trách nhiệm cơ bản, bao gồm:

Trách nhiệm kinh tế - tối đa hóa lợi nhuận, cạnh tranh, hiệu quả và tăng trưởng là điều kiện tiên quyết bởi DN được thành lập trước hết từ động cơ tìm kiếm lợi nhuận của doanh nhân;

Trách nhiệm pháp luật - chính là sự cam kết của DN với xã hội. Các doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ pháp luật một cách công bằng và đáp ứng được các chuẩn mực cũng như giá trị cơ bản mà xã hội mong đợi;

Trách nhiệm đạo đức - tuân thủ những quy tắc, giá trị được xã hội chấp nhận nhưng chưa được đưa vào văn bản luật;

Trách nhiệm từ thiện - những hành vi của doanh nghiệp vượt ra ngoài sự trông đợi của xã hội, như: Quyên góp ủng hộ người khó khăn, tài trợ học bổng, đóng góp cho các dự án cộng đồng.

Đo lường các nhân tố thúc đẩy CSR: Dựa trên cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu về nhân tố thúc đẩy các DN thực hành CSR, nghiên cứu đo lường các nhân tố thúc đẩy 4 trách nhiệm cơ bản của CSR như sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Các biến đưa vào mô hình nghiên cứu và nhóm tác giả

Hình 1 : Mô hình nghiên cứu

Đo lường biến phụ thuộc: Nghiên cứu dựa trên lý thuyết của Sweeney (2006) để đo lường CSR. Theo đó, CSR của doanh nghiệp thể hiện qua các hoạt động CSR đối với các bên có liên quan: Khách hàng, nhân viên, môi trường, cộng đồng. CSR của DN được đo lường thông qua mức độ thực hiện các hoạt động đối với các đối tượng sau:

(1) Khách hàng: Cung cấp sản phẩm chất lượng, quan hệ tốt với khách hàng, trách nhiệm sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm;

(2) Nhân viên: Chăm lo y tế, phúc lợi, lương, thưởng, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, đào tạo;

(3) Nhà cung ứng: Lựa chọn nhà cung ứng công bằng, thanh toán đúng hạn;

(4) Môi trường: Quản lý chất thải, tiết kiệm điện, nước, tiết kiệm bao bì, sản phẩm tái chế;

(5) Cộng đồng: Hoạt động từ thiện, giúp đỡ trẻ em mồ côi, gia đình nghèo, thiên tai.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu định tính: Thông qua phương pháp phỏng vấn chuyên gia, đề tài tiến hành phỏng vấn 10 chuyên gia là quản lý của các DN điển hình trong thực hành trách nhiệm xã hội ở Vĩnh Long. Phương pháp này nhằm đánh giá và điều chỉnh thang đo trong mô hình nghiên cứu sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Phương pháp nghiên cứu định lượng: Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 23.0 để tiến hành các phương pháp phân tích số liệu như sau:

- Kiểm định độ tin cậy của thang đo: Hệ số Cronbach’s Alpha được sử dụng để kiểm tra độ tin cậy thang đo của các biến trong mô hình. Những yếu tố không đảm bảo sẽ bị loại ra khỏi tập dữ liệu.

- Phương pháp phân tích nhân tố khám phá và hồi quy tương quan: Kiểm định KMO và Bartlett dùng để kiểm tra mối quan hệ tương quan giữa các biến và sự phù hợp của mô hình phân tích nhân tố. Tiến hành phân tích để gom nhóm các yếu tố có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Sau khi gom, tiến hành phân tích hồi quy tương quan để xác định chiều hướng và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố.

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập trực tiếp thông qua bảng câu hỏi soạn sẵn và tiến hành phỏng vấn trực tiếp quản lý doanh nghiệp theo phương pháp chọn mẫu phân tầng theo 3 khu vực kinh tế: 38% thuộc khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 27% thuộc khu vực công nghiệp, 55% thuộc khu vực xây dựng và tiểu thủ công nghiệp; thương mại và dịch vụ. Tổng số quan sát trong mẫu nghiên cứu là 120 DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 mức độ để đo lường các biến trong mô hình. Trong đó, quản lý của DN sẽ đánh giá mức độ quan trọng của các nhân tố thúc đẩy DN thực hành CSR từ 1 (Rất không quan trọng) đến 5 (Rất quan trọng).

