Phản hồi phát ngôn 'số liệu không chính xác tại Quốc hội' của đại biểu Dương Trung Quốc

'Con số 8,3 lít cồn nguyên chất được quy đổi từ rượu bia (tính trên đầu người) là số liệu được Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2018 dựa trên kết quả tổng hợp từ 178 quốc gia, được thẩm định bởi cơ quan thống kê của Liên hợp quốc' - đại diện Ban soạn thảo dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia phản hồi về ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc.

Như VnMedia đã đưa tin, trong cuộc trao đổi với phóng viên VnMedia bên hành lang Quốc hội về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) đã cho rằng, “rượu bia không tác hại. Ta sử dụng nó mới có tác hại. Đó là văn hóa”. Đồng thời, ông Quốc cũng thẳng thẳn nói: "Tôi rất nghi ngờ tất cả những số liệu đưa ra ở Quốc hội. Lúc thì 8,3 lít rượu bia, lúc thì 8,3 lít rượu. Hiện nay tất cả những con số đều có lợi ích ở đằng sau".

Phản hồi lại thông tin này, trao đổi với VnMedia chiều 15/11, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thành viên Ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cho biết: “Những số liệu mà chúng tôi đưa ra đều có nguồn trích dẫn rất cụ thể. Ví dụ con số 8,3, tại tất cả các số liệu ở Tờ trình của Chính phủ và trong các hồ sơ của dự thảo Luật đều nhất quán là 8,3 lít cồn nguyên chất được quy đổi từ rượu, bia. Đây là mức tiêu thụ cồn bình quân đầu người khi quy đổi từ rượu bia ra cồn nguyên chất và được trích dẫn từ Báo cáo toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018 và đã được công bố chính thức bởi Tổ chức này. Đây cũng là kết quả tổng hợp từ 173 quốc gia trên thế giới có xếp hạng về mức tiêu thụ cồn nguyên chất quy đổi từ rượu bia và Việt Nam tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất quy đổi, đứng ở vị trí 64 trên thế giới".

Số liệu này cũng được cơ quan thống kê của Liên hợp quốc thẩm định chứ không phải là đơn phương công bố của Tổ chức Y tế thế giới vì tất cả cả những số liệu đánh giá từ báo cáo Quốc gia của các quốc gia mà WHO thống kê lại bao giờ cũng được thẩm định bởi cơ quan thống kê của Liên hợp quốc và họ đã xác nhận. Cho nên, chúng tôi trích dẫn đều có nguồn số liệu tin cậy.

"Chúng tôi đánh giá rằng, ngoài các báo cáo tập hợp từ 173 quốc gia thì cho đến nay chưa có một báo cáo nào kể cả trong nước và quốc tế có phạm vi tác động rộng từ số liệu thông tin các nước như Báo cáo toàn cầu năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng tôi khẳng định số liệu của chúng tôi hoàn toàn có các cơ sở khoa học và đã được thẩm định bởi một tổ chức quốc tế có uy tín” - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về điều này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nói: “Đây không chỉ là thông tin của Bộ Y tế đưa ra mà là của Ban Soạn thảo, của Chính phủ đưa ra".

 Bà Trần Thị Trang, Vụ Phó Vụ Pháp chế - Bộ Y tế

Bà Trần Thị Trang, Vụ Phó Vụ Pháp chế - Bộ Y tế

Đại biểu ngành Y hãy lên tiếng bảo vệ sức khỏe người dân

Nói với VnMedia về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội hiện không đồng ý với dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có cả ý kiến của một vị giáo sư Y học, TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Quyền phát biểu như thế nào là của đại biểu, nhưng lời nói tung ra thì dễ, lấy lại thì khó". “Như trường hợp đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tung ra thông tin về công an bỏ sót tội phạm, nhưng cách sử dụng thông tin không chuẩn nên đã bị phản đối. Quyền được nói là của đại biểu, nhưng mỗi người phải rút kinh nghiệm” - ông Tiên nói.

Ông Nguyễn Văn Tiên cũng chia sẻ, ông mong những đại biểu làm trong ngành y tế khi thảo luận về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia hãy lên tiếng tranh luận, nói lên các vấn đề về y tế mà rượu bia đang tác động. “Những đại biểu các ngành khác họ cũng có tâm nhưng họ không diễn giải vấn đề được, không có đủ thông tin".

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn lại một phát biểu của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tại phiên thảo luận tổ mới đây về Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân đã nói: “Hiện nay trên mạng xã hội có một số ý kiến nói khá nhiều phản đối luật này. Tôi mong đại biểu Quốc hội sử dụng mạng xã hội phải cân nhắc và phải có tâm, đúng cái tâm là bảo vệ lợi ích của người dân.”

“Anh ấy đã nói câu này còn hay hơn cả Ban Soạn thảo Luật, hay hơn cả Bộ trưởng Bộ Y tế, trưởng Ban soạn thảo” - ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh. “Luật này phải qua 2 kỳ. Kỳ này thảo luận, rồi sau mấy tháng lấy ý kiến, đến kỳ sau lại thảo luận tiếp rồi mới thông qua. Chúng tôi nghĩ rằng, khi luật này được thông qua thì chắc chắn sẽ có kiểm soát tốt hơn vì dù sao, Quốc hội, đa số vẫn ủng hộ chủ trương mang tính nhân văn là bảo vệ sức khỏe của người dân. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn đảm bảo các yếu tố khác, nhưng vẫn phải ưu tiên mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ tính mạng của con người.” Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tin tưởng.

“Chết là hết, tiền tấn cũng không mua được” - ông Tiên nhấn mạnh thêm.

Trước đó, trao đổi với VnMedia bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện tim Hà Nội cũng nói: "Ý kiến của doanh nghiệp cũng là một tiếng nói của xã hội mà các đại biểu cũng là người đại diện. Nhưng tôi nghĩ rằng, đại biểu là đại biểu của nhân dân, chứ không phải là đại biểu của doanh nghiệp. Cần phải khẳng định như vậy. Đại biểu của nhân dân thì phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người dân, bảo vệ sức khỏe và tuổi thọ của người dân và đây là điều quan trọng".

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/phan-hoi-phat-ngon-so-lieu-khong-chinh-xac-tai-quoc-hoi-cua-dai-bieu-duong-trung-quoc-619533/