'Phan nhân 1972': Gom ký ức, đan dệt hiện tại và tương lai

Đọc 'Phan nhân 1972,' chúng ta được dịp cởi bỏ lối 'quan phương' chỉn chu, trang nghiêm, chỉnh tề trong hành văn chính thống để cảm nhận một lối viết tung tẩy, tùy hứng, tếu táo, ngang tàng.

(Nguồn: Vietnam+)

(Nguồn: Vietnam+)

Với tuổi học trò thì viết và đọc lưu bút, nhật ký, hồi ký, tự truyện là điều quen thuộc. Viết về nó không khó, nhưng để thành công về đề tài này thì không dễ, nếu không nói là sẽ gây nhàm chán và tẻ nhạt.

Một số cuốn sách phần nhiều chỉ để trưng bày trên kệ và rồi chỉ cần vài mẩu tin trên thế giới mạng kiểu "Đến học mầm non cũng hội lớp," Hội lần thứ 3 mới biết mình nhầm lớp,"... là người ta sẽ quên luôn cả màu bìa của cuốn sách đó. Việc nhớ tên cuốn sách và tác giả của nó là điều "xa xỉ," chỉ tồn tại bằng những status trên thế giới ảo mà thôi.

Tôi đã cố thử và bắt ép cảm xúc của mình bao lần nhưng vẫn không thể nào làm được!

Nhưng bản tính cố chấp của tôi đã thay đổi sau khi đọc "Phan nhân 1972," cuốn hồi ức tập thể mà tác giả của nó là các cựu học sinh chuyên Văn, Toán, Lý K15 trường Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ Tĩnh (cũ).

Hầu hết họ thuộc lứa sinh năm 1972. Họ có quy ước riêng của học sinh học mái trường này, gọi nhau là "Phan nhân" một cách giản đơn và gần gụi. Như trong lời mở sách, một trong số họ đã bộc bạch là chỉ cần hai tiếng "Phan nhân" ấy vang lên thì trong họ đã cuộn trào bao kỷ niệm về mái trường, thầy cô, bạn bè yêu dấu.

"Phan nhân 1972" được kết cấu gồm 4 phần chính: Phần 1: Bạn và tôi; Phần 2: Ký ức vụn; Phần 3: Tình yêu đầu đời; Phần 4: Những người thầy đặc biệt và Phần vĩ thanh: Phan nhân ngày ấy-bây giờ. Cuốn sách dày gần 400 trang.

Đọc nó, chúng ta được dịp cởi bỏ lối "quan phương" chỉn chu, trang nghiêm, chỉnh tề trong hành văn chính thống để cảm nhận một lối viết tung tẩy, tùy hứng, tếu táo, ngang tàng.

Bên cạnh ngôn ngữ phổ thông là ngôn ngữ mang đậm chất Nghệ ngữ. Đằng sau những dòng cảm xúc phóng túng, tự do ấy là ẩn chứa sự tinh tế, tài hoa và điêu luyện trong cách viết. Chúng ta sẽ bắt gặp bởi một lối viết riêng và lạ.

Có phải những nhân vật trong dòng ký ức của "Phan nhân 1972" là nhà văn, nhà thơ đồng thời cũng là những nhà báo nên những ký ức đó vừa có tính chất của hồi ký tự truyện vừa mang tính "phóng sự" của báo chí? Điều đó có thể là dụng ý và có thể là trùng hợp? Chẳng biết, chỉ biết rằng "Phan nhân 1972" đã đem đến cho người đọc sự "hấp dẫn, hứng thú đến lạ thường!"

Thoạt nhìn bên ngoài thì cuốn sách có kết cấu khá lỏng lẻo, tùy hứng, nhưng đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy nó có một mạch ngầm xuyên suốt, mạch tự sự có tính hệ thống từ đầu đến cuối.

