Phản đối bãi rác, dân đi siêu thị chủ tịch huyện cũng 'bám' theo

Một số người dân sau khi phản đối quyết liệt tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi chôn lấp rác Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) thì bị chủ tịch huyện này 'bám riết' ngay cả khi đi mua sắm tại siêu thị Big C ở TP.Huế.

Căng thẳng nảy sinh khi người dân quyết chặn xe vào bãi chôn lấp rác - Ảnh: Lê Thu

Căng thẳng nảy sinh khi người dân quyết chặn xe vào bãi chôn lấp rác - Ảnh: Lê Thu

Dân tố bị đánh, bị chủ tịch huyện "bám riết"

Sáng 25.4,tại hội trường UBND xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ trì cuộc đối thoại với người dân thôn Nam Phước xung quanh những bức xúc người dân đối với bãi chôn lấp rác Lộc Thủy, nơi bị người dân chặn xe gần 2 tháng qua.

Trước cuộc đối thoại này, đã có ít nhất 6 cuộc họp, đối thoại khác giữa người dân với các cấp chính quyền từ xã lên tỉnh. Trong đó, người dân đã đối thoại với Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ.

Ông Thọ đã xin lỗi người dân vì sự điều hành chưa tốt của xã, huyện, tỉnh khi để xảy ra ô nhiễm môi trường tại bãi chôn lấp rác Lộc Thủy. Riêng Công ty cổ phần Môi trường công trình và đô thị Huế (gọi tắt là Hepco, đơn vị quản lý bãi chôn lấp rác) không chỉ xin lỗi dân mà còn có bản cam kết trước đông đảo người dân, chính quyền sẽ thực hiện 8 điều để khắc phục các vấn đề ô nhiễm về mùi hôi, nguồn nước, phương thức và phương tiện vận chuyển; quan trắc môi trường định kỳ, tăng cường vai trò giám sát của người dân…

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì cuộc đối thoại với người dân

Tại cuộc đối thoại này, ông Cao nhắc lại các cam kết của Hepco và đề nghị người dân tạo điều kiện cho công ty thực thi cam kết, nếu chặn xe là người dân sai.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Chi, người dân thôn Nam Phước đặt vấn đề ngược lại: “Nhà máy rác xây dựng không hoàn thiện nhưng vẫn đổ rác vào xử lý là nhà máy sai trước. Nếu cho rằng chúng tôi chặn xe là sai thì chỉ sai 1-2 ngày, còn chính quyền (địa phương) sai tới 6-7 năm, vậy ai chịu trách nhiệm?”.

Đáng chú ý, người dân trực tiếp đề nghị xử lý những người liên quan đến việc xây dựng nhà máy sai trái các quy định của nhà nước như xây trong lòng dân cư, xây ở đầu nguồn nước.

Người dân chất vấn gay gắt người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế

Họ còn "tố" với ông Nguyễn Văn Cao việc một số chị em phụ nữ đã phải đi cấp cứu sau khi bị cán bộ xã và những người lạ mặt sử dụng bạo lực trong lúc ngăn cản không cho xe chở rác vào bãi xử lý ngày 30.3.2017.

Nghiêm trọng hơn, bà Hồ Thị Sáng, người dân ở Nam Phước còn "tố" ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc đã vi phạm quyền tự do đi lại của người dân khi ngày 20.4 vừa qua, ông đã cản trở bà và cùng 3 người dân khác đi lên siêu thị Big C ở TP.Huế để mua sắm.

“Chúng tôi đi lên Big C thì ông Mạnh chặn lại bảo đi đâu để ông chở. Ông Mạnh cũng áp theo tôi từ bến xe buýt lên Big C. Tầng 1 có ông, chúng tôi lên tầng 2, 3, tầng 4 chi cũng có ông. Chúng tôi có tội tình chi mà phải như vậy?”, bà Sáng nói.

