Phản thần từ nhánh Trần Liễu bị gia tướng của Hưng Đạo vương tiễu trừ

Trần Kiện cũng tự phụ là người có tài thì việc chưa giao phong đã hàng chứng tỏ trong tâm đã có ý đầu Nguyên để hưởng phú quý. Hoặc cũng có thể Trần Kiện vẫn mang trong lòng nỗi ấm ức bị nhánh Trần Cảnh đè nén, bất phục nên khi có cơ hội là trở cờ với hy vọng sau được nhà Nguyên cho làm vua tay sai chăng?

Trong một loạt bài viết, chúng tôi đề cập đến các hậu thế của Trần Liễu là những bậc trung quân ái quốc. Dù Anh Sinh vương Trần Liễu có mối hiềm khích lớn với nhánh của người em trai Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông) nhưng con là ông Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, các cháu ông là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Hiến vương Trần Quốc Uất, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện, thậm chí chắt của ông là Văn Huệ vương Trần Quang Triều đều là những bậc lương đống triều đình.

Việc các vua Trần từ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông trọng dụng anh em Quốc Tung, Quốc Tuấn có thể coi là khá mạo hiểm nếu xét hiềm khích trước đây nhưng thực tế lịch sử chứng minh các vua Trần đã chọn đúng người để trao đúng chức lớn. Tuy nhiên, không phải mọi sự trọng dụng đều đúng đắn mà vẫn có những sự lựa chọn sai lầm với nhánh của Trần Liễu.

Ngay trước cuộc chiến kháng Nguyên lần nhất đã có một vụ nhánh nhà Trần Liễu trong bụng bất an. Đó là việc của Trần Doãn, anh cùng cha khác mẹ của Trần Quốc Tuấn, bỏ trốn sang nhà Tống. Sử chép: "Tháng 7 (1256), mùa thu. Vũ Thành vương tên là Doãn chạy sang đất nhà Tống, bị viên quan bản thổ ở Tư Minh là Hoàng Bính bắt được đưa trả lại. Doãn là con An Sinh vương Liễu, do Lý Thị sinh ra, từ khi nhà vua chiếm lấy Lý Thị lập làm Hoàng hậu, An Sinh vương đối với quốc gia có sự hiềm khích, đến khi Lý hậu mất, tên Doãn bị thất thế, nên đem cả gia quyến chạy sang đất nhà Tống, bị viên quan bản thổ ở Tư Minh là Hoàng Bính bắt được đưa trả lại". Vụ này không gây thiệt hại gì cho triều đình, đất nước nhưng vụ sau thì nghiêm trọng hơn. Đó là câu chuyện của Trần Kiện, con trai của Trần Quốc Khang.

Trên danh nghĩa, Trần Quốc Khang là con của Thái Tông Trần Cảnh nhưng trên thực tế thì Quốc Khang là con của Trần Liễu. Sử chép: "Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), Thuận Thiên công chúa được lập làm Hoàng hậu, giáng Chiêu Thánh hoàng hậu làm Công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên đã có mang được 3 tháng. Thái sư Trần Thủ Độ và Thiên Cực công chúa (tức Linh Từ quốc mẫu) bàn kín với Thái Tông là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy".

Chính vì thế, Quốc Khang tuy là con trưởng của Thái Tông Trần Cảnh nhưng không được truyền ngôi. Thay vào đó, người con thứ hai của Thái Tông là Trần Hoảng mới được truyền ngôi để sau này trở thành Trần Thánh Tông. Thậm chí, con trai sau đó của Thái Tông với Thuận Thiên công chúa là Trần Quang Khải còn được trọng dụng từ rất sớm với các chức vị Thái úy, Thái sư trong khi Quốc Khang được điều về trấn thủ Diễn châu, là cực nam Đại Việt khi ấy và vẫn bị giám sát khá kỹ từ triều đình. Trần Quốc Khang hiểu được việc tại sao mình là con trưởng lại không được trọng dụng. Ông chấp nhận việc làm một vị vương bình thường và tận trung với triều đình.

Tuy nhiên, các con cháu của ông thì nghĩ khác. Chúng ta đang nhắc đến Trần Kiện, con của Trần Quốc Khang được phong Chương Hiến Thượng Hầu. Trong An Nam chí lược, Lê Tắc có kể Kiện có tướng mạo khôi ngô, đọc thuộc binh thư, giỏi việc bắn cung, cỡi ngựa, thay cha lĩnh chức Tịnh hải quân Tiết Độ sứ, cưới nàng Quỳnh Huy, con gái Thái Sư Chiêu Minh Vương (tức Trần Quang Khải), sinh con là Mặc Hầu. Có thể Lê Tắc vì thiên vị Kiện mà khen hơi nhiều nhưng qua các sự kiện được phong vương, được thay cha giữ chức Tịnh hải quân Tiết độ sứ rồi được gả cho con gái của đại thần, hoàng thân số 1 triều đình khi ấy thì chắc chắn Trần Kiện rất được triều đình hậu đãi.

Thế nhưng, Kiện lại không hết lòng phục vụ triều đình mà lại tự cho rằng mình có tài mà không được trọng dụng cao hơn, đem lòng bất đắc chí. Nhân có hiềm khích với Tá Thiên vương Trần Đức Việp, Kiện giả vờ theo học đạo Lão Trang, về làng Nhân Mục ẩn cư. Thực ra việc hiềm khích trong gia tộc không hiếm. Trước đó, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng có hiềm khích với Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nhưng Hưng Đạo vương đã gác bỏ hiềm khích 2 nhà Trần Liễu - Trần Cảnh bằng sự kiện tắm cho thượng tướng để cùng gánh vác triều đình.

