Phân luồng cần thực chất và đúng đối tượng

Hiện nay, các trường trung học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh. Tuy nhiên, việc phân luồng, hướng nghiệp đúng đối tượng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục địa phương.

Giờ thực tế hướng nghiệp của học sinh Trường THPT Yên Thành.

Giờ thực tế hướng nghiệp của học sinh Trường THPT Yên Thành.

Hiện nay, các trường trung học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh. Tuy nhiên, việc phân luồng, hướng nghiệp đúng đối tượng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục địa phương.

Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh phân luồng của Nghệ An ngày càng cao với khoảng 25% số học sinh THCS không thi THPT và gần 40% số học sinh THPT không tham gia xét tuyển vào đại học.

Mã Xuân Trường là học sinh lớp 9B ở Trường THCS Ðội Cung (thành phố Vinh) có năng khiếu và đam mê với sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Năm học 2018-2019, dự án “Xe đẩy tính tiền trong siêu thị” của Xuân Trường đoạt giải ba Cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp thành phố. Thành tích này là một tiền đề tốt để thi vào THPT, nhưng em đã lựa chọn học nghề sửa chữa ô-tô, nghề truyền thống của gia đình. Trường chia sẻ: Với học lực của mình, em khó thi đỗ vào một trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Vì thế, em đăng ký học nghề sớm bởi bản thân em thật sự thích các ngành kỹ thuật và muốn gắn bó lâu dài với nghề. Tại Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp), học sinh Lô Văn Thịnh, lớp 12C1 cho biết, sẽ đăng ký tham gia thi THPT quốc gia chỉ để công nhận tốt nghiệp. Lựa chọn của Thịnh cũng không quá bất ngờ, bởi từ năm lớp 10, em đã đăng ký học nghề nấu ăn ở trường thông qua chương trình liên kết với một trường cao đẳng trên địa bàn. Thịnh chia sẻ, làm nghề gì cũng được, miễn là đam mê và yêu thích. Em muốn được học nghề để đi làm sớm, có thu nhập và có nhiều cơ hội giúp đỡ bố mẹ.

Ði cùng với học sinh của Trường THPT Yên Thành 2 đến tham quan các lớp học ở Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành, thấy các em khá hào hứng. Một số em có dự định học nghề thì chăm chú các tiết dạy thực hành, tìm hiểu về các cơ chế dành cho đối tượng học nghề và thích thú khi biết rằng, học viên trường nghề có thể có lương ngay từ khi đi học. Thầy giáo Ngô Sỹ Hướng, giáo viên làm công tác hướng nghiệp của nhà trường nhìn nhận. Mỗi năm Trường THPT Yên Thành 2 có gần 40% số học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, dù đã được phân luồng, nhưng tỷ lệ đăng ký học nghề còn thấp. Vì vậy, khi đưa các em đi thực tế tại trường nghề chúng tôi mong muốn để các em hiểu rõ hơn công việc sau này và có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, sao cho phù hợp năng lực của học sinh.

Tại Trường THPT Nghi Lộc 3 (huyện Nghi Lộc), mỗi năm nhà trường có hơn 30% số học sinh phân luồng. Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Mục đích của phân luồng, hướng nghiệp là để hướng các em đi vào học nghề. Vì vậy, ngay từ khi học lớp 10, nhà trường đã phân loại học sinh và phối hợp một số trường cao đẳng trên địa bàn tổ chức dạy nghề cho học sinh theo hình thức vừa học nghề, vừa học văn hóa. Hiện nay, chương trình này cũng chỉ mới triển khai thí điểm ở các trường phổ thông nhưng nếu nhân rộng thì khá hiệu quả, nhất là ở những trường có tỷ lệ học sinh phân luồng, không thi vào các trường đại học cao như chúng tôi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Nghệ An Võ Văn Mai cho rằng: Phân luồng là định hướng để các em học nghề, từng bước xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ học nghề so với số lượng học sinh phân luồng còn chưa cao so với kỳ vọng, vì thế ngành giáo dục Nghệ An đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để làm sao phân luồng đúng thực chất, đúng đối tượng. Ngoài ra, ngành tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông, giáo dục hướng nghiệp. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề phổ thông và hướng nghiệp. Việc dạy nghề, phải gắn với giải quyết đầu ra, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các em sau khi ra trường.

Mỹ Hà

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/39710702-phan-luong-can-thuc-chat-va-dung-doi-tuong.html