Đáp lại, ông Mạnh cho biết ông làm vậy là do khi ông hỏi các chị em đi đâu thì ban đầu họ nói đi siêu thị Big C, sau thì nói lên gặp chủ tịch tỉnh để khiếu nại nên ông mới nói là lên xe để ông đưa đi.

Ông Nguyễn Văn Mạnh cho rằng đi theo người dân vì sợ khiếu nại vượt cấp

“Cả huyện có 150 ngàn dân, có chủ tịch nào điên mà đi chạy theo 4 chị em nhưng tôi phải làm vậy vì quy định để khiếu nại vượt cấp thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Người dân có quyền đi lại nhưng không phải chỗ nào cũng tới được. Nhà nước phải tiếp đúng chỗ, tránh để mất an ninh, trật tự an toàn xã hội…”, ông Mạnh nói.

Còn ông chủ tịch tỉnh cho rằng việc ông chủ tịch huyện làm thế là đúng. “Quy định của nhà nước là như vậy. Bà con kéo đến trụ sở UBND tỉnh thì chỗ đâu để làm việc? Bà con đi ra Chính phủ, tỉnh cũng sẽ đi theo để đưa bà con về thôi…”, ông Cao giải thích.

Liên quan vấn đề người dân tố cán bộ công quyền và người lạ mặt đánh dân, ông Cao hứa với người dân là sẽ chỉ đạo cơ quan chức trách điều tra kỹ lưỡng, nếu có cơ sở thì ai sai tới đâu xử lý tới đó.

Người dân chưa đồng thuận

Bãi chôn lấp rác Lộc Thủy được khởi công xây dựng từ năm 2008 trên diện tích 27ha tại phía nam đèo Phước Tượng, huyện Phú Lộc. Bãi chôn lấp rác do dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung đầu tư bằng vốn vay ADB với kinh phí khoảng 3,42 triệu USD. Công trình hoàn thành vào năm 2011 với chức năng thu gom, xử lý toàn bộ rác cho huyện Phú Lộc, với công suất khoảng 135 tấn/ngày.

Khu vực xây dựng bãi chôn lấp là vùng đất giãn dân phát triển kinh tế mới 21 năm trước nên hơn 140 hộ dân nơi đây đều là những người tái định cư, do đó họ không muốn tái định cư thêm một lần nữa.

Xe cứu thương xuất hiện gần bãi chôn lấp rác mỗi khi có căng thẳng

Chủ tịch Thừa Thiên-Huế cho rằng bãi chôn lấp đặt tại vị trí như hiện tại là “phù hợp quy hoạch” và cần thiết cho huyện Phú Lộc, nhất là khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nên không thể di dời theo kiến nghị của người dân.

Tuy nhiên ông này cũng tán thành kiến nghị của người dân về việc sẽ đầu tư nguồn lực để thay đổi công nghệ, thay đổi máy móc để xử lý rác.

Vị này cho biết, đối với những hộ dân trong vùng ảnh hưởng (trước mắt là trong khảng cách 300m từ tường rào bãi chôn lấp), hiện tỉnh đã giao cho huyện thực hiện phương án tái định cư và sẵn sàng hỗ trợ cho những bà con muốn đi sớm nhất.

Sau gần 2 tháng bãi chôn lấp rác Lộc Thủy bế tắc vì bị chặn xe, nhiều địa phương ở huyện Phú Lộc ngập ngụa rác ứ đọng

Ông Cao cũng đề nghị người dân trong vòng 10 ngày đầu tháng 5 tới để bãi rác hoạt động trở lại, nếu lúc đó phát sinh ô nhiễm thì buộc tạm dừng hoạt động để tính phương án khác.

Tuy nhiên, người dân cho rằng bãi chôn lấp rác tồn tại đe dọa đến sức khỏe của họ và các thế hệ con em nên không thể đồng thuận với lãnh đạo tỉnh, vì thế đã bỏ về khi cuộc họp vẫn chưa kết thúc.

Lê Thu - Thạch Châu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/phan-doi-bai-rac-dan-di-sieu-thi-chu-tich-huyen-cung-theo-doi-61497.html