Phán quyết bất ngờ vụ 'cướp xuyên không'

HĐXX ra quyết định bắt giam bị cáo tại tòa và yêu cầu VKSND khởi tố hai nhân chứng về tội khai báo gian dối.

Chiều 10-1, sau một ngày xét xử, TAND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã tuyên phạt Huỳnh Hữu Nhơn (30 tuổi) bốn năm tù về tội cướp tài sản. Đồng thời, HĐXX đã ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại tòa.

Clip: Tòa tuyên án vụ ‘cướp xuyên không’

Đây là lần thứ ba vụ án được xử sơ thẩm với nhiều tình tiết, lời khai mâu thuẫn nhau. Chính vì vậy, tại phiên tòa này, HĐXX đã triệu tập người làm chứng Trần Văn Rồi (đang là bị án) và bị hại Nguyễn Hoàng Ngân.

Bị cáo yêu cầu thay kiểm sát viên

Trong phần thủ tục, bị cáo Nhơn yêu cầu HĐXX thay đổi kiểm sát viên vì cho rằng không công tâm, khách quan, được thể hiện qua việc Nhơn không đi khám sức khỏe nhưng kiểm sát viên thể hiện trong hồ sơ là có. Sau khi hội ý, HĐXX đã không chấp nhận yêu cầu này. Sau đó, ở phần xét hỏi, HĐXX cho cách ly bị cáo Nhơn, Rồi và bị hại Ngân.

Bị hại Ngân cho biết thời điểm bị cướp chỉ biết mặt Rồi, còn người kia không thấy mặt vì có đeo khẩu trang. Chỉ sau này nhận dạng mới biết là Nhơn. Hai đối tượng đi trên chiếc xe cà tàng màu đen, không biển số, trong khi bị cáo Rồi lại khai rằng chiếc xe màu đen, đỏ, vàng.

Tại tòa, Rồi khai chiếc xe có biển số nhưng khi tòa chất vấn thì Rồi lại nói tháo biển số trước khi đi cướp. Đồng thời, lời khai của Rồi tại tòa có nhiều mâu thuẫn với lời khai của bị hại và mâu thuẫn với quá trình điều tra.

Bị cáo Nhơn thì phủ nhận lời khai của Rồi và Ngân, khẳng định mình bị oan vì thời điểm xảy ra vụ án bị cáo đang làm thuê ở tỉnh Kiên Giang. Những người làm chứng ở Kiên Giang vẫn giữ nguyên lời khai trong những phiên tòa trước, cho rằng thời điểm xảy ra vụ án Nhơn có mặt ở bãi mía (Kiên Giang).

Phần luận tội, đại diện VKS nhận định căn cứ vào lời khai của Rồi, bị hại, người liên quan và các đặc điểm nhận dạng của bị cáo đều khẳng định bị cáo chính là người cùng Rồi đi cướp. Bản cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.

Luật sư bảo vệ bị cáo Nhơn cho rằng bản luận tội của VKS không có căn cứ. Bởi trong quá trình điều tra, xét xử xuất hiện đến năm chiếc xe là phương tiện gây án. Lời khai về trang phục cho rằng bị cáo Nhơn mặc đi cướp cũng thay đổi liên tục, hoàn toàn không trùng khớp nhau. Luật sư cho rằng Nhơn bị oan và đề nghị tòa tuyên bị cáo không phạm tội.

Bị cáo Nhơn bị bắt ngay sau phiên tòa. Ảnh: HD

Bị cáo Nhơn bị bắt ngay sau phiên tòa. Ảnh: HD

HĐXX: Bị cáo có tội

HĐXX nhận định: Bị cáo cho rằng quá trình điều tra bị bức cung, hướng dẫn bị hại nhận diện vết sẹo trên mặt của Nhơn là không có căn cứ. Bởi trong mỗi lời khai bị cáo đều ký tên xác nhận lời khai là tự nguyện, không ai ép buộc.

Theo lời khai của nhân chứng tên Đặng (người cho bị cáo mượn xe), có căn cứ xác định Đặng đã gặp Nhơn trong ba ngày. Đối chiếu với ngày cân mía của Đặng (ngày 19-4-2016), tính lùi lại thì cho thấy ngày Đặng gặp Nhơn lần đầu tiên là ngày 17-4-2016. Từ đó xác định bị cáo có mặt ở Vị Thanh (Hậu Giang) vào sáng 17-4-2016 và dùng xe máy của Đặng đi đến 17 giờ cùng ngày.

Với chiếc xe máy là phương tiện gây án, mặc dù lời khai của Rồi và Đặng có một số mâu thuẫn về màu sắc nhưng lại trùng khớp là xe không có chìa khóa, yên không khóa. Từ đó xác định phương tiện dùng gây án là chiếc xe bị cáo Nhơn mượn của Đặng. Về đặc điểm nhận dạng của Nhơn, mặc dù lời khai có mâu thuẫn nhưng cả Rồi, Ngân đã nhận diện được đặc điểm Nhơn có vết sẹo ở mặt và hình xăm ở tay.