4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Trước khi đưa vào phân tích nhân tố, cần kiểm định độ tin cậy của thang đo các biến này. Kết quả cho thấy, thang đo của các nhân tố trong mô hình nghiên cứu đều đảm bảo độ tin cậy với hệ số Cronbach’s Alpha đều > 0,7, thỏa mãn điều kiện và có thể đưa vào mô hình phân tích nhân tố (Nunnally & Burnstein, 1994). Tuy nhiên, có 3 biến TT2, TT4, TT5 chưa thỏa điều kiện hệ số tương quan biến tổng > hoặc = 0,3 nên bị loại khỏi mô hình. (Bảng 2)

Bảng 2. Độ tin cậy của thang đo

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả

4.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá

Theo Hair & cộng sự (2006), nếu 0,5 < KMO < 1 thì mô hình phân tích nhân tố là thích hợp và kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê (Sig. < 0,05) các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Kết quả phân tích cho thấy, KMO = 0,751 nên phân tích nhân tố là thích hợp. Kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê (Sig. = 0,00) nên các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. (Bảng 3)

Kết quả cho thấy, 4 nhân tố có Eigenvalues (lượng biến thiên được giải thích bởi nhân tố) > 1 được rút trích từ 18 biến đưa vào mô hình. Eigenvalues cumulative % (phương sai trích) có giá trị bằng 62,61 giúp giải thích được 62,61% biến thiên của dữ liệu (Gerbing & Anderson, 1988).

Bảng 3. Kết quả phân tích nhân tố khám phá

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả

Kết quả cho thấy, việc thực hiện CSR của các doanh nghiệp ở Vĩnh Long được thúc đẩy bởi 4 nhân tố: Hiệu quả kinh tế, chính sách pháp luật, đạo đức kinh doanh và từ thiện.

4.3. Kết quả phân tích hồi quy tương quan

Bảng 4 cho thấy, mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, vì yếu tố phóng đại phương sai của các biến (VIF) đều < 2 và không có hiện tượng tự tương quan vì hệ số Durbin-Watson của mô hình thỏa điều kiện: 1,5 < D < 2,5. Kết quả phân tích ANOVA (Sig. F = 0,00) cho thấy, mô hình hồi quy có ý nghĩa và có ít nhất một biến độc lập được đưa vào mô hình ảnh hưởng đến biến phụ thuộc Y, có thể suy rộng ra cho tổng thể. (Bảng 4)

Bảng 4. Kết quả phân tích hồi quy

Ghi chú: *** có ý nghĩa ở mức 1%, ns không có ý nghĩa thống kê.

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả

Kết quả cho thấy, trong các biến đưa vào mô hình thì có 3 biến có ý nghĩa thống kê đó là hiệu quả kinh tế, chính sách pháp luật và đạo đức kinh doanh góp phần thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện CSR. Còn lại, biến từ thiện không có tác động.

Sau khi phân tích, ta có mô hình hồi quy như sau:

Y = 0,410 + 0,244X1 + 0,238X2 + 0,229X3

4.4. Thảo luận kết quả

Biến hiệu quả kinh tế (X1) có ý nghĩa ở mức 1% và có tương quan thuận với động lực thực hiện CSR. Điều này có nghĩa, hiệu quả kinh tế mà CSR đem lại sẽ thúc đẩy DN thực hiện CSR. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp để DN có thể nhận thức được hiệu quả kinh tế mà CSR đem lại. Cũng như có các biện pháp hỗ trợ để giúp DN nâng cao hiệu quả kinh tế khi thực hiện các hoạt động liên quan đến CSR.

Biến chính sách pháp luật (X2) có ý nghĩa ở mức 1% và có tương quan thuận với động lực thực hiện CSR. Điều này cho ta thấy, các quy định của pháp luật, các chính sách và đường lối của Chính phủ có tác động thúc đẩy DN thực hiện CSR. Đây cũng là cơ sở để đưa ra các giải pháp liên quan đến chính sách, quy định hướng dẫn DN thực hiện CSR.

Biến đạo đức kinh doanh (X3) cũng có ý nghĩa ở mức 1% và có tương quan thuận với động lực thực hành CSR của doanh nghiệp ở Vĩnh Long. Điều này cho thấy, việc thực hành CSR cũng xuất phát từ đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp nói riêng cũng như là đạo đức kinh doanh của DN nói chung. Một DN có đạo đức kinh doanh sẽ thúc đẩy họ thực hiện các hoạt động liên quan đến CSR.

5. Kết luận và một số hàm ý

Kết quả nghiên cứu với mẫu 120 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho thấy, ba nhân tố cơ bản thúc đẩy các doanh nghiệp thực hành CSR là hiệu quả kinh tế, chính sách pháp luật và đạo đức kinh doanh. Kết quả này làm cơ sở rút ra một số hàm ý đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức và các doanh nghiệp về việc thúc đẩy thực hiện CSR, cụ thể như sau:

Dựa trên nhân tố chính sách pháp luật: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại nhằm giảm thiểu chất thải, tiết kiệm chi phí và giảm tác động đến môi trường. Thành lập các công ty môi trường chuyên xử lý nước thải, khí thải, rác thải và tư vấn môi trường. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ nhằm giảm tác động xấu đến môi trường. Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện khung pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho CSR. Các cơ quan hữu quan cần có những biện pháp để khuyến khích doanh nghiệp. Các cơ quan thông tin đại chúng cần đăng bài tôn vinh các DN thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến CSR.

