Phần II: Bốn phương đối phó ASF

Xuất hiện cách đây gần 100 năm, virus dịch tả lợn Châu Phi - ASF là nỗi kinh hoàng với những người chăn nuôi lợn do không có cách phòng ngừa tỷ lệ tử vong là 100% khi nhiễm bệnh.

Bài 1 – Chống dịch ở vùng tâm điểm

Chỉ cần nghe cụm từ ‘tả lợn châu Phi’, chúng ta có thể dễ dàng đoán được nơi khởi thủy của dịch bệnh đáng sợ này, đó chính là lục địa đen.

Khu vực kiểm soát ASF (nằm trong viền đỏ) của Nam Phi.

Tính đến nay, trừ châu Đại Dương và châu Nam Cực, tất cả các lục địa khác đều có sự xuất hiện của ASF. Dịch bệnh này khiến các nước phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế, chăn nuôi và đối mặt nguy cơ thiếu thịt nghiêm trọng.

Những tưởng thế giới có thể phong tỏa đại dịch này ở châu Phi và tìm cách tiêu diệt tận gốc nhưng với nhiều lý do, ASF vẫn lây lan trở lại, nguy hiểm hơn, khốc liệt hơn và trên quy mô rộng lớn hơn. Tuy nhiên, ở cái nôi của ASF, vẫn có một quốc gia tìm được giải pháp khống chế virus nguy hiểm này, đó là Nam Phi.

Khoanh vùng dập dịch

ASF xuất hiện ở Nam Phi từ đầu thế kỷ 20, thế nhưng, quốc gia này đã khống chế thành công virus ở khu vực phía Bắc trong suốt 80 năm bằng những ranh giới rõ ràng, biện pháp kiểm soát chặt chẽ và lệnh hạn chế đi lại bên trong vùng cấm.

Với việc duy trì ranh giới này, mới chỉ 2 lần ASF vượt ra khỏi được khu vực kiểm soát vào các năm 1996 và 2012, kể từ khi nó xuất hiện.

Tại Nam Phi, báo cáo về ca mắc ASF đầu tiên ra đời vào năm 1926 ở khu vực Transvaal, phí Bắc nước này. Đến năm 1935, Nam Phi thiết lập một khu vực phong tỏa ASF có kiểm soát, đa phần thuộc tỉnh Limpopo, phần phía Bắc của các tỉnh North West, KwaZulu-Natal và phía Đông Bắc của tỉnh Mpumalanga.

Việc cho ra đời khu vực kiểm soát này dựa trên các yếu tố dịch tễ học như vật chủ, môi trường, tác nhân lây bệnh và sự hiện diện của dịch. Quá trình kiểm soát được thực hiện rất tốt cho đến năm 1996, một ổ dịch được phát hiện tại khu vực Bela-Bela, tỉnh Limpopo, ngay bên ngoài vùng kiểm soát. Thời điểm đó, cũng có một vài ổ dịch bùng phát ở tỉnh Limpopo nhưng nằm trong vùng kiểm soát.

Tình huống này được báo cáo lên Bộ Nông nghiệp Nam Phi (DAFF) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và các ổ bệnh nhanh chóng bị dập tắt.

Nắm rõ lai lịch

Ngoài khoanh vùng, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cũng được chính phủ Nam Phi áp dụng trong cuộc chiến chống ASF, nhất là khi vật trung gian được xác định là loài ve hút máu từ lợn rừng truyền sang lợn nhà.

Bên trong vùng kiểm soát, các trang trại được kiểm tra và phân loại. Các trang trại này phải dựng các hàng rào kép, tránh lợn nuôi tiếp xúc với lợn rừng.

Ngoài ra, thịt lợn nuôi chỉ được vận chuyển ra ngoài khu vực kiểm soát khi có giấy phép của cơ quan thú y. Biện pháp này không chỉ ngăn chặn ASF lây lan ra các khu vực chăn nuôi tự do bên ngoài mà còn có tác dụng trấn an khách hàng quốc tế rằng, Nam Phi có thể đảm bảo chất lượng lợn thịt và lợn sống khi xuất khẩu.

Sau sự cố năm 1996 nói trên, tháng 1/2012, cơ quan thú y tỉnh Gauteng báo cáo với DAFF về một nhóm lợn có biểu hiện lâm sàng giống nhiễm ASF tại một lò mổ địa phương.

Nhờ kiểm soát chặt lai lịch lợn, cơ quan chức năng lần ra thông tin, những con lợn bị nhiễm bệnh trong một hộ chăn nuôi nhỏ trong vùng kiểm soát vào tháng 12/2011. Tuy nhiên chủ lại đem bán lợn giống ủ bệnh cho những người nuôi lợn ở tỉnh Sundra, nằm ngoài vùng kiểm soát. Chủ nhân mới của đàn lợn không hề hay biết về ASF và vô tình để virus lây lan cho cả đàn, làm chết và chỉ còn lại 52 con.

Lợn rừng là một trong những nguyên nhân khiến ASF lây lan nhanh ở Châu Phi.

Thế nhưng, thay vì báo cơ quan chức năng, người chủ trang trại lại đem bán số lợn còn lại cho lò mổ ở Gauteng. Sau khi mổ 28 con trong số đó, cơ quan thú y Gauteng nhận ra điều bất thường từ những vết xuất huyết và bắt lò dừng hoạt động.

Sau khi mẫu được đưa đến các cơ quan đầu ngành để xét nghiệm, Nam Phi xác định đó chính là ASF và tìm cách phong tỏa dịch bệnh. Tất cả các trang trại có liên quan đến đường đi của đàn lợn mắc ASF nói trên bị khoanh vùng. Kết quả, hơn 500 con lợn bị cách ly hoàn toàn, các trang trại trong bán kính 150km từ ổ bệnh được theo dõi liên tục và dịch ASF bị dập tắt.

Giải quyết nhanh gọn

Nam Phi có chính sách cô lập và dập tắt ASF, do giới hạn khu vực và số lượng lợn nhiễm bệnh không quá nhiều nên tổ chức sản xuất lợn của nước này – Sappo đưa ra các khoản đền bù tốt nhằm đẩy nhanh quá trình tiêu hủy.

Sau khi lợn bị cách ly, chủ trang trại sẽ ký thỏa thuận tiêu hủy với Sappo và Hiệp hội chống đối xử tàn ác với động vật Nam Phi sẽ có mặt để đảm bảo quá trình tiêu hủy được thực hiện một cách nhân đạo.

Trong khi đó, chủ trang trại nào càng trì hoãn quá trình cách ly, tiêu hủy thì tiền đền bù càng ít và thiệt hại càng tăng. Sau khi đem lợn đi tiêu hủy, chuồng trại sẽ được khử trùng và buộc phải để trống trong ít nhất 60 ngày trước khi tái đàn.

Ngoài các biện pháp nói trên của chính quyền, một yếu tố nữa giúp ASF không lan rộng ở Nam Phi đó là các trang trại lớn đều chủ động có biện pháp ngăn cách và đảm bảo an toàn sinh học cho mình.

Bên cạnh đó, việc thành khẩn, hợp tác với lực lượng thú y cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình kiểm soát và dập dịch. Các bác sỹ thú y cũng cần nắm rõ địa bàn mình quản lý, cảnh giác với các hiện tượng lạ của đàn lợn và đảm bảo an toàn sinh học cho chúng.

Kim Long - Đinh Tùng - Văn Việt

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phan-ii-bon-phuong-doi-pho-asf-post244524.html