Các câu chuyện có khi kể đi và kể lại nhưng nội dung tự sự trong từng ngữ cảnh lại khác đi: câu chuyện của một cô, cậu học trò trong mối quan hệ với bạn bè, với người yêu và với người thầy giáo, cô giáo của mình.

Bước vào thế giới của "Phan nhân 1972," chúng ta sẽ bắt gặp kiểu nhân vật được "nhắc lại" nhiều lần. Nhân vật theo lối "nhắc lại" nhưng mỗi lần nhân vật được nhắc thì lại hiện lên những câu chuyện, sự kiện mới mẻ hơn và chứa đựng nhiều thú vị, độc đáo, bất ngờ. Tuy phong phú, đa dạng và chứa đựng nhiều bí mật trong các câu chuyện kể nhưng nhân vật vẫn hiện lên với một nét nhất quán với nhau.

Vì vậy, men theo dòng ký ức, ống kính của các nhân vật kể chuyện sẽ thấy được những "mảnh" cảm xúc trong từng ngữ cảnh. Nhưng những "ký ức vụn" ấy lại làm nên một chân dung đầy đủ, rõ nét về ngoại hình, tính cách và tâm hồn của nhân vật.

Cái độc đáo, thú vị của cuốn sách là đằng sau mỗi lát cắt câu chuyện kể, những ký ức vỡ vụn ấy là hướng đến sự hoàn thiện trong thế giới tâm hồn. Ký ức được kể như một tình cờ, tự nhiên, lối hành văn không cầu kỳ, tô vẽ, dòng cảm xúc không nhuốm màu lý trí.

Tính cách, tâm hồn của nhân vật trong các dòng ký ức lại được hình thành, hun đúc và kết tinh từ tình yêu, sự dạy dỗ của các bậc sinh thành và nhân cách người thầy giáo, cô giáo đã đồ chiếu lên họ. Có lẽ vì thế mà mỗi khi họ nghĩ về gia đình, thầy cô và mái trường thì học đã tự sự bằng cả những niềm yêu kính.

Phải chăng chính được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục này mà Phan nhân K15 là những người thành đạt. Sự thành đạt của họ không phải được đo, đếm bằng chức vụ, địa vị trong xã hội mà bằng sự yêu mến, quý trọng của mọi người về cái "chất" toàn diện của một thế hệ Phan nhân.

Đọc cuốn sách này, không chỉ bắt gặp ký ức hồn nhiên, tinh nghịch, tếu táo của các cô cậu học trò mà ta còn cảm nhận được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tấm lòng trắc ẩn, sâu sắc trong cái nhìn và ứng xử nhân văn trong cuộc sống.

Những con người thời ấy, đa phần lúc bấy giờ sống trong nghèo khó, bần bạc nhưng lại giàu nghĩa tình trong cảm xúc và hành động, bản lĩnh trong tính cách.

"Phan nhân 1972" với nhiều câu chuyện, xuất hiện nhiều gương mặt, cuộc sống với nhiều số phận, nhưng tựu trung lại là hai tuyến nhân vật, hai kiểu tính cách: gái thì xinh xắn, tinh nghịch, sắc sảo, đáo để nhưng nữ tính; trai thì luộm thuộm, hiền lành, quảng đại và đàn ông (các nhân vật nữ hiện lên với nét đanh đá, tinh nghịch và đáo để không chỉ được kể bởi các cậu học trò nam mà còn chính bởi nhân vật người trong chuyện. Ngược lại, tính cách của các bạn nam được tái hiện qua dòng ký ức chân thật của nhân vật kể chuyện là các bạn nữ. Vì vậy, tính xác thực của thông tin và độ tin cậy rất cao).

Khác với các cuốn hồi ký từng gặp, từng xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, "Phan nhân 1972" đã đem đến cho mọi người một cách viết riêng, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Nó không chỉ là những dòng ký ức về một thời đã qua mà những câu chuyện kể còn được "vắt," nối, đan, lồng giữa hai miền quá khứ và hiện tại.

