Phân luồng học sinh sau THCS: Vẫn là thách thức đối với học nghề

Dù được đánh giá là những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc hơn, nhưng công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn những hạn chế. Theo thống kê, chỉ 10% học sinh tốt nghiệp THCS chọn học nghề, còn lại là tiếp tục học lên.

Việt Nam có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao phủ cả nước nhưng lại thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và DN còn gặp khó trong tuyển dụng. Công tác phân luồng chưa thật sự hiệu quả, gây áp lực cho giáo dục nghề nghiệp.

Những con số từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2 năm gần đây cho thấy, có những thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp, chứ không có nguyện vọng tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có tổng số 925.961 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, 237.320 thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2018, chỉ có số thí sinh tự do đăng ký xét tuyển giảm, còn số thí sinh THPT, thí sinh GDTX và thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp đều tăng. Như vậy, có thể nói rằng công tác phân luồng học sinh sau THCS và cấp THPT có hiệu quả hơn không?

Thực tế, đúng là công tác phân luồng học sinh đã chuyển biến, nhưng không có nghĩa đã đạt kết quả như mong đợi, nhất là ở cấp THCS. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên PGĐ ĐH quốc gia TP HCM, bài toán phân luồng sau THCS không còn là vấn đề của một địa phương mà đã trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục.

Công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS hiện nay vẫn còn khá nhiều khó khăn. (Ảnh P.T)

Công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS hiện nay vẫn còn khá nhiều khó khăn. (Ảnh P.T)

Hàng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung được định hướng vào 4 luồng chính gồm: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống.

Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%, TP HCM 77%...). Trong khi đó, việc chọn luồng giáo dục thường xuyên chỉ là giải pháp của rất ít học sinh. Ngành giáo dục và các trường cũng nhận diện rất rõ thực trạng việc lựa chọn nghề của học sinh còn theo tâm lý đám đông, tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp, hệ thống thông tin thị trường lao động thiếu cập nhật...

Từ năm 2016 trở về trước, hệ thống các trường TCCN đặt dưới sự quản lý của Bộ GD&ĐT, còn các trường TCN thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH. Đến năm 2017, hệ TCCN được Bộ GD&ĐT chuyển giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Khi đó, số liệu của Bộ GD&ĐT cho thấy số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ vào khoảng hơn 10%. Như vậy, theo dù lạc quan thì trong 2 năm tới (năm 2020) cũng khó lòng đạt mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề.

TS Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD&ĐT cho rằng, mục tiêu phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, TC; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ… theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2018-2025” là những con số không dễ đạt được với thực tế hiện nay.

Hiện nay các giải pháp để khắc phục hạn chế về công tác phân luồng này vẫn còn khá chung chung mà chưa có đường hướng cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Trong tháng 10 này, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành khung chương trình GDPT mới, và rất nhiều ý kiến cho rằng, công tác phân luồng nên được thể hiện ngay ở chương trình khung này, có như thế, các em học sinh mới được định hướng sớm về giáo dục nghề nghiệp, chọn nghề theo năng lực và sở thích.

Trước đó, khi công bố chương trình GDPT tổng thể, nhiều ý kiến cho rằng công tác phân luồng chưa được làm rõ trong chương trình mới.

GS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Nếu theo tinh thần Nghị quyết 29, hết bậc THCS, học sinh phải được phân luồng, nhưng ở khung mới, đến lớp 10 học sinh vẫn còn học rất nhiều môn. Chương trình đưa ra lần này có vẻ như đang mô phỏng theo Singapore, nhưng tại Singapore, cấp một có 6 năm, cấp hai là 4 năm, do đó, lớp 10 vẫn thuộc THCS. Cấp 3 rút xuống còn 2 năm; lúc này chương trình học có tính phân luồng và phân hóa rất rõ ràng.

“Tôi cho rằng ở cấp THPT cần có sự phân hóa, nên chia ra 30-40% học sinh theo hướng nghiên cứu, 50-60% theo hướng ứng dụng thực hành. Nếu vậy thì tổ chức nhà trường cũng phải thay đổi theo” – GS Trần Xuân Nhĩ nói.

Một số ý kiến chuyên gia hướng nghiệp cho rằng, xét về dài hạn, phân luồng, hướng nghiệp cần phải được thực hiện sớm hơn (ngay từ THCS, thậm chí từ tiểu học). Nên làm ngay từ cấp THCS, không nên để lớp 10 mới làm dự hướng nghề nghiệp.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phan-luong-hoc-sinh-sau-thcs-van-la-thach-thuc-doi-voi-hoc-nghe-123088.html