Phản pháo quan điểm chê sinh viên làm ở quán cafe chứ không chọn công ty start-up: 'Đừng dụ dỗ bằng cách hạ thấp người khác'

Theo đó, các bạn sinh viên đưa ra rất nhiều lý do gai góc để bác bỏ quan điểm của chủ nhân bài viết tại sao sinh viên thời nay nhiều người chọn làm ở quán cafe lương 15k/h chứ không gia nhập công ty startup dù lương cao hơn?

Sinh viên có nên đi làm thêm hay không và nên lựa chọn công việc như thế nào là phù hợp? Đây là chủ đề luôn luôn nhận được sự quan tâm từ xã hội.

Mới đây, một bài viết được đăng tải trên Youth Confessions đã đề cập đến vấn đề này khi nêu lên thực trạng nhiều sinh viên nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, hoạt ngôn với khách hàng sẵn sàng lựa chọn công việc ở một quán cafe, trà sữa với mức lương không quá 15.000 đồng/ giờ thay vì đi làm ở một công ty Start-up với mức lương tối thiểu 20.000 đồng/giờ.

Theo đó, tác giả chỉ ra vấn đề này xuất phát từ tư tưởng thực dụng và tầm nhìn hạn hẹp khi các công việc làm thêm có thể đảm bảo tiền lương đều đặn, thoải mái, linh động và ít áp lực hơn so với môi trường start-up nhiều khó khăn.

Những kiến thức bạn học được trong thời gian thực tập ở 1 công ty, ở ngoài họ tổ hợp lại thành 1 khóa học và bán với giá trên trời, bạn nghiễm nhiên không mất bất kì chi phí nào mà học được những thứ kiến thức thực sự giá trị trong cuộc sống? Bạn còn đòi hỏi gì nữa đây?”

Tác giả bài viết cũng nói rằng nếu sinh viên mãi mãi đi làm quán cafe, trà sữa thì họ sẽ mãi mãi làm cho đồng lương của cafe, quán trà sữa bèo bọt và ngành tri thức của Việt Nam sẽ phát triển chậm hơn nhiều so với các đất nước khác. Đồng thời cũng đưa ra lời nhắn nhủ với sinh viên không nên để chất xám đóng cục. Muốn hóa giải tình trạng này, sinh viên nên tìm và đăng kí làm tại một công ty bất kì, phát triển kĩ năng từ những năm đầu đại học để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Sinh viên đi làm thêm tại các quán cafe

Bài viết chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng mạng phần đông là giới trẻ và họ cũng để lại nhiều bình luận nói lên ý kiến cá nhân của mình. Đứng ở góc độ sinh viên, rất nhiều bạn trẻ đưa ra không ít lý do chính đáng để phản bác quan điểm mà theo họ là khá phiến diện của chủ nhân bài viết.

“Bài viết kia chỉ đang nhằm kêu gọi nhân sự cho các công ty startup, thật ngớ ngẩn khi cho rằng luận điểm của tác giả đúng 100%”

Theo nhiều sinh viên, mỗi người có một hướng đi, sở thích, cách nhìn cho tương lai khác nhau nên không thể đòi hỏi tất cả sinh viên phải lựa chọn làm thêm ở công ty start-up thay vì một công việc tay chân.

Hơn nữa, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, công việc chính của sinh viên là học tập. Vấn đề làm thêm chỉ để có thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm sống, làm việc. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thực tế, sinh viên có thể phát triển kỹ năng bằng nhiều cách như tham gia hoạt động tình nguyện, ngoại khóa, giao lưu kết bạn, học các kỹ năng mềm, đọc sách, nghiên cứu tài liệu, dành thời gian phát triển các năng khiếu…

Nhiều bạn trẻ chọn làm phục vụ quán cafe hơn là làm thuê cho công ty startup. Ảnh minh họa.

Xét về việc rèn luyện kinh nghiệm làm việc, va vấp thì chưa chắc các công việc như phục vụ ở quán cafe, quán ăn, chạy xe ôm… đã không mang lại hiệu quả. Theo nhiều người, những công việc này rèn cho họ sự kiên trì, nhẫn nại, cách giao tiếp, ứng xử linh hoạt khi mỗi ngày đều phải tiếp xúc với hàng trăm người, hàng trăm cá tính khác nhau… Đây đều là những điều mà một nhân viên văn phòng luôn ngồi cố định 1 chỗ, tiếp xúc với 1 số người nhất định chưa chắc đã làm được.

Công việc startup mất khá nhiều thời gian, vất vả, áp lực hơn mà chưa biết học được kinh nghiệm gì, tương lai ra sao… thì tại sao lại không thể làm công việc đỡ hại não hơn mà thu nhập cũng khá cao, tính theo giờ chỉ kém công việc ở công ty khởi nghiệp 5k/h” - bạn Thùy (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) nói.

