Phân luồng sau THCS: Nước đến chân mới nhảy?

Băn khoăn lớn đang đặt ra từ thực tế tuyển sinh lớp 10 năm học vừa qua: Công tác phân luồng học sinh THCS có gì đổi thay, hay vẫn dậm chân tại chỗ để đến khi kết thúc kỳ tuyển sinh, lại nói về 'chuyện đã rồi'?

Khuyến khích học sinh sau THCS học nghề.

Học sinh chưa mặn mà học nghề

Bài toán phân luồng sau THCS đã được đặt ra từ nhiều năm qua, đây không còn là vấn đề của một địa phương mà đã trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục. Tuy vậy, trên thực tế công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, hiện hàng năm nước ta có khoảng 1,2 triệu học sinh (HS) tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS nói chung hiện được định hướng vào 4 luồng chính là: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống. Từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường TCCN đặt dưới sự quản lý của Bộ GDĐT, còn các trường TCN thuộc quản lý của Bộ LĐTB&XH. Từ năm 2017, hệ thống đào tạo TCCN đã được chuyển giao quản lý từ Bộ GDĐT về Bộ LĐTB&XH.

TS Nguyễn Đức Nghĩa- Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam mới đây cho hay: Tuy được định hướng theo 4 luồng chính sau THCS nhưng thực tế hiện nay phần lớn các tỉnh/thành đều có tình trạng “dồn toa” theo luồng học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%, TP.HCM 77%...). Trong khi đó, việc chọn luồng giáo dục thường xuyên chỉ là giải pháp của rất ít HS. Ngành giáo dục và các trường cũng nhận diện rất rõ thực trạng việc lựa chọn nghề của HS còn theo tâm lý đám đông, tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp, hệ thống thông tin thị trường lao động thiếu cập nhật... Song, các giải pháp để khắc phục các bất cập vẫn còn khá chung chung mà chưa có đường hướng cụ thể như tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS.

Cần hướng nghiệp thực chất

Theo tinh thần Thông tư mới của Bộ GDĐT ban hành năm 2018 đã bỏ quy định Sở GDĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh thi vào lớp 10. Như vậy, đồng nghĩa với việc Bộ GDĐT không giao cho cho các sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa. Do đó, trong kỳ thi vào lớp 10 từ năm học 2019, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích bao gồm cả điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi HS giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các Sở GDĐT tổ chức.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay, Bộ bỏ quy định này bởi những lý do thực tế. Nhiều nơi phản ánh vì có việc cộng điểm mà việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm, trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp HS tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương.

Phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, thực chất việc dạy và học nghề lâu nay ở các trường THCS, THPT vẫn nặng về thành tích. Các trường không ngần ngại ép buộc HS học nghề, không cần biết các em có nhu cầu hay không. Thậm chí, có trường, có giáo viên còn “dọa” hạ hạnh kiểm HS nào không tham gia học nghề. Kết quả dạy và học nghề nhiều năm qua cũng không thấy có HS nào đạt kết quả trung bình, ít nhất cũng là khá trở lên. Nếu cứ theo kết quả này, lẽ ra kỹ năng thực hành các nghề phổ thông mà các em đang được học như nghề làm vườn, tin học văn phòng, điện dân dụng, trồng rừng, nấu ăn, thêu tay, cắt may... phải rất tốt. Song trên thực tế khi kiểm tra bất chợt, rất ít HS thao tác thành thạo nghề mà các em đã học, kể cả thao tác trên máy tính với nghề Tin học văn phòng - vốn rất phổ biến được các trường triển khai.

Mục đích của việc giáo dục nghề phổ thông trước đây vốn có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận. Đó là hướng cho HS tiếp cận một số nghề nghiệp để định hướng cho tương lai. Đó còn là mục tiêu quan trọng để phân luồng, hướng nghiệp cho HS sau THCS. Tuy nhiên, chính điểm cộng của việc học nghề đã khiến cho HS học nghề chỉ qua loa, không chú trọng vào nghề nghiệp, không chú trọng vào kiến thức mà học chủ yếu để được cộng điểm. Âu cũng bởi tâm lý của phụ huynh, HS vẫn còn chuộng bằng cấp nên việc học nghề vẫn chưa thu hút người học. Với điểm cộng của việc học nghề, các em HS cho dù học lực trung bình, học yếu cũng mong muốn được vào học lớp 10 THPT chứ không muốn học GDTX hoặc học nghề.

Trước thềm một kỳ tuyển sinh mới vào lớp 10 THPT, việc Bộ GDĐT bỏ quy định cộng điểm nghề đang được kỳ vọng sẽ hướng các HS khá, giỏi tiếp tục học THPT.

Dẫu thế nếu dạy và học nghề vẫn tồn tại- với mục đích hướng nghiệp mà kết quả không thực chất, rất cần xem xét lại một cách nghiêm túc việc dạy nghề trong nhà trường phổ thông để tránh lãng phí, tránh để “nước đến chân mới nhảy”.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/phan-luong-sau-thcs-nuoc-den-chan-moi-nhay-tintuc418028