Đối với lời khai của những người làm chứng cho rằng Nhơn có mặt ở bãi mía vào ngày 17-4-2016 nhưng có mâu thuẫn về đặc điểm nhận dạng Nhơn. Cụ thể, một người khai bị cáo mặc quần short, nhân chứng khác khai bị cáo mặc áo cụt tay, người còn lại thì khai mặc áo dài tay, quần jean đen. Mặt khác, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa trước, những người làm chứng này đều xác định sinh hoạt, làm việc theo ngày âm lịch. Nhưng trong lời khai lại thể hiện thời điểm gặp bị cáo là dương lịch.

Từ những phân tích trên, HĐXX xác định Nhơn chính là đối tượng cùng với Rồi ra tay cướp tài sản của Ngân. Bị cáo là người rủ rê và dùng vũ lực cướp tài sản, nhân thân xấu, quanh co chối tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Cũng theo HĐXX, hai nhân chứng là vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Nam và Phạm Thị Thu Hương cố tình cung cấp chứng cứ, tài liệu sai sự thật, khai báo gian dối trong quá trình giải quyết vụ án. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối nên HĐXX yêu cầu VKSND huyện khởi tố vụ án và giao cơ quan điều tra điều tra làm rõ.

Ngay sau khi tòa tuyên án, bị cáo Nhơn vẫn liên tục nói mình bị oan. Vợ bị cáo cho biết sẽ nhờ luật sư làm đơn kháng cáo bản án này.

Cướp túi của người bán vé số

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tháng 4-2016, Trần Văn Rồi gặp Nhơn chạy xe máy đi ngang qua rồi rủ nhau cướp giật. Cả hai đã giật túi xách bên trong có 1,35 triệu đồng của anh Ngân bán vé số và bỏ chạy. Nhơn chia cho Rồi 300.000 đồng, còn lại giữ tiêu xài và mua ma túy sử dụng.

Công an huyện Phụng Hiệp đã bắt, khởi tố Nhơn và Rồi về tội cướp giật tài sản. Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2016, TAND huyện phạt Nhơn bốn năm tù, Rồi ba năm sáu tháng tù. Nhơn kháng cáo kêu oan, cho rằng ngày xảy ra vụ án mình đi chở mía thuê cho ông Nguyễn Hoàng Nam ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, cách hiện trường hàng trăm kilomet.

Tháng 4-2017, TAND tỉnh Hậu Giang đã hủy một phần án sơ thẩm về tội danh, hình phạt đối với Nhơn, yêu cầu điều tra lại. Tháng 10-2018, TAND huyện xử sơ thẩm lần hai nhưng trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Vì sao tòa yêu cầu khởi tố hai nhân chứng?

Theo HĐXX, nhân chứng Hương khai gặp bị cáo Nhơn khoảng 18 giờ là mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng Tiền nói Nhơn về đến là khoảng 15 giờ, trong khi Nhơn khai là 12 giờ. Tiền còn khai ngày 17-4-2016, khi lôi mía chuyến thứ hai khoảng 13 giờ đến 13 giờ 30 có gặp bị cáo đang đứng trên bờ nhưng bị cáo cho rằng không gặp Tiền.

Căn cứ vào lời khai những người làm chứng là ông Lương, Miền, Mến Sơn, Kim Anh, Đắc... cùng với sổ ghi chép do Nam cung cấp cho thấy tờ tường trình của vợ chồng ông Nam, bà Hương thể hiện gian dối với những người làm chứng về mặt nội dung xác nhận ngày 17-4-2016 Nhơn đang ở bãi mía Kiên Giang. Theo sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương thì dùng ngày âm nhưng tờ tường trình lại ghi ngày dương. Hơn nữa, những người làm chứng không biết nội dung mà vợ chồng ông Nam gian dối. Sổ ghi chép theo dõi ghe của Nhơn, ông Nam ghi ngày 10-3-2016 (tức ngày 16-4-2016 dương lịch) là chuyến cuối cùng của Nhơn rời khỏi bãi mía của ông Sơn và phù hợp với số ghi chép đăng tài cân mía của Xí nghiệp đường Vị Thanh.

Từ đó đủ cơ sở xác định lời khai và tờ tường trình của vợ chồng ông Nam là gian dối, bịa đặt, không khách quan trong việc tạo lập chứng cứ ngoại phạm của bị cáo. Mặt khác, ông Nam và bà Hương được xác định là chỗ thân quen của Nhơn (thuê Nhơn làm việc) và từng chịu ơn Nhơn.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/phan-quyet-bat-ngo-vu-cuop-xuyen-khong-812416.html