Dựa trên nhân tố hiệu quả kinh tế: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long cần tổ chức các lớp học, các hội thảo chuyên đề về CSR cho các DN nhằm cung cấp kiến thức và thông tin về CSR cho chủ doanh nghiệp để họ có thể thấy được hiệu quả kinh tế của việc thực hiện CSR. Xây dựng trang web chính thức để giới thiệu và thảo luận về CSR cho các DN. Trường Đại học Cửu Long cần xúc tiến các nghiên cứu cơ bản, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp đã thực hiện và sẽ thực hiện các hoạt động CSR để phát hiện những thuận lợi cũng như các rào cản, khó khăn, thách thức. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị cải thiện nhằm nâng cao hiệu quả.

Dựa trên nhân tố đạo đức kinh doanh: Để thực hiện CSR thì các nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp là lực lượng đóng vai trò quyết định và đòi hỏi sự hợp tác của đội ngũ nhân viên của DN. Do đó, cần phổ biến rõ cho họ biết được cái lợi của CSR đem lại cho DN cũng như đối với chính họ và cộng đồng xã hội. Cần có những giải pháp để xây dựng đạo đức trong kinh doanh, đề ra các tiêu chuẩn của từng ngành, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao đạo đức kinh doanh của DN, thông qua đó thúc đẩy thực hành CSR.

Cuối cùng, kết quả nghiên cứu chỉ dựa trên mẫu gồm 120 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, do đó tính suy rộng của mô hình còn hạn chế. Những nghiên cứu tiếp theo cần chọn cỡ mẫu có kích thước lớn hơn từ nhiều khu vực khác nhau để khắc phục hạn chế của nghiên cứu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Carroll, A. B, 1999. Corporate social responsibility: Evolution of a definitional construct. Business & Society, 38, 268-295.
Châu Thị Lệ Duyên & Nguyễn Minh Cảnh, (2013). Phân tích những nhân tố thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thành phố Cần Thơ.Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 9-16.
Clappison, M. (2012). Motivation for implementing corporate social resposibillity. [pdf] http://dtpr.lib.athabascau.ca/action/download.php?filename=mba12/open/clappisonmargaret.pdf.
Gerbing, D. W., & Anderson, J. C. (1988). An updated paradigm for scale development incorporating unidimensionality and its assessment. Journal of marketing research, 25(2), 186-192.
Graaftland, J., & van de Ven, B. (2006). Strategic and moral motivation for corporate social responsibility. Springer Publishing Inc, Tilburg.
Gray, R., Owen, D., & Adams, C.A., (1996). Accounting and Accountability: Changes and Challenges in Corporate Social and Environmental Reporting. Prentice-Hall, London.
Hair, J. F., Anderson, R. E., Tatham, R. L., & William C. B. (2006). Multivariate data analysis. Prentice-Hall International.
Mankelow, G. & Quazi, A. (2007). Factors affecting SMEs motivations for corporate social responsibility. University of Newcastle, Australia.
Minoja, M., & Zollo, M. (2012). Motivation theory and corporate responsibility. [doc] http://itemsweb.esade.es/wi/invierte/ Abstracts EABIS /Zollo_Minoja.doc.
Nunnally, J. C. & Bernstein, I. H. (1994). Psychometric theory. McGraw-Hill, New York.
Nguyễn Đình Cung & Lưu Minh Đức, (2008). Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - CSR: Một số vấn đề lý luận và yêu cầu đổi mới trong quản lý nhà nước đối với CSR ở Việt Nam. [pdf]www.vnep.org.vn/Modules /CMS /.../CSR%20bai%20tap%20chi.pdf/.
Solomon, A., & Lewis, L. (2002). Incentives and disincentives for corporate environmental disclosure.Business Strategy and the Environment, 11(3), 154-169.
Sweeney, L. (2009). A study of current practice of corporate social responsibility and an examination of the relationship between CSR and financial performance using structural equation modeling. Dublin Institute of Technology.
Waddock, S. A., & Graves, S. B. (1997). The corporate social performance-financial performance link.Strategic Management Journal, 18(4), 303-319.
Zadek, S. (2004). The Path to Corporation Responsibility. Harvard Business Review.

MOTIVATIONS BEHIDE CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY PRACTICES OF ENTERPRISES IN VINH LONG PROVINCE

Master. Nguyen Minh Canh

Faculty of Economics, Can Tho University

Abstract:

This study analyzes factors motivating corporate social responsibility practices of enterprises in Vinh Long Province. A structured questionnaire was used to collect data from 120 provincial enterprises. By using exploratory factor analysis and regression analysis, this study finds out that factors motivating corporate social responsibility practices of local enterprises are “economic efficiency”, “legal policy” and “business ethics”; in which, “economic efficiency” is the strongest motivational factor. Based on findings, this study proposes some implications to promote enterprises in Ving Long Province to practice their corporate social responsibility.

Keywords: Factor motivating corporate social responsibility practices, exploratory factor analysis, enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-tich-nhung-nhan-to-thuc-day-cac-doanh-nghiep-tren-dia-ban-tinh-vinh-long-thuc-hanh-trach-nhiem-xa-hoi-73199.htm