Phân loại rác thải: Bao giờ quy định đi vào thực tế?

Không còn là dòng chảy ngầm lan tỏa, giờ đây, việc bảo vệ môi trường đã trở thành những phong trào có tác động mạnh mẽ. Chỉ cần mỗi người, mỗi gia đình có chút thay đổi về suy nghĩ, về thói quen, rác thải sẽ được hạn chế, những nguy cơ hủy hoại môi trường sẽ được hạn chế rất nhiều.

Yêu môi trường từ nhà ra phố

Từ nhiều tháng nay, gia đình anh Trần Nguyễn Vũ Hoàng ở đường 20, Linh Đông, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng nguyên tắc sống “hạn chế rác không tái chế” ngay trong nhà. Anh Hoàng cho biết, được tác động bởi những bài báo, bài viết về hoạt động của các nhóm bảo vệ môi trường, anh và gia đình đã nhận ra tác hại của những sản phẩm từ nhựa không tái chế, từ đó đã quyết định thay đổi cách sống.

Gia đình anh mua 5 chiếc túi cói các loại lớn nhỏ dùng để đi chợ, siêu thị thay vì đựng thực phẩm mua về bằng túi nilon. Trước kia, gia đình anh cũng đã hạn chế sử dụng túi nilon bằng cách tái sử dụng túi hết cỡ. Túi nilon dư thường được để dành làm túi rác.

Tuy nhiên, giờ đây, cả nhà anh Hoàng quyết định không sử dụng tuyệt đối nilon. Ngay cả túi rác cũng dùng bằng sản phẩm có thể phân hủy nhằm bảo vệ môi trường.

“Ngoài việc hạn chế tối đa sản phẩm nhựa và đồ dùng tạo rác không tái chế trong nhà, gia đình tôi còn tự tái chế rác thải như lấy rác hữu cơ, thức ăn thừa ủ làm phân bón rau, cây để hạn chế rác thải ra ngoài môi trường. Mỗi người trong nhà đều có một chai nước riêng mang theo người để không phải sử dụng đến nước đóng chai.

Dù có mua trà sữa hay các thức uống giải khát khác, chúng tôi cũng vẫn dùng ly riêng của mình. Tương tự, đi mua thức ăn ngoài cửa hàng mang về, các thành viên trong gia đình tôi cũng thường mang theo hộp đựng chứ không dùng đến bịch nilon của tiệm. Màng bọc thực phẩm thì chúng tôi tuyệt đối không dùng, thay bằng lồng bàn hay các loại hộp đựng”.

Nhiều bạn trẻ hiện nay sử dụng túi vải thay cho túi nilon đựng ly thức uống mang đi nhằm hạn chế nilon ra môi trường

Nhiều bạn trẻ hiện nay sử dụng túi vải thay cho túi nilon đựng ly thức uống mang đi nhằm hạn chế nilon ra môi trường

Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng những người có hành động như gia đình anh Vũ Hoàng hiện không còn quá hiếm hoi. Trên mạng xã hội còn có những hội, nhóm chuyên bảo vệ môi trường. Trong đó, các cá nhân thường đưa ra những lời khuyên và kinh nghiệm cá nhân về bảo vệ môi trường bằng các hành động nhỏ.

Từ các hội, nhóm này, nhiều thông tin hữu ích đã được lan tỏa. Ví dụ, lượng pin các loại sử dụng trong mỗi gia đình là không ít. Trong khi đó, pin thải ra có tác hại rất lớn ra môi trường. Trong pin có các loại hóa chất cực độc như đồng, chỉ, thủy ngân… Khi pin bị lẫn trong rác thông thường, bị đốt, đập vỡ, chôn xuống đất hoặc đổ ra biển, những chất độc này sẽ rò rỉ, ngấm vào đất, nước hoặc phát tán vào không khí…

Lượng thủy ngân trong 1 cục pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hay 1 mét khối đất trong 50 năm. Vì vậy, cách tốt nhất đối với pin đã bỏ là thu gom lại, đến một số lượng cụ thể thì gửi đến các điểm thu nhận, xử lý pin. Hiện thông tin về địa chỉ, số điện thoại của các điểm xử lý này đang được công bố rộng rãi trên mạng.

Đừng để người dân một mình bảo vệ môi trường

Những kinh nghiệm về hạn chế tác hại môi trường được chia sẻ rất nhiều và cũng rất hữu hiệu. Trong đó, có những việc làm hàng ngày như thói quen tưởng chừng vô hại, nhưng thực chất gây hại không ít cho sự sống trên trái đất. Ví dụ như thói quen quên tắt đèn, tắt đồ điện khi ra khỏi phòng, quên rút dây diện ra khỏi ổ cắm khi không sử dụng.

Chỉ cần mỗi một gia đình, mỗi một người thay đổi thói quen xấu này sẽ giảm sự nóng lên của trái đất đáng kể. Một khuyến cáo nữa được các hội bảo vệ môi trường đưa ra, đó là cần bỏ thói quen thả bóng bay lên trời vào các dịp lễ, tiệc. 70% trong số bóng bay được thả sẽ theo gió, rơi xuống biển, đại dương hoặc theo hồ, ao, sông suối trôi ra đại dương.

Và rác thải bóng bay sẽ trở thành thức ăn bất đắc dĩ hủy hoại các loại sinh vật biển. Ước tính, có 5000 sinh vật biển bị chết do ăn nhầm phải bóng bay hàng năm, chưa kể đến các loại thun buộc trong bóng bay cũng gây hại không kém.

Hiện nay, việc phân loại rác thải đang là vấn đề chưa “thông” đối với cư dân. Nhiều người dân đã có ý thức phân loại rác thải ngay trong gia đình. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhiều đơn vị thu gom rác địa phương lại không thực hiện phân loại rác, thì việc làm của hộ gia đình đâm ra vô ích.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, ngụ Lê Văn Việt, quận 9 chia sẻ: “Gia đình tôi tiến hành phân loại rác thải từ hơn tháng nay. Đây cũng là cách tôi giáo dục các con bảo vệ môi trường: Phân biệt đâu là chất thải rắn, chất thải có thể tái sử dụng, vì sao phải phân loại… Đặc biệt, với thông tin ban hành quy định phân loại chất thải trên địa bàn Thành phố khiến tôi rất vui và ủng hộ.

Tuy nhiên, từ ngày 1/6 đến nay, tôi vẫn chưa thấy địa phương nơi tôi đang sống tuyên truyền, nhắc nhở gì về vấn đề này. Tuy gia đình tôi phân loại rác, nhưng tôi thấy những người thu gom rác không quan tâm mà vứt hết lên xe rác chung với nhau. Chứng tỏ, việc phân loại rác thải vẫn chưa được áp dụng trên thực tế như quy định ban hành”.

Kinh nghiệm cho thấy, thực ra không ít người dân khi nhận thức ra, rất có ý thức thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vấn đề khá “yếu” hiện nay là việc tuyên truyền của cơ quan chức năng, của địa phương và áp dụng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái vào hành động hàng ngày.

Thế nên, việc thay đổi vẫn còn rất nhỏ lẻ là muối bỏ bể so với vô vàn hành vi thiếu nhận thức. Những người dân có ý thức vẫn đơn độc như những Đôn Kihôtê trong cuộc chiến chống lại “cối xay gió” chính là sự đầu độc môi trường hàng ngày.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/phan-loai-rac-thai-bao-gio-quy-dinh-di-vao-thuc-te-458697.html