Phân luồng học sinh: Đích đến vẫn còn xa

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, mới đây Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực đã tập trung trao đổi xung quanh các nội dung về triết lý giáo dục, chính sách xã hội hóa giáo dục, phân luồng học sinh, hướng nghiệp và liên thông trong đào tạo...Trong đó, những đóng góp về công tác phân luồng học sinh đặt ra yêu cầu cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Phân luồng học sinh phổ thông vẫn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa).

Chưa chú trọng đúng mức phân luồng

Theo phân tích từ TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GDĐT: Nghị định 75 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục có quy định cụ thể về phân luồng. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh quy định đó, chắc chắn phân luồng sẽ có chuyển biến. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay công tác phân luồng vẫn còn nhiều hạn chế, do nhiều nguyên nhân. Trong đó, một nguyên nhân do chưa có sự quan tâm, đặt bài toán phân luồng trong mối quan hệ với bài toán liên thông và cả hai cần nhìn trong một bối cảnh mới là học tập suốt đời. Nếu phân luồng gắn với liên thông thì người học đi vào luồng nghề sẽ không còn cảm thấy đi vào ngõ cụt như trước kia mà vẫn có thể học tiếp ở các trình độ cao hơn; tiếp nữa đặt trong bối cảnh học tập suốt đời sẽ tạo điều kiện và động lực để người lao động nâng cao trình độ theo sở thích, năng lực và điều kiện cụ thể của cá nhân.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng cho rằng, lời giải của bài toán phân luồng và liên thông phụ thuộc vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện thành công Khung trình độ quốc gia. Vì vậy, để đóng góp về phương diện pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phân luồng và liên thông trong giáo dục, bên cạnh các quy định về trách nhiệm của Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH như trong Nghị định 75, cần bổ sung trách nhiệm của các Bộ đó trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia.

Trước đó, vào tháng 5/2018, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, trong đó đặt mục tiêu: Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.

Song trên thực tế, ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp cụ thể khuyến khích học sinh học nghề. Công tác phân luồng học sinh ở nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và không mấy hiệu quả, mỗi năm chỉ có khoảng dưới 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

Cần hoàn thiện Khung trình độ quốc gia

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 26, theo đó “Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp”. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua cũng đã có sự phân định rõ giữa hai giai đoạn giáo dục. Đó là: giai đoạn giáo dục cơ bản được thực hiện ở cấp tiểu học và THCS và giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

Dẫu thế, một băn khoăn cũng đang được đặt ra khi nào Khung trình độ quốc gia được hoàn thiện? Trước đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10 năm 2016 bao gồm 8 bậc: Sơ cấp (3 bậc), Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Mỗi bậc học có yêu cầu về khối lượng học tập tối thiểu và miêu tả khái quát về kiến thức và kỹ năng cần đạt được. Việc phê duyệt khung trình độ quốc gia là một dấu mốc quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao. Bộ GDĐT nhận định: Khung trình độ quốc gia Việt Nam là cơ sở để phát triển các tiêu chuẩn đào tạo, phát triển chương trình và là thước đo đánh giá năng lực của người học sau khi tốt nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo TS Nguyễn Quang Việt (Viện Phát triển Giáo dục và Văn hóa Việt Nam), Trưởng nhóm nghiên cứu giải pháp triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam: Cho đến nay, Khung trình độ quốc gia Việt Nam chưa được đề cập trong bất cứ văn bản luật liên quan nào của Việt Nam là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và Luật Giáo dục nghề nghiệp ngoài 2 văn bản Chiến lược Phát triển Giáo dục 2011 - 2020 và Chiến lược Phát triển Dạy nghề 2011 - 2020, Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ Việt Nam và Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Yêu cầu đặt ra là việc triển khai xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên: Đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; sử dụng lao động; cơ quan quản lý nhà nước và các viện nghiên cứu chính sách và phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sự phối hợp này phải được thể hiện thống nhất trong việc tổ chức thực hiện xác định hai bộ tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nghề nghiệp và Tiêu chuẩn đào tạo cho từng trình độ.

Như đã từng nhiều lần đề cập, lâu nay phân luồng giáo dục sau THCS luôn là vấn đề khó khăn, dẫn đến những bất cập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều này cũng góp phần gây ra tốn kém, lãng phí không nhỏ trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Chừng nào điểm nghẽn trong liên thông đào tạo nghề chưa được giải quyết hài hòa, chừng nào còn chưa tìm được lời giải cho bài toán liên thông, mục tiêu đặt ra trong công tác phân luồng giáo dục phổ thông vẫn rất khó để đạt đích.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/phan-luong-hoc-sinh-dich-den-van-con-xa-tintuc428303