Phan Sào Nam đưa cả dì ruột và chị họ vào vòng lao lý

Trong thời gian tìm mối để xử lý chi phí cho Công ty VTC online, Phan Sào Nam chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của dì ruột là Phan Thu Hương số tiền hơn 236 tỷ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời.

Chiều 16-11, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục thẩm vấn các bị cáo đồng phạm với Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC Online về vai trò giúp sức trong hành vi tổ chức đánh bạc và rửa tiền.

Bị cáo Huỳnh Trọng Văn (36 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) là Giám đốc Công ty ODS khai, đối với phần doanh thu tổ chức đánh bạc của Công ty Nam Việt được Công ty VTC Online (ở giai đoạn Rikvip) đều được hạch toán trên sổ sách kế toán.

Để có tiền nạp vào tài khoản “Syline”, tiền chi cho các khoản không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và sử dụng cá nhân, Nam đã liên hệ và nhờ Văn xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn.

Bị cáo Phan Sào Nam.

Khi Văn đồng ý, Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy, Giám đốc Công ty Nam Việt, ký hợp đồng với Công ty ODS để thuê máy chủ và đường truyền. Nam cũng chỉ đạo Phan Anh Tuấn, Giám đốc công nghệ Công ty VTC Online (được Nam ủy quyền) ký hợp đồng với Công ty ODS cũng với nội dung thuê máy chủ và đường truyền.

Sau khi bên Công ty ODS xuất hóa đơn giá trị gia tăng và có giấy đề nghị thanh toán, Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy và Phan Anh Tuấn cho kế toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty ODS. Văn chỉ đạo kế toán rút tiền từ tài khoản Công ty ODS nộp vào tài khoản cá nhân của Vũ Hà Phương (35 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) là nhân viên kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt để chi theo chỉ đạo của Nam.

Theo đó, từ ngày 24-8-2015 đến ngày 17-2-2017, Văn đã bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số gần 82 tỷ đồng; bán 14 hóa đơn GTGT khống cho Công ty VTC online với doanh số hơn 5.754 tỷ đồng. Sau đó Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản của Vũ Hà Phương hơn 78 tỷ đồng. Trong sự vụ này, Công ty ODS hưởng lợi hơn 7,8 tỷ đồng. Số tiền này, Văn hưởng lợi cá nhân và đã chi tiêu hết.

Bị cáo Vũ Hà Phương.

Được HĐXX gọi để đối chất, bị cáo Phan Sào Nam cho biết “Do thời gian xảy ra vụ án đã lâu nên bị cáo không nhớ chi tiết. Nhưng về cơ bản thì lời khai của bị cáo Văn là đúng”.

Bị cáo Vũ Hà Phương được thẩm vấn tiếp theo. Phương khai, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt, bị cáo biết rõ việc mua bán hóa đơn khống giữa Công ty VTC online, Công ty Nam Việt với Công ty ODS được thể hiện qua tin nhắn Viber giữa Nam và Phương. Trả lời câu hỏi của HĐXX “Vì sao biết hành vi của Văn và Nam là vi phạm pháp luật mà vẫn thực hiện?”. Phương khai “Vì bị cáo không biết mục đích của Nam là rửa tiền nên mới giúp”.

Cơ quan tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phương về tội mua bán trái phép hóa đơn với vai trò giúp sức cho Văn.

Trong thời gian tìm mối để xử lý chi phí cho Công ty VTC online, Phan Sào Nam chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của dì ruột là Phan Thu Hương (57 tuổi, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) số tiền hơn 236 tỷ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời.

Sau khi nhận được số tiền trên, Hương gửi tiết kiệm ngắn hạn rồi mua vàng, USD Mỹ bán kiếm lời. Đến tháng 11-2016, Hương sử dụng một phần nguồn tiền này và tiền vốn tích cóp được mua 5 căn hộ tại TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 28,5 tỷ đồng và nhờ bạn Nam đứng tên giấy tờ nhà.

Đầu năm 2017, Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển và tiền của bản thân mua căn nhà số 45, Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh với giá 270 tỷ đồng để đầu tư sinh lời.

Quá trình điều tra Hương khai, vì tình cảm dì cháu và vì đã nuôi Nam từ nhỏ nên không muốn Nam bị vào vòng lao lý. Sau khi bị bắt và được giáo dục, thuyết phục, Hương đã nhận thức rõ sai phạm của mình và gia đình đã nộp được 22 tỷ đồng, đồng thời tự nguyện xin bán nhà để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Với hành vi phạm tội này, Hương bị truy tố về tội rửa tiền với vai trò giúp sức cho Nam.

Bị cáo Đỗ Bích Thủy.

Đến lượt được thẩm vấn, bị cáo Đỗ Bích Thủy (46 tuổi, ở Hà Nội, chị họ Phan Sào Nam), Giám đốc Công ty Nam Việt vừa nói, vừa khóc “Thưa tòa, Nam chủ động đặt vấn đề xin mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để Nam thực hiện một số công việc liên quan đến phát triển phần mềm công nghệ thông tin cho Công ty VTC Online của Nam. Sau khi bị cáo đồng ý thì Công ty của Nam và Công ty của bị cáo đã ký hợp đồng”.

HĐXX hỏi “Bị cáo có hiểu gì về công việc phát triển phần mềm của Nam không?”. Thủy trả lời “Bị cáo không hiểu gì nhưng vì tin tưởng nên bị cáo làm theo những gì Nam nói. Lý do tin tưởng vì bị cáo ở với Nam từ nhỏ, hiểu biết tính cách của Nam và sau này thấy Nam thành đạt nên bị cáo đã giúp Nam”.

HĐXX hỏi tiếp “Cụ thể là bị cáo và Nam đã ký hợp đồng về việc gì”. Thủy trả lời “Bị cáo đã ký hợp đồng với Nam và ký một số hóa đơn, chứng từ liên quan đến dịch vụ viễn thông. Khi ký hợp đồng với Nam, bị cáo hoàn toàn tự nguyện chứ không bị ép buộc. Sau này xảy ra vụ án, bị cáo đã sai lầm khi tin tưởng Nam nhưng vẫn không giận Nam”.

Cũng theo lời khai của Thủy thì, sau thời gian làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thấy mình thiếu hiểu biết pháp luật nên đã ký hợp đồng mà mình không biết hết nội dung trong hợp đồng, từ đó vô tình vi phạm pháp luật. “Khi nhận ra hành vi phạm tội của mình, bị cáo muốn nộp lại số tiền hưởng lợi do phạm tội mà có đang bị phong tỏa để khắc phục hậu quả”, Thủy nói.

Ngoài việc xin nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính, bị cáo Thủy đề nghị HĐXX xem xét, trả lại cho bị cáo số tiền khoảng 5 tỷ đồng đang bị tạm giữ. Lý do vì đây là tiền riêng của bị cáo chứ không liên quan đến việc ký kết hợp đồng với Phan Sào Nam.

NGUYỄN HƯNG - XUÂN MAI

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/phan-sao-nam-dua-ca-di-ruot-va-chi-ho-vao-vong-lao-ly-520381/