Phản tác dụng, trừng phạt mới 'dâng' lợi thế cho TT Putin?

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ lại có thể giúp ổn định nội bộ chính phủ Nga và hồi phục tỷ lệ ủng hộ ông Putin.

Hôm thứ Năm (9/8), đồng rúp suy yếu và chứng khoán Nga tuột dốc sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố các lệnh trừng phạt mới liên quan tới vụ điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh.

Trong bối cảnh chính trị Nga, những căng thẳng trong quan hệ Đông – Tây có thể giúp nâng cao hơn nữa uy tín của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, nó cũng khiến người Nga phải đặt ra câu hỏi, thượng đỉnh Helsinki đã đạt được những gì.

“Quyết định của phía Mỹ hoàn toàn là một động thái không thiện chí”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới. “Nó không liên quan tới bầu không khí tích cực… tại cuộc gặp gỡ gần đây giữa hai Tổng thống”.

Ông Peskov cũng gọi lệnh trừng phạt mới là bất hợp pháp, đồng thời nhắc lại, Nga không có quan hệ gì với vụ đầu độc hồi tháng Ba. Người phát ngôn viên khẳng định , còn quá sớm để nhắc tới các biện pháp trả đũa từ Nga, bởi vì quy mô đầy đủ của lệnh trừng phạt mới vẫn còn chưa cụ thể.

Tuy nhiên, giới đầu tư không cần nhiều chi tiết hơn. Đồng rúp giảm xuống mức thấp lịch sử trong hai năm trở lại đây, và cổ phiếu các công ty Nga liên tục “hạ dốc”. Một trong những cái tên chịu tổn thất nặng nề nhất là Aeroflot. Lệnh trừng phạt mới có thể sẽ cấm các đường bay của hãng hàng không quốc gia Nga tới Mỹ.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã khiến nhiều chính trị gia và nhà phân tích ngạc nhiên, nhất là những người từng kỳ vọng về một sự thay đổi sau cuộc gặp giữa ông Trump và Putin tại Helsinki hồi tháng Bảy. Tuy nhiên, theo luật pháp Mỹ, cần phải áp đặt các lệnh trừng phạt, một khi Tổng thống xác định một quốc gia phải chịu trách nhiệm về tấn công hóa học hoặc sinh học.

Các nhà phân tích tại Moscow cho rằng, gần như chắc chắn ông Putin sẽ không cho phép điều tra viên vào Nga, bởi vì làm vậy sẽ khiến Moscow giống như đã “khuất phục” trước áp lực của Mỹ. Thay vào đó, Nga nhiều khả năng sẽ đáp trả với các lệnh trừng phạt của riêng mình.

Sergey Ryabukhin, một nhà lập pháp nói, Nga có thể dừng xuất khẩu động cơ hỏa tiễn RD-180. Đây chính là bộ phận cần thiết để Mỹ có thể phóng các vệ tinh chính phủ vào không gian. Lệnh cấm Aeroflot có thể dẫn tới việc Nga hạn chế các máy bay Mỹ bay qua không phận Nga.

“Nhìn vào lịch sử của ông Putin, ông ấy không lùi bước trước áp lực, mà lại đi theo hướng khác”, Andrey Kortunov, tổng giám đốc của Hội đồng Đối ngoại Nga, một tổ chức được chính phủ tài trợ, phân tích.

Lệnh trừng phạt mới được đánh giá là một “đòn” cảnh tỉnh cho những người Nga vẫn còn đang cố gắng để giải thích sự khác biệt giữa những phát biểu của ông Trump về mối quan hệ Nga-Mỹ cải thiện, với những biện pháp cứng rắn mà Quốc hội và chính quyền Mỹ thực hiện. Theo Kortunov, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoàn toàn dập tắt hy vọng của ông rằng, thượng định Helsinki sẽ là một bước ngoặt trong đó, cách tiếp cận của ông Trump sẽ thay đổi chính sách của nước Mỹ.

“Đáng tiếc là, cuộc gặp [giữa hai Tổng thống] đã không thể thay đổi được xu thế chung, mà thực tế lại thúc đẩy nó ở một số khía cạnh”, Kortunov nói.

Hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Helsinki (ảnh: AP)

Nga giờ đây đã sẵn sàng đối mặt với thêm nhiều lệnh trừng phạt nữa từ Mỹ. Tuần trước, một đề xuất của hai Đảng lên Quốc hội có nhắc tới việc trừng phạt lĩnh vực năng lượng và tài chính của Nga, cũng như các khoản nợ chính phủ.

Thượng nghị sỹ Lindsey O. Graham tuyên bố, những biện pháp hiện tại đã “thất bại trong việc ngăn chặn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 sắp tới”.

Những lệnh trừng phạt trong năm nay và lời đe dọa có thêm nữa, cũng đã để lại tác động tới tầng lớp trung lưu Nga. Đầu tháng Tư, ngay trước khi vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm đáp trả “hành động thâm hiểm trên toàn cầu” của Nga, được công bố, đồng rúp dừng ở mức 58 rúp ăn 1 USD. Còn hôm thứ Năm, tỷ lệ đã rơi xuống 66/1. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới sức mua của những người Nga muốn đi du lịch nước ngoài hoặc mua hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, giá dầu cao lại giúp chính phủ Nga có thêm quyền lực tài chính để duy trì các dịch vụ công cộng và hỗ trợ các tập đoàn lớn bị ảnh hưởng bởi trừng phạt Mỹ. Và gần như chắc chắn, việc phối hợp trừng phạt xuyên đại tây dương – như những gì đã diễn ra hồi năm 2014 để phản ứng lại động thái sáp nhập Crimea của Nga, sẽ không được tái hiện lại. Nguyên do là, các đồng minh châu Âu của Washington giờ đây còn trao đổi thương mại với Nga nhiều hơn những gì mà Mỹ có thể tưởng tượng.

Chính vì vậy, các chuyên gia Nga nhận định, các lệnh trừng phạt mới gần như chắc chắn sẽ không thể làm ông Putin "yếu" đi, ít nhất là trong ngắn hạn. Thực tế, căng thẳng với Washington còn giúp Điện Kremlin chuyển hướng sự chú ý trong thời điểm, ông Putin đang phải đối mặt với một số phản đối liên quan tới việc chính phủ muốn tăng độ tuổi nghị hưu. Lev Gudkov, giám đốc của trung tâm Levada chuyên thực hiện thăm dò ý kiến dự báo, lệnh trừng phạt mới có thể sẽ làm tăng tỷ lệ ủng hộ ông Putin, ngay cả khi các thách thức về kinh tế có thể tác động xấu tới ông về lâu dài.

Theo Gudkov, điều chắc chắn là, giới truyền thông Nga sẽ một lần nữa có cơ hội để nói về chủ nghĩa bài Nga mà phương Tây vẫn theo đuổi. Nhiều người Nga tin rằng, Washington muốn ngăn cản việc Nga trở lại trong tư thế một cường quốc.

“Di sản của ông Putin dựa trên ý tưởng về một cường quốc, trên hình ảnh của một đối thủ v.v,” Gudkov nói. “Vì vậy, rõ ràng, điều kiện vật chất của người dân giảm sút còn lâu mới dẫn tới việc tỷ lệ ủng hộ ông Putin thực sự bị tuột dốc”.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/phan-tac-dung-trung-phat-moi-dang-loi-the-cho-tt-putin-356145.html