Trần Đức Việp, con của Trần Thánh Tông và là em của Trần Nhân Tông cũng có địa vị giống như Trần Quang Khải vậy (Sử chép Ông sinh tháng 7.1265, Năm 13 tuổi đã được vua cha phong tước Tá Thiên Đại vương. Năm 22 tuổi được Hoàng huynh Trần Nhân Tông giao chức quyền tướng quốc sự. Năm 1290 ông được gia phong Nhập nội Kiểm hiệu Thái úy, cùng với Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải nắm giữ việc nước. Năm 1302, ông được cháu là Trần Anh Tông phong làm Thống chính thái sư, cùng làm tể tướng với Nhập nội bình chương Trần Quốc Chẩn và Thái úy Quốc công Trần Nhật Duật. Ông mất ngày đầu năm 1306 ở tuổi 42).

Chỉ có điều, Kiện không có được tấm lòng của người quân tử như Hưng Đạo vương để xóa bỏ hiềm khích với Đức Việp. Và Kiện càng không có lòng trung quân ái quốc như triều đình kỳ vọng. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần hai, Toa Đô dẫn thủy quân chiếm đất Chiêm Thành và định đánh vu hồi lên trên cùng phải cánh quân của Thoát Hoan tạo thành thế gọng kìm. Mảnh đất Diễn Châu là nơi Trần Quốc Khang trấn thủ bị quân Toa Đô uy hiếp nghiêm trọng. Lúc này, triều đình ngoài việc phái Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải dẫn quân xuống nam thì còn cho Trần Kiện dẫn 1 vạn quân xuống tăng cường gấp.

Nhưng Trần Kiện chẳng những không đánh mà đem toàn bộ thân binh 1 vạn người hàng Toa Đô. Không chỉ giúp địch thêm nanh vuốt mà Trần Kiện với hiểu biết về chiến lược, chiến thuật phòng ngự của quân Trần đã trở thành chỉ điểm nguy hiểm giúp Toa Đô đánh vào các điểm yếu của quân Trần. Chính vì thế, Toa Đô vốn ở thế bị dồn vào ngõ cụt mà lại mở được đường thông với Thoát Hoan khiến kế hoạch của ta trong việc vây hãm, cô lập cánh quân phía nam của nhà Nguyên, thất bại. Sai lầm trong việc dùng Trần Kiện đã khiến nhà Trần phải trả giá đắt và thậm chí suýt mất hết cơ nghiệp.

Chuyện Trần Kiện quyết định hàng được Lê Tắc kể trong An Nam chí lược với tư cách vừa là người viết sử, lại vừa là nhân chứng: "Hữu Thừa Toa Đô lại từ Chiêm Thành đánh tập hậu, Thế Tử hoảng hốt, không tính được chước gì, bèn khởi phục Trần Kiện, khiến đem quân cự Toa Đô. Sức yếu, không có viện binh, Thế Tử thì mất còn chưa biết, Kiện bảo với bọn Lê Tắc rằng: "Thế Tử bị Thiên tử chỉ triệu, chẳng chịu vào chầu, đến đỗi gây việc binh đao, nguy cơ sắp đến, thế mà còn chấp mê, chẳng tỉnh ngộ, nở để cho nhà tan nước mất hay sao?". Tháng giêng năm sau (1285), Kiện đem bọn Lê Tắc vài vạn người, dâng binh khí xin hàng. Trấn Nam Vương (Thoát Hoan) khen ngợi và ban thưởng xiêm áo, yên cương".

Lời của Lê Tắc thực hư không biết ra sao nhưng có thể thấy Trần Kiện chưa giao phong đã có ý đầu hàng. Nếu nói Kiện sợ giặc mạnh mà đầu hàng thì cũng không hẳn vì Trần Kiện trong tay có 1 vạn quân, trước có quân của cha ruột Trần Quốc Khang, sau có quân tiếp viện của Trần Quang Khải. Trần Kiện cũng tự phụ là người có tài thì việc chưa giao phong đã hàng chứng tỏ trong tâm đã có ý đầu Nguyên để hưởng phú quý. Hoặc cũng có thể Trần Kiện vẫn mang trong lòng nỗi ấm ức bị nhánh Trần Cảnh đè nén, bất phục nên khi có cơ hội là trở cờ với hy vọng sau được nhà Nguyên cho làm vua tay sai chăng?

Nhưng rốt cuộc, Trần Kiện cũng không có cái kết đẹp. Vào mùa hạ 1285, Thoát Hoan sai Manglaisiban (Minh Lý Tích Ban) dẫn hộ tống Chương Hiến hầu Trần Kiện về phương Bắc triệu kiến Hốt Tất Liệt. Tuy nhiên đoàn người ngựa trạm đến ải Chi Lăng thì bị quân triều phục kích ngày đêm vây đánh. Trần Kiện cùng các quan phá vòng vây chạy ra đàng trước, lại bị dân quân đón đánh, xe cộ chở lương thực đều bị cướp phá sạch. Trong đám loạn quân, gia tướng của Hưng Đạo vương là Nguyễn Địa Lô dùng cung tên bắn trúng Trần Kiện.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/ban-tron-lich-su-c-111/phan-than-tu-nhanh-tran-lieu-bi-gia-tuong-cua-hung-dao-vuong-tieu-tru-95014.html