Phần lớn các Bộ, ngành chưa ban hành phân loại thống kê mới

Việc xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Thống kê 2015.

Đây là một trong những tồn tại liên quan đến công tác thống kê của các Bộ, ngành được đưa ra tại "Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018” do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì được tổ chức chiều 10/11.

Vẫn còn những Bộ chưa thực hiện

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018.

Được biết, hiện nay có 22 bộ, ngành đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, trong đó 15 bộ, ngành hoàn thành rà soát, hoàn thiện và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê để đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được quy định trong Luật Thống kê 2015.

Ngoài ra, có 21 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành, trong đó 11 bộ, ngành đã rà soát, cập nhật, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015 và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới của bộ, ngành.

Luật Thống kê 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Đến thời điểm hiện nay, các bộ, ngành đã thu thu thập, tổng hợp được 63/79 chỉ tiêu ở các mức độ phân tổ khác nhau, trong đó 34 chỉ tiêu đầy đủ các phân tổ; 29 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp nhưng chưa đủ đầy đủ; 16 chỉ tiêu chưa thực hiện. Nhìn chung, các báo cáo, chỉ tiêu thống kê do các bộ, ngành phụ trách thu thập gửi Tổng cục Thống kê có chất lượng tương đối tốt. Nội dung các chỉ tiêu, phương pháp thu thập và xử lý số liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Việc xây dựng, sửa đổi hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê được các bộ ngành quan tâm thực hiện. Đến nay 15 bộ, ngành đã sửa đổi, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành mới và 11 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015. Tuy nhiên, hầu hết các bộ, ngành chưa ban hành phân loại thống kê mới.

Đáng nói, tính đến thời điểm hiện nay, có 2 bộ vẫn chưa lập phòng thống kê theo quy định là Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ.

Bình luận về công tác thống kê, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải làm rõ trong 5 năm qua, ngành thống kê đã làm được những gì? Những gì làm tốt thì đánh giá, ghi nhận, từ khâu phân tích dữ liệu thống kê cho đến việc sử dụng các thông tin thống kê, cung cấp thông tin cho người dùng hay việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Luật Thống kê, của các chiến lược, đề án lớn, nhiệm vụ lớn mà Chính phủ đã giao.

“Tôi đề nghị làm rõ, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng, thực tế việc thống kê bộ ngành làm đến đâu, chứ không thể để phụ thuộc vào cơ quan thống kê tập trung là Tổng cục Thống kê được. Dữ liệu các đồng chí không đưa lên thì chịu chết, không làm được”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

“Bên cạnh đó làm rõ trách nhiệm những bộ ngành trong thời gian tới trong việc tiếp tục thực hiện Luật Thống kê, chiến lược phát triển thống kê, đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thống kê, các đề án lớn khác. Ví dụ đề án kiểm kê đánh giá các nguồn lực của nền kinh tế (sắp trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết) và gần như 5 năm một lần, chúng ta có báo cáo tổng thể về tài sản quốc gia, sắp tới là làm báo cáo thống kê các nguồn lực đến năm 2020. Đặc biệt năm 2019 làm tổng điều tra dân số và nhà ở, trách nhiệm các bộ ngành chúng ta là gì…”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

"Đầu tư cho thống kê thì tiếc..."

Đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hoạt động thống kê tại các Bộ, Ngành đã được đưa ra, trong đó nhấn mạnh giải pháp tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo lập đầy đủ cơ chế chính sách, môi trường pháp lý.

Chỉ ra những khó khăn cản bước các bộ trong hoạt động thống kê, Báo cáo "Công tác thống kê bộ, ngành giai đoạn 2014-2018" đã chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có thể kể đến như hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê, nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế. Theo đó, dẫn đến một số bộ, ngành khi tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu được phân công liên quan đến bộ, ngành khác gặp khó khăn về nguồn thông tin. Đến nay vẫn còn trên 50% số bộ, ngành chưa ký Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê.

Chia sẻ rõ hơn về những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, bà Vũ Thị Mai -Thứ trưởng Bộ Tài Chính đã kiến nghị: "Đối với báo cáo thống kê và công tác thống kê, đề nghị Tổng cục Thống kê đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin có tích hợp các hệ thống công nghệ tiên tiến thông minh trong hoạt động thống kê. Đồng thời xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu thống kê theo hướng tích hợp và kết nối".

Ngoài ra, liên quan đến Nghị định 60/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 97/2016/NĐ-CP về Chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó quy định nội dung phân thu ngân sách theo chỉ tiêu ngành, lĩnh vực kinh tế.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định này, Bộ Tài chính đã tham gia rất nhiều, có những nội dung Tổng Cục Thống kê đã tiếp thu, có nội dung chưa. Ví dụ chỉ tiêu thu ngân sách, Bộ Tài chính đã đề nghị không theo dõi phân tổ, phân ngành, lĩnh vực kinh tế. Bởi thực tế, hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Vì vậy không thể nào phân ra được trong số thu đó, đâu là ngành nào... với bao nhiêu?.

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Vũ Thị Mai: "Khi giải trình, tiếp thu, và báo cáo lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vẫn phân loại được. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính để “ánh xạ” theo mục lục ngân sách. Tuy nhiên mục lục này lại không phân theo thu ngành kinh tế, mà chỉ có chi thôi".

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài Chính, sau khi Nghị định 60/2018 ra đời, giữa hai Bộ cũng đã một số lần làm việc để “ánh xạ” cho được bài toán này tuy nhiên đến nay vẫn giải quyết được việc phân thu theo ngành, lĩnh vực kinh tế.

Chia sẻ của Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho thấy những bất cập vẫn đang tồn tại trong công tác thống kê hiện này và cần được sớm có được "tiếng nói chung" để đảm bảo kết quả thống kê minh bạch, hữu dụng.

Ngoài ta, bên cạnh việc đồng tình với quan điểm của đại diện Bộ Tài chính, chia sẻ về thực tiễn khó khăn liên quan đến công tác đầu tư cho hoạt động thống kê, ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “Mặc dù, nhìn chung các Bộ đã ý thức được vai trò của hoạt động thống kê, tuy nhiên, hoạt động đầu tư cho thống kê thì tiếc lắm”. Theo phân tích của Thứ trưởng, Lê Sơn Hải, với những đề án, dự án thì có thể xin thêm ngân sách từ Bộ Tài chính, tuy nhiên, với những hoạt động này thường thì phải tự bỏ tiền từ ngân sách, trong khi ngân sách của mỗi Bộ đều phải chắt chiu từng đồng.

“Mặc dù đã có Luật và Nghị định hướng dẫn rất rõ rồi, tuy nhiên vẫn rất phong phú, và thiên hình vạn trạng. Ví dụ như cơ quan của tôi mang tiếng là vụ kế hoạch, mặc dù nhân sự có tới mười mấy người, nhưng đây là phòng ghép, nếu thực kê về nhân sự làm chuyên trách thống kê chỉ có 2.5 người. Trong khi phải làm 119 chỉ tiêu với 16 nhóm, riêng việc đôn đốc báo cáo thôi cũng đã không đủ, rất muốn thành lập Trung tâm thống kê phân tích dự báo, trung tâm thuộc thẩm quyền của Bộ thành lập. Tuy nhiên khi làm đề án sang Bộ Nội vụ “gạt bay” đi”, Thứ trưởng Lê Sơn Hải cho biết thêm.

Vì vậy, Thứ trưởng Lê Sơn Hải đề xuất, cần có hướng dẫn mẫu để các cơ quan có chủ trương thành lập bộ máy, tổ chức về thống kê được biết và thực hiện theo.

Xuất phát từ thực tế, khó khăn tại các Bộ vừa nêu, đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm cải thiện hoạt động thống kê. Trong đó, phải kể đến giải pháp, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo lập đầy đủ cơ chế chính sách, môi trường pháp lý để hệ thống thống kê bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương hoạt động đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ ban hành hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê, bảng phân loại thống kê, chương trình điều tra thống kê; cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê phù hợp với quy định của Luật Thống kê 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngọc Phong

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cac-bo-nganh-141576.html