“Ai bảo làm thêm phục vụ ở quán cafe thì không học được kỹ năng gì… Rất nhiều kỹ năng như ứng xử, giao tiếp, thái độ sống. Nói thật nhé, mình thấy thái độ và tâm tính rất quan trọng. Một người đi làm cho startup có thể giỏi chuyên môn đấy nhưng tính tình nóng nảy, không biết cách cư xử thì cũng khó tiến xa. Trong khi đó làm các công việc phục vụ, bạn được rèn rất nhiều về thái độ sống và cách ứng xử mềm dẻo.

Hơn nữa, nếu làm ở công ty startup chỉ là lo công việc nhàng nhàng, chưa biết có ứng dụng được cho sự nghiệp sau này hay không thì liệu có thực sự đem lại hiệu quả như tác giả nói“, bạn Hòa Anh (sinh viên Học viện Tài Chính) chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Thắng thắn nhìn vào quan điểm của tác giả bài viết nêu trên, nhiều sinh viên cho rằng, người này đang quá coi thường những công việc tay chân. Nếu cứ chiếu theo quan điểm này thì chẳng hóa ra làm ở quán cafe, chạy xe ôm là những công việc hạ đẳng… không xứng đáng cho người có chút học thức làm.

Một số ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận, công việc ở công ty startup không phải sinh viên nào cũng làm nổi. Có những bạn sinh viên năm nhất, năm 2 nhưng kiến thức và kỹ năng còn yếu nên không tự tin đăng ký tham gia chứ chưa hẳn là do họ không muốn làm.

Đáng chú ý, không ít bạn sinh viên cho rằng tác giả bài viết trên đang coi sinh viên là “chuột bạch”, là nguồn nhân lực tri thức giá rẻ và kêu gọi họ về làm cho các công ty startup.

Đọc bài này mình thấy giống như tác giả đang kêu gọi sinh viên tụi mình về đầu quân cho các công ty startup và giống như được họ dạy cho kỹ năng làm việc là may lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Rất nhiều bạn sinh viên bây giờ giỏi giang và không đến nỗi cần các doanh nghiệp startup ban cho 1 khóa đào tạo mà như anh tác giả nói là bên ngoài bán với giá cắt cổ, sinh viên được học free là may lắm rồi.

Thật ngớ ngẩn khi tin vào lý lẽ đó. Tác giả hãy dừng lại và đừng dỗ ngon sinh viên về làm cho starup bằng cách hạ thấp họ, muốn sinh viên chịu vất vả với mức lương bèo bọt” bạn Đình Anh (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) tâm sự.

Đồng tình với ý kiến này, bạn Nam (sinh viên Bách khoa) cũng cho rằng: “Công ty starup quá bận rộn vì ít nhân sự do quỹ lương ít, sinh viên có thể phải làm rất nhiều đầu việc mà chưa chắc đã được chỉ bảo gì nhiều. Với công sức và thời gian ấy, họ có thể làm nhiều việc có ích hơn, đây không phải là tầm nhìn ngắn hạn mà là suy nghĩ thực tế”.

Muốn tiến xa hơn - Starup là lựa chọn lý tưởng

Bên cạnh ý kiến phản đối gay gắt, nhiều sinh viên lại đồng tình với quan điểm của tác giả. Theo họ, nếu muốn học hỏi được nhiều điều, starup là lựa chọn không tệ.

Bạn Ngọc Anh (ĐH Thăng Long) chia sẻ: “Sinh viên không thể sống với mức lương 15.000 đồng/giờ mãi được. Họ phải đi xa hơn, kiếm nhiều tiền hơn nên bài viết của tác giả không phải không có lý. Tuy làm ở công ty starup vất vả, lương chưa cao nhưng đó là cơ hội để học hỏi được nhiều thứ. Vì là công ty trẻ nên mình được coi trọng, được giao việc thực sự và được các anh chị đi trước chỉ bảo tận tình. Mình đang làm cho starup và mình hiểu điều ấy”.

Cũng có không ít bạn lựa chọn công ty startup.

Đồng tình với quan điểm này, bạn Hòa An (ĐH Giao thông Vận tải) tâm sự: “Mình nghĩ làm cho startup rất vui và thú vị. Đó là môi trường để mình va vấp thực sự. Rất nhiều người sau thời gian làm công ty startup đã nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp và sau khi ra trường, họ đã không còn sống phận làm thuê nữa mà trở thành ông bà chủ giỏi giang, giàu có. Mình nghĩ trước khi ném đá tác giả bài viết, các bạn sinh viên nên có cái nhìn coogn bằng hơn”.

Hiện tại, bài viết trên vẫn đang gây tranh cãi dữ dội. Có lẽ, công việc part-time hay một công ty start-up đều mang lại những lợi ích riêng điều quan trọng mà các bạn trẻ cần nhận định được đúng hướng đi của mình để phát triển được tất cả năng lực của mình, đem lại giá trị không chỉ cho bản thân mà còn cả gia đình và xã hội.

Linh Chi

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sinh-vien-tv/huong-nghiep/phan-phao-quan-diem-che-sinh-vien-lam-o-quan-cafe-chu-khong-chon-cong-ty-start-up-dung-du-do-bang-cach-ha-thap-nguoi-khac-4190303.html