Sau mỗi câu chuyện của quá khứ mấy chục năm về trước là những dòng bình luận... Chính vì vậy, cuốn sách đã đưa người đọc đi về giữa hai bờ quá khứ và hiện tại một cách dễ dàng.

Nếu quá khứ cho chúng ta gặp lại chính mình với thủa ngây thơ ngày trước thì những lời trữ tình ngoại truyện dưới dạng giao tiếp của cuộc sống số, công nghệ thông tin lại đưa ta trở về với hơi thở của cuộc sống hiện tại.

(Nguồn: Vietnam+)

Thế giới những câu chuyện kể trong "Phan nhân 1972" có khi đứt đoạn, chắp nối nhưng lại liền mạch - mạch hồi ký. Vì vậy, dù những dòng ký ức thuộc về quá khứ nhưng nó không bao giờ quá vãng. Nếu như hồi ức là dòng thời gian chủ đạo trong sách thì những lát cắt thảng hoặc của thời gian hiện tại cũng tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho cuốn hồi ký này.

Những dòng tâm sự của các cô, cậu học trò trường Phan thủa ấy và bây giờ là những người mẹ, người bố đang tâm sự cùng với con trẻ là những dòng chữ tuy kiệm lời mà có sức dư ba vô cùng.

Đằng sau những lời tâm sự với con, bao giờ họ cũng mong muốn về những điều tốt đẹp cho con và mong chờ những người con trưởng thành, khôn lớn, nếu không dám nói là mong muốn một thế hệ Phan nhân mới. Đó cũng là mạch cảm xúc, sự kiện được tiếp nối giữa thế hệ 1972 và thế hệ Phan nhân hôm nay và mai sau, từ đó, giúp ta biết trân trọng, nâng niu những điều đơn sơ, nhở bé nhưng lại có ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Đọc "Phan nhân 1972," những thế hệ cùng học tập, chung sống dưới mái trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu không chỉ được sống lại, được cảm nhận mà nó còn lay thức và chỉ dẫn cho những đứa con của thế hệ Phan nhân hôm nay được kết nối, quảng giao và tìm về những ký ức vỡ vụn kia, để lắp ghép, hình thành và kết tụ một Phan nhân mới.

Rất có thể chứ! Nếu vậy, "Phan nhân 1972" không chỉ dừng lại không gian kết nối của các cô cậu học trò đa số sinh năm 1972, K15 đã có những thời gian được học tập ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An bây giờ và Nghệ Tĩnh ngày xưa mà còn dệt nên một không gian mới - không gian tiếp nối của thế hệ thứ hai, thứ ba.

Và điều quan trọng, cuốn sách "Phan nhân 1972" đã nói hộ được tâm trạng, cảm xúc của bao thế hệ học sinh trong độ tuổi đẹp nhất và nhớ nhất - học sinh Trung học phổ thông.

Khép lại những trang sách cuối cùng, "Phan nhân 1972" đã mở ra một hành trình tìm về ký ức cho những người hiện tại. Quả thật, đi cũng là cách để tìm về cội nguồn yêu thương của những giá trị, những "ký ức vụn" cũng đủ để tạo nên những giá trị nhân văn trong đời sống hiện tại.

Cuộc sống là hành trình tiến lên phía trước, chúng ta sẽ không sống bằng quá khứ nhưng quá khứ là hành trang quý giá cho con người sống với hiện tại và hướng đến tương lai.

Zig Ziglar, một diễn giả người Mỹ đã rất có lý khi cho rằng "bạn thành công khi bạn hài hòa với quá khứ, tập trung vào hiện tại và lạc quan về tương lai." Phan nhân 1972 chính là những người gom ký ức vụn đan dệt hiện tại và tương lai!./.

Đậu Quang Hồng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phan-nhan-1972-gom-ky-uc-dan-det-hien-tai-va-tuong-lai/584167.vnp