Phản hồi sau bài 'Nổ mìn khai thác đá, dân kêu trời, di tích bị đe dọa': Đình chỉ khai thác đá gây ảnh hưởng đến di tích

Vh- Ngay sau khi Văn Hóa có bài 'Nổ mìn khai thác đá, dân kêu trời, di tích bị đe dọa' (số 3106) ra ngày 6.6.2018, ngày 16.6 tại trụ sở UBND xã Nga Điền (Nga Sơn, Thanh Hóa) đã diễn ra cuộc họp giữa các Sở, ban ngành của hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa để đưa ra giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Buổi làm việc giữa các Sở, ngành của 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình

Tại đây đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành của hai tỉnh cũng đã đi kiểm tra, xác minh khu vực nổ mìn khai thác đá và di tích lịch sử chùa Hàn Sơn.

Ông Mai Đình Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết, việc nổ mìn khai thác đá của tổ hợp Hồng Hải đã làm nhiều hạng mục của khu di tích chùa Hàn Sơn bị nứt và sụt lún rất lớn, cảnh quan di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phía tây là mỏm núi đá gọi là cửa “Thần Phù” cũng đã được xếp hạng di tích có khả năng bị phá vỡ, gây ra nguy cơ làm biến mất cửa “Thần Phù”. Ngoài ra, việc nổ mìn phá đá còn ảnh hưởng đến sự an toàn và cuộc sống của người dân xã Nga Điền (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Ông Hiếu đề nghị các Sở, ban ngành của tỉnh Ninh Bình có ý kiến tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình quyết định dừng hẳn việc cấp phép khai thác đá của tổ hợp khai thác vật liệu xây dựng Hồng Hải.

Về phía tỉnh Ninh Bình ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình cho hay, sau khi có phản ánh của báo chí về việc nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn, văn bản đề nghị của tỉnh Thanh Hóa, huyện Nga Sơn; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo cho các ngành có liên quan như: Sở VHTT, Sở TN-MT, Công thương, Xây dựng, Công an tỉnh, Tỉnh đội Ninh Bình và một số cơ quan chức năng có liên quan về kiểm tra thực tế mỏ đá của tổ hợp khai thác vật liệu xây dựng Hồng Hải. Sau đó đoàn kiểm tra đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình. Hiện tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đình chỉ khai thác đá của tổ hợp khai thác vật liệu xây dựng Hồng Hải do ông Nguyễn Minh Nguyệt làm chủ. Đoàn cũng có kiến nghị UBND tỉnh Ninh Bình xem xét đình chỉ thu hồi giấy phép không cho khai thác của công ty Hồng Hải.

Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi tại buổi khảo sát thì tổ hợp Hồng Hải vẫn hoạt động bình thường, các máy xay đá, xe chở đá vẫn hoạt động liên tục. Vậy có hay không việc tổ hợp khai thác vật liệu xây dựng Hồng Hải do ông Nguyễn Minh Nguyệt làm chủ cố tình phớt lờ đình chỉ của các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình?

Cũng trong cuộc họp bà Bùi Thị Tuyết, Trưởng phòng quản lý di sản (Sở VHTTDL) Thanh Hóa nêu rõ quan điểm: “Việc khai thác khoáng sản trên địa bàn rõ ràng đã ảnh hưởng lớn đến cảnh quan chung của di tích chùa Hàn Sơn và đặc biệt là cửa Thần Phù. Chùa Hàn Sơn, đặc biệt là cửa Thần Phù đã đi vào sử sách, phía tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào bản đồ khoanh vùng để bảo vệ di tích lịch sử văn hóa của tỉnh”. Ông Vũ Thái Sơn, Phó giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa kết luận: Sau khi có phản ánh của báo chí, dư luận về việc khai thác đá của tổ hợp Hồng Hải, các cơ quan chức năng, chính quyền xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình cũng đã rất tích cực chủ động chỉ đạo kiểm tra sự việc trên và đã đình chỉ hoạt động khai thác đá của tổ hợp Hồng Hải. Qua xác minh, kiểm tra thực tế thì việc khai thác đá ở đây ảnh hưởng nhiều cảnh quan môi trường sống của người dân xã Nga Điền như bụi, rung chấn, đá văng và đặc biệt gây ra nguy cơ làm biến mất cửa Thần Phù làm ảnh hưởng lớn đến di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn. Hội nghị đề nghị Đoàn công tác của các Sở, ban ngành tỉnh Ninh Bình có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình xem xét dừng hẳn việc khai thác đá.

“Chân thành cảm ơn Báo Văn Hóa

Ngày 14.6, Văn Hóa đã nhận được Thư cảm ơn của Trưởng ban khánh tiết chùa Hàn Sơn và người dân xóm 7, xóm 8 xã Nga Điền (Nga Sơn – Thanh Hóa). Trong thư có đoạn:

“Chùa Hàn Sơn là một cổ tự đã được xếp hạng Di tích lịch sửcấp tỉnh. Sau khi được phép trùng tu tôn tạo, chùa thường xuyên mở cửa để nhân dân địa phương và phật tử thập phương ngày ngày đến chiêm bái niệm Phật, thể hiện văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, do doanh nghiệp khai thác đá Hồng Hải hằng ngày nổ mìn khai thác đá ở núi Cồn Xe không những đã gây bức xúc đối với nhân dân địa phương vì nơi đây nổ mìn xảy ra khói bụi làm ô nhiễm môi trường, tiếng nổ lớn làm rung chuyển, ảnh hưởng đến công trình của di tích. Đặc biệt là, địa điểm khai thác đá rất gần khu vực chùa, chỗ gần nhất chưa đến 100m vì vậy rất dễ gây mất an toàn về người.

Việc phản ánh của Báo Văn Hóa qua bài “Nổ mìn khai thác đá, dân kêu trời, di tích bị đe dọa” ra ngày 6.6.2018 là đúng sự thật đã giúp các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng của hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình vào cuộc giải quyết vụ việc trên. Thay mặt nhân dân, bà con phật tử chân thành cảm ơn tòa soạn Báo Văn Hóa – Bộ VHTTDL”.

NGUYỄN LINH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/ph%E1%BA%A3n-h%E1%BB%93i-sau-b224i-n%E1%BB%95-m236n-khai-th225c-%C4%91225-d226n-k234u-tr%E1%BB%9Di-di-t237ch-b%E1%BB%8B-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-%C4%91236nh-ch%E1%BB%89-khai-th225c-%C4%91225-g226y-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB