Phần thưởng cao quý cho người cán bộ Tòa án là sự tin tưởng của nhân dân

Đó là chia sẻ của bà Tô Thị Kim Nhung với Báovề những suy tư, trăn trở của người làm công tác Tòa án nhân kỷ niệm 73 năm ngày Truyền thống TAND.

Hơn 20 năm làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC, bà Tô Thị Kim Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc - Kiểm tra 3 TANDTC đã tham gia vào quá trình giải quyết nhiều vụ án. Mỗi vụ án đều để lại trong bà kỷ niệm, nỗi niềm suy tư, băn khoăn rất riêng về cuộc sống...

Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, như một cơ duyên, tôi được tuyển vào công tác tại TANDTC. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm trôi qua, tôi miệt mài làm công việc của một Thẩm tra viên tham gia nghiên cứu hồ sơ, đề xuất kháng nghị, xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC.

Cùng với các đồng nghiệp, tôi đã trực tiếp nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết đối với nhiều vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại.

Bài học đầu tiên về đạo đức công vụ đối với công chức, viên chức Tòa án mà tôi được học chính là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ Tòa án từ ngày mới thành lập: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm là phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Tôi còn nhớ, từ nhiệm kỳ trước, nguyên Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) đã khẳng định: “Phẩm chất đạo đức hàng đầu, trước hết của người cán bộ Tòa án là tận tụy phục vụ nhân dân”. Ðây là yếu tố tiền đề, là nền tảng hình thành nên đạo đức của người cán bộ Tòa án, và phải được thể hiện ở tất cả các khâu công tác, các mặt hoạt động của cơ quan Tòa án.

Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh tư tưởng xuyên suốt là phải xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ Tòa án, Thẩm phán theo hướng toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất, năng lực thực tiễn trên nguyên tắc coi trọng cả “đức” và “tài”, “đức” là gốc; yêu cầu đặt ra là chất lượng cán bộ Tòa án, Thẩm phán phải trên cơ sở thống nhất tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, phải vững vàng về bản lĩnh chính trị và giỏi về nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý, quyền con người.

 Bà Tô Thị Kim Nhung phát biểu nhận nhiệm vụ tại Lễ trao quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc - Kiểm tra 3 TANDTC

Bà Tô Thị Kim Nhung phát biểu nhận nhiệm vụ tại Lễ trao quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc - Kiểm tra 3 TANDTC

Do đặc thù của công tác giám đốc thẩm, tái thẩm tại các Tòa chuyên trách TANDTC (mô hình tổ chức cũ, trước khi Luật Tổ chức TAND 2014 ra đời) chủ yếu là nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nên chúng tôi không có cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với người dân như ở Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Vì vậy, để có thể đề xuất đường lối giải quyết một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được chính xác, đúng pháp luật, đòi hỏi người Thẩm tra viên ở TANDTC không những phải nắm vững pháp luật, có trình độ, năng lực chuyên môn cao, mà còn phải luôn tự đặt mình vào vị trí của người dân, để hiểu sâu xa được cốt lõi của những khiếu nại, những đề nghị bức xúc mà người dân nêu ra.

Hơn 20 năm làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm tại TANDTC, tôi đã tham gia vào quá trình giải quyết, đưa ra ý kiến đề xuất đối với nhiều vụ án. Mỗi vụ án đều để lại trong tôi kỷ niệm, nỗi niềm suy tư, băn khoăn rất riêng về cuộc sống. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình công tác của mình, đó là bức thư cảm ơn của một công dân từ tỉnh Long An gửi ra Tòa Kinh tế TANDTC đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/2010).

Đó là một vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn là ông L.V.B (chủ Doanh nghiệp tư nhân H.B) và bị đơn là ông N.V.B (chủ Doanh nghiệp tư nhân T.R.Đ). Ông L.V.B khởi kiện cho rằng ông N.V.B có mua xi măng của Doanh nghiệp tư nhân H.B theo phương thức có tiền thì trả tiền mặt, không có tiền thì ghi nợ và ký vào toa, khi trả tiền thì ghi giấy biên nhận hoặc trừ vào toa.

Việc mua bán diễn từ ngày 10/8/2005 đến ngày 24/12/2005, ông N.V.B đã nhận xi măng nhiều lần, mới trả được một phần tiền, còn nợ là 42.142.000 đồng. Vì vậy, ông L.V.B khởi kiện yêu cầu ông N.V.B trả số tiền nợ gốc và tiền lãi do chậm thanh toán. Phía bị đơn, ông N.V.B trình bày việc mua bán xi măng là giữa ông với anh Tr. và chị G. là con trai và con dâu của ông L.V.B, ông đã trả tiền cho các con ông L.V.B, thậm chí còn trả thừa là 28.000.000 đồng nên không còn nợ. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông L.V.B, còn Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông L.V.B, buộc ông N.V.B phải trả cho ông L.V.B số tiền mua xi măng là 42.142.000 đồng.

Không đồng ý với việc giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm, ông N.V.B có đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Khi nghiên cứu đơn của ông N.V.B và đọc kỹ hồ sơ, tài liệu vụ án, xét thấy Tòa án cấp sơ và phúc thẩm có biểu hiện vi phạm tố tụng (không đưa con trai và con dâu ông L.V.B vào tham gia tố tụng); không xem xét đầy đủ chứng cứ của vụ án…Tòa Kinh tế đã đề xuất Chánh án TANDTC kháng nghị vụ án, giao cho Tòa án có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị số 610/2009/DS-KN ngày 22/10/2009, Chánh án TANDTC kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm để Tòa Kinh tế TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 247/2010/DS-GĐT ngày 26/5/2010, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại với lý do: Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, ông N.V.B trình bày là ông mua xi măng với anh Tr, chị G (con trai và con dâu ông L.V.B), thanh toán tiền cho anh Tr, chị G; không trực tiếp mua và thanh toán tiền cho ông L.V.B; ông N.V.B yêu cầu đưa anh Tr. và chị G. tham gia tố tụng. Tại phiên tòa sơ thẩm, anh Tr, chị G. thừa nhận có giao dịch mua bán và thanh toán tiền hàng với ông N.V.B. Các đương sự có nhiều ý kiến khác nhau về những lần thanh toán tiền. Tòa án cấp phúc thẩm không tiến hành đối chất giữa ông L.V.B, ông N.V.B, anh Tr, chị G, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ mà ông N.V.B xuất trình để làm rõ việc thanh toán tiền hàng. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm cũng không triệu tập anh Tr, chị G. tham gia phiên tòa với lý do anh chị không có kháng cáo mà đã buộc ông N.V.B. phải trả cho ông L.V.B số tiền theo yêu cầu khởi kiện của ông L.V.B là không đúng.

Sau khi xét xử giám đốc thẩm, ngày 02/9/2010, ông N.V.B có thư cảm ơn Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, gửi về TANDTC. Nội dung có đoạn viết: “Kính thưa Quý Hội đồng xét xử giám đốc thẩm! Cho tôi được nghiêng mình kính cẩn cảm ơn Quý Hội đồng đã xem xét đơn của tôi. Quý Hội đồng như một ngọn đèn trời “Sao Bắc Đẩu” soi sáng, phân định đúng sai, để chỉ đường dẫn lối… Tôi kính chân thành cám ơn Tòa án tối cao minh oan cho tôi. Tôi kính mong Quý Tòa sơ, phúc thẩm xét xử thấu tình đạt lý với những chứng cứ của tôi đã chứng minh…Đây là những lời chân thành và trung thực với lương tâm của tôi. Tuy số tiền không lớn nhưng nó cứ ray rứt trong tôi vì nỗi oan ức… tôi nguyện trích một khoản tiền tương xứng để gửi vào quỹ Khuyến học của huyện nhà để nhằm góp một phần cho con em tương lai sau này đi học ngành Luật về phục vụ ngành Tòa án.

Tôi chờ đến ngày 2/9 mới viết thư này kính gửi đến Quý Hội đồng. Với lời lẽ chân tình mộc mạc của một người dân Nam bộ, xin Quý Hội đồng niệm tình nhận lời tri ân của tôi…”.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm lá thư cảm ơn của các tổ chức, cá nhân từ các địa phương gửi về TANDTC, nhưng tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị chúng tôi đọc xong lá thư cảm ơn của ông N.V.B đều cảm động, phấn khởi, tự hào và coi đó là động lực để động viên nhau cùng tiếp tục phấn đấu, tận tụy phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt công việc được giao, tiếp tục vun đắp niềm tin của người dân ngày càng sâu sắc hơn vào Tòa án, vào công lý.

Đây không phải là một vụ án khó, nội dung vụ án với các tình tiết khá đơn giản. Tuy nhiên, chỉ một chút chủ quan, sơ suất nên đã không tránh khỏi sai lầm khi đưa ra đường lối giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào cán cân công lý. Bởi vậy, chúng tôi luôn xác định và nhắc nhau rằng: Muốn thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn cán bộ Tòa án, mỗi người chúng ta chỉ cần tận tâm, làm đúng bổn phận, trách nhiệm và lương tâm của mình với một thái độ trung thực, thận trọng, công tâm, tận tụy vì dân và khách quan là đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm đúng theo ý nguyện của Bác. Làm được như vậy, không chỉ khiến những người làm công tác Tòa án thêm tự hào mà người dân cũng vô cùng phấn khởi vì công lý, công bằng được bảo vệ.

Đất nước đang trên đà đổi mới và hội nhập phát triển, nền tư pháp theo đó cũng sẽ không ngừng cải cách theo hướng gần dân hơn, tiến bộ hơn. Phần thưởng xứng đáng cho người Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhân dân chúng tôi không gì cao quý hơn đó là sự tin tưởng, sự trân trọng và là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, của xã hội.

Đức Minh (Ghi )

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/phong-trao-thi-dua/phan-thuong-cao-quy-cho-nguoi-can-bo-toa-an-la-su-tin-tuong-cua-nhan-